Tai biến và cách dự phòng trong truyền máu khối lượng lớn

  08:41 AM 08/10/2019
Truyền máu là hoạt động thường xuyên diễn ra tại phòng mổ nhằm bồi phụ lại thể tích máu mất trước, trong phẫu thuật. Trong điều kiện hiện nay, đa phần các phẫu thuật trên phòng mổ trung tâm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là các phẫu thuật lớn, phức tạp, các tình huống cấp cứu, bệnh nhân đến trong tình trạng mất máu nhiều, tổn thương các tạng chứa máu lớn: vết thương tim, gan, lách, mạch máu lớn hoặc trong các ca ghép tạng. Chính vì vây, công tác truyền máu, đặc biệt là truyền máu khối lượng lớn là một trong những thách thức lớn với người làm công tác gây mê hồi sức.

Truyền máu khối lượng lớn được định nghĩa là truyền một lượng máu tương đương với thể tích máu của bệnh nhân trong vòng 24 giờ, hoặc 10 đơn vị máu toàn phần (1 đơn vị = 250 ml) hoặc hồng cầu khối trong 24 giờ, hoặc 4 đơn vị hồng cầu khối trong 1 giờ, hoặc thay thế 50% tổng thể tích máu trong 3 giờ.

Các tai biến, biến chứng trong truyền máu có thể xảy ra như: tan máu cấp do bất đồng nhóm máu, dị ứng- phản vệ, nhiễm trùng,…Đặc biệt trong truyền máu khối lượng lớn, các nguy cơ có thể xảy ra cần điều chỉnh chính gồm:

1. Tai biến Quá tải tuần hoàn:

Nguyên nhân: Do truyền một khối lượng lớn máu với tốc độ nhanh gây ra quá tải tuần hoàn, nhất là trên nhóm bệnh nhân có bệnh tim phổi trước đó.

Dự phòng:

-Tính toán lượng máu cần truyền hợp lý.

- Điều chỉnh theo xét nghiệm công thức máu.

2. Tai biến Rối loạn đông máu

Nguyên nhân:

- Bệnh nhân mất máu, làm giảm , thiếu các yếu tố đông máu nội sinh, thiếu tiểu cầu.

- Thiếu yếu tố đông máu xảy ra khi truyền máu khối lượng lớn vì máu dự trữ chứa ít yếu tố đông máu, đặc biệt là yếu tố V, VIII.

Dự phòng:

- Xét nghiệm đông máu cơ bản: APTT, PT, Fibrinogen.

- Xét nghiêm ROTEM (Rotation ThromboElastoMetry) được chỉ định rộng rãi trong các trường hợp truyền máu khối lượng lớn nhằm điều trị đích, điều chỉnh các thiếu hụt yếu tố đông máu bằng: thuốc cầm máu transamic, huyết tương tươi, tiểu cầu, tủa lạnh

3. Tai biến Rối loạn toan kiềm

Nguyên nhân: Tình trạng mất máu kéo dài làm thiếu hụt hồng cầu vận chuyển Oxy tới các mô và cơ quan, giảm oxy máu tổ chức, hình thành quá trình chuyển hóa yếm khí, gây nhiễm toan máu

Dự phòng:

- Điều chỉnh sớm tình trạng toan chuyển hóa bằng Nabica.

- Phát hiện tổn thương lồng ngực, phổi kết hợp, thông khí cơ học phù hợp.

4. Tai biến Rối loạn thân nhiệt

Nguyên nhân: Hồng cầu lắng được dự trữ ở 4 độ C, tiểu cầu ở 20-24 độ C, huyết tương tươi đông lạnh ở -18 độ C

Dự phòng:

- Làm ấm máu bằng cách truyền máu cùng nước muối sinh lý ấm (39-43 độ C) để vừa làm ấm, vừa pha loãng máu.

- Ủ ấm bệnh nhân: máy thổi khí nóng, chăn bạc,…

5. Tai biến Rối loạn điện giải

Nguyên nhân

- Giảm Calci do tác dụng phụ của chất chống đông Citrate

- Tăng Kali máu do tăng Kali trong máu truyền vào sau quá trình bảo quản

Dự phòng

- Bù Calci clorid hoặc Calci gluconate nếu có giảm Calci

- Theo dõi lượng Kali trong truyền máu khối lượng lớn. Điều trị thải Kali nếu cần thiết

Tần suất truyền máu khối lượng lớn tại phòng mổ bệnh viện TWQĐ 108 ngày càng nhiều, không chỉ trong mổ phiên, mà còn trong các ca cấp cứu, đòi hỏi cần có sự hợp tác toàn diện giữa các chuyên khoa: phẫu thuật, gây mê hồi sức, xét nghiệm, truyền máu. Cùng với sự phát triển của bệnh viện, khoa gây mê hồi sức được trang bị nhiều phương tiện hỗ trợ trong truyền máu: máy truyền dịch nhanh, máy cell saver dùng truyền máu tự thân để truyền lại cho bệnh nhân, máy sưởi khí, và hệ thống xét nghiêm hiện đại: khí máu, ROTEM. Trong thực tế lâm sàng tại khoa Gây mê hồi sức Bệnh viên Trung ương Quân đội 108, đã có nhiều trường hợp truyền tới 18 lít máu ở ca bệnh nhân ghép phổi, ca phẫu thuật lấy bỏ thân đốt sống thắt lưng phải truyền tới 10 lít máu (gấp 3-4 lần thể tích máu trung bình của cơ thể người) bao gồm: khối hồng cầu, huyết tương tươi, tiểu cầu khối và tủa lạnh. Với việc phối hợp các biện pháp dự phòng và điều trị đích, kíp gây mê hồi sức đã điều chỉnh thành công các rối loạn, hồi sức tích cực, cứu sống được tính mạng bệnh nhân, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và trở lại trạng thái cân bằng.

Thực hiện: PGS.TS. Nguyễn Minh Lý - Chủ nhiệm khoa Gây mê hồi sức

Bs Nguyễn Quang Trường - Khoa Gây mê hồi sức.

Chia sẻ