Theo định nghĩa của tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO), thiếu máu là tình trạng giảm Hemoglobin (hay còn gọi là Huyết sắc tố) ở trong máu so với trung bình của người cùng tuổi, cùng giới, cùng điều kiện sống. Như vậy, tuỳ vào độ tuổi, giới tính, điều kiện sống sẽ có tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu khác nhau, tuy nhiên, đối với người trưởng thành, lượng huyết sắc tố dưới 120g/l được coi thiếu máu. Thiếu máu là hội chứng gặp trong rất nhiều bệnh và được coi là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, trung bình có khoảng 24.8% người bị thiếu máu, 42% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu và có đến 41% thiếu máu xảy ra ở phụ nữ mang thai. Thiếu máu trầm trọng hơn ở quốc gia kém và chậm phát triển. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ thiếu máu tương đối cao, theo thống kê tỉ lệ thiếu máu từ 20-39.9% tuỳ địa bàn dân cư.
Hình 1: Phân bố tình trạng thiếu máu trên thế giới (nguồn WHO - 2018)
Triệu chứng của thiếu máu?
Thiếu máu có nhiều mức độ và phân loại khác nhau, biểu hiện của thiếu máu cũng rất đa dạng phong phú tuỳ vào cơ quan cũng như bệnh lý kết hợp. Một số bệnh nhân thiếu máu nhẹ hoặc thiếu máu mạn tính cơ thể dần thích nghi gần như không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt mà chủ yếu phát hiện thiếu máu qua khám sức khoẻ hoặc tình cờ phát hiện khi khám bệnh khác. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân có biểu hiện như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ, giảm tập trung, mất ngủ hay ngủ gà gật, chân tay tê bì, giảm sức lao động trí óc và chân tay, hồi hộp đánh trống ngực, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tóc rụng, móng tay giòn dễ gãy… Hoặc các biểu hiện của các bệnh kết hợp là nguyên nhân gây thiếu máu như chảy máu, vàng da, đau xương, đau khớp…
Hình 2: Triệu chứng lâm sàng của thiếu máu
Thiếu máu gặp trong bệnh gì?
Thiếu máu là một hội chứng gặp trong rất nhiều bệnh nội và ngoại khoa khác nhau. Thiếu máu có thể gặp trong các trường hợp chấn thương lớn gây mất cấp tính, máu nhiều như vết thương mạch máu, gãy xương lớn, chấn thương sọ não, hay trong các phẫu thuật lớn như mổ tim mở, ghép tạng,… những bệnh nhân này thường có biểu hiện mất máu rõ rệt, cấp tính đòi hỏi phải truyền máu bổ sung ngay. Thiếu máu cũng có thể gặp trong các bệnh gây chảy máu rỉ rả ít một hàng ngày như trĩ, rong kinh, đa kinh, giun móc,…những trường hợp này mỗi ngày người bệnh mất một ít máu nên cơ thể dần thích nghi với sự thiếu máu khi phát hiện mức độ thiếu máu thường nặng nhưng biểu hiện thì không rõ ràng. Nhiều khi thiếu máu là biểu hiện đầu tiên của các bệnh lý ác tính như ung thư máu, ung thư hạch, ung thư di căn tuỷ xương và giai đoạn muộn của nhiều bệnh lý ung thư khác. Ngoài ra thiếu máu còn hay gặp trong các trường hợp như ăn uống kém, giảm hấp thu sắt và các chất dinh dưỡng ở bệnh nhân cắt đoạn dạ dày, ruột hoặc ở các bệnh nhân suy thận do giảm yếu tố kích thích tạo hồng cầu.
Khi phát hiện thiếu máu thì xử lý như thế nào?
Khi phát hiện thiếu máu hoặc nghi ngờ thiếu máu người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn, làm các xét nghiệm để chẩn đoán thiếu máu, xác định nguyên nhân gây thiếu máu và có chiến lược điều trị cụ thể. Tuyệt đối không nên tự điều trị, cũng như lấy đơn thuốc của người khác để áp dụng cho bản thân, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thực hiện: Hồ Xuân Trường - Khoa Huyết học (C2-A)