Sốc phản vệ do ong đốt!

  07:48 AM 17/09/2021
Ngày 7/9, Khoa Hồi sức nội và chống độc – Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận người bệnh nữ, 30 tuổi bị phản vệ mức độ nguy kịch sau bị ong đốt được can thiệp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau một tuần điều trị, tình trạng người bệnh tiến triển tốt và đang dần ổn định trở lại.

Hình ảnh người bệnh được chạy ECMO và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức nội và chống độc

Theo thông tin từ người nhà người bệnh cung cấp, tình huống khởi phát khá đột ngột khi người bệnh đang đi trên đường vô tình gặp tổ ong mới phá và bị đốt tức thì. Người bệnh được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện TWQĐ 108. Khi tới Khoa Hồi sức nội và chống độc người bệnh ở trong tình trạng sốc tim, mạch nhanh, rối loạn nhịp phức tạp, có lúc rung thất; huyết áp hạ sâu 69/45 mmHg (duy trì 3 thuốc vận mạch liều cao); siêu âm tim thấy giảm vận động toàn bộ thành tim.

Người bệnh được chẩn đoán sốc phản vệ mức độ nguy kịch do ong đốt, viêm cơ tim cấp biến chứng sốc tim. Vì đã có kết nối thông tin từ trước nên công tác chuẩn bị tiếp đón được chuẩn bị sẵn sàng, ngay lập tức người bệnh được hỗ trợ ECMO (oxy hóa máu quang màng ngoài cơ thể), theo đánh giá của TS Phạm Đăng Hải – bác sỹ điều trị trực tiếp của người bệnh “trường hợp này chỉ chậm một chút là ngừng tim nếu không hỗ trợ ECMO kịp thời”. Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng người bệnh dần cải thiện, được rút ECMO sau 5 ngày và rút ống nội khí quản sau 7 ngày.

Hình ảnh người bệnh sau điều trị 10 ngày

Sốc phản vệ là tai biến nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng, đúng cách. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Người dân cần lưu ý một số bước xử trí khi bị ong đốt như sau: 

- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.

- Lấy vòi chính của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chính và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.

- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

- Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.

- Trường hợp bị phản vệ mức độ nặng (bất tỉnh, thở chậm hoặc ngừng thở, ngừng tim) cần được cấp cứu hô hấp, tuần hoàn tại chỗ và gọi hỗ trợ cấp cứu ngay.

Với mục đích “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dân cũng cần lưu ý các cách phòng ngừa khả năng bị ong đốt sau:

- Phát hiện sớm và tránh xa tổ ong;

- Không chọc phá tổ ong hoặc kích động, làm tổn thương chúng, loài vật này sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới.

- Khi đi vào rừng, bạn tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ.

- Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt.

- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động, ong sẽ không nhìn thấy nữa.

- Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.

TS.BS Phạm Đăng Hải – Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc

Mai Hằng – Truyền thông Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ