Thay lại khớp háng: Thách thức không làm chúng ta lùi bước!

  10:28 AM 06/09/2021
Thay khớp háng là bước đột phá trong chuyên ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Không chỉ giúp những bệnh nhân thoát khỏi sự hành hạ của những cơn đau, thay khớp háng còn đưa họ trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, vì là vật liệu cấy ghép, nên tuổi thọ của khớp háng nhân tạo là có hạn. Khi khớp háng nhân tạo bị lỏng, hoặc gặp những biến chứng sau mổ như gãy xương, sai khớp, nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ: phải thay lại khớp háng.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T., 79 tuổi, năm 2003, bệnh nhân được thay khớp háng bên phải toàn phần, sau phẫu thuật bệnh nhân tập luyện, trở lại sinh hoạt bình thường. Khoảng 3 năm nay, bệnh nhân thấy đau khớp háng phải tăng lên khi vận động, đau lan xuống gối, đi lại tập tễnh, điều trị nội khoa không đỡ. Qua thăm khám, thấy bệnh nhân đau, hạn chế vận động khớp háng phải, chân phải ngắn hơn 3cm so với bên lành.

Vào Khoa Phẫu thuật Khớp, bệnh nhân được chẩn đoán: Lỏng khớp háng nhân tạo bên phải sau thay khớp toàn phần 18 năm, và được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thay lại khớp háng phải toàn phần.

Ngày thứ 2 sau mổ, nhờ giảm đau tốt, bệnh nhân đã có thể tự đứng dậy và được kỹ thuật viên phục hồi chức năng hướng dẫn tập đi bằng nạng. Hiện tại tuần thứ 3 sau mổ, vết mổ đã liền hoàn toàn, những cơn đau trước đó đã hoàn toàn tan biến, bệnh nhân đang dần thoải mái trở lại với những sinh hoạt thường ngày.

 

Hình ảnh phim XQ và CT trước phẫu thuật: khớp háng nhân tạo đã lỏng, ổ cối khuyết xương rộng, chuôi khớp lún sâu vào ống tủy và nguy cơ gây thủng thân xương đùi

        

Hình ảnh phim XQ sau phẫu thuật với ổ cối nhân tạo đủ lớn, đúng vị trí giải phẫu, chuôi khớp cố định suốt chiều dài dọc thân xương đùi

Số ca mổ thay khớp háng đang tăng dần mỗi năm, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi. Kéo theo đó sẽ là ngày càng nhiều bệnh nhân với nhu cầu phẫu thuật thay lại khớp háng. Đây là một gánh nặng đặt lên sức khỏe, tinh thần, tài chính của người bệnh, vì khi đã từng trải qua rồi, ai cũng đắn đo nếu phải phẫu thuật thêm một lần nữa. Đồng thời, đó cũng là niềm trăn trở, thách thức cho các bác sỹ, điều dưỡng chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và gây mê hồi sức.

Trước hết, các bệnh nhân thường đã có tuổi, sức khỏe yếu hơn lần phẫu thuật trước đó, chưa kể đến các bệnh lý nền có thể mắc phải. Quan trọng hơn, đây là một cuộc mổ rất phức tạp, do phần mềm sẹo co kéo, xơ dính, xương đùi và ổ cối có thể bị loãng xương, khuyết, biến dạng so với giải phẫu ban đầu. Phẫu thuật viên không chỉ cần có kinh nghiệm và một kế hoạch chi tiết trước mổ, với kỹ năng nhanh chóng bộc lộ chính xác và đặt được khớp háng nhân tạo mới vào đúng vị trí phù hợp, mà còn phải đề phòng và xử lý được các biến chứng luôn rình rập như chảy máu, gãy xương…  Ngoài ra, điều kiện phòng mổ cần hiện đại, tuyệt đối vô trùng, đội ngũ hồi sức và chăm sóc hậu phẫu phải chuyên nghiệp, chuyên sâu và bài bản.

Qua bài viết này, các bệnh nhân đã từng mổ thay khớp háng lưu ý như sau: với kỹ thuật tiên tiến, vượt qua những khó khăn, phẫu thuật thay lại khớp háng có thể giải quyết được các triệu chứng của lỏng khớp nhân tạo như đau khi vận động và ngắn chân, cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nếu sau thay khớp háng có các biểu hiện trên, xin hãy liên hệ với các bác sĩ Phẫu thuật Khớp, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 để được thăm khám và tư vấn một cách tốt nhất.

TS Nguyễn Quốc Dũng, Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ