Phòng ngừa virus viêm gan B tái hoạt động ở bệnh nhân ung thư

  02:44 PM 12/05/2022
Virus viêm gan B (HBV) có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan. Những bệnh nhân có bằng chứng huyết thanh học về nhiễm HBV (HBsAg dương tính hoặc anti-HBc dương tính) được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ tái hoạt động HBV dẫn đến tăng men gan, suy gan tối cấp, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, HBV tái hoạt gây gián đoạn điều trị ức chế miễn dịch, ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân.

 

HBV tái hoạt động là gì?

          HBV tái hoạt động biểu hiện bởi sự xuất hiện lại đột ngột hoặc tăng lên của HBV-DNA trong máu ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính không hoạt động hoặc viêm gan B đã hồi phục.

Bệnh nhân có nguy cơ tái hoạt virus viêm gan B?

- Bệnh nhân được hóa trị. Nguy cơ tái hoạt viêm gan B cao hơn khi bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ bao gồm kháng thể đơn dòng chống CD20 (rituximab, obinutuzumab,…), glucocorticoid, alemtuzumab,...

- Bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tạng đặc (gan, thận, …).

Thời gian bắt đầu xuất hiện viêm gan B tái hoạt động thay đổi tùy thể trạng của từng bệnh nhân, tình trạng nhiễm HBV, bệnh ung thư đang mắc và loại tác nhân gây suy giảm miễn dịch. Viêm gan B tái hoạt động có thể xuất hiện sớm trong vòng 02 tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị hoặc có thể xuất hiện sau vài tháng sau khi đã ngừng điều trị ức chế miễn dịch/hóa trị.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch, tất cả bệnh nhân được tiến hành xét nghiệm HBsAg và anti-HBc. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm sàng lọc ban đầu này, xét nghiệm HBV-DNA, HBeAg, anti-HBe, … chỉ định trong từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, xét nghiệm anti-HCV, anti-HIV để tầm soát các trường hợp có đồng nhiễm viêm gan C và HIV.

Bệnh nhân nên điều trị kháng virus dự phòng HBV tái hoạt động?

- Chỉ định điều trị dự phòng: những bệnh nhân có bằng chứng huyết thanh học về nhiễm HBV cần đánh giá nguy cơ HBV tái hoạt động dựa trên tình trạng huyết thanh của bệnh nhân (HBsAg dương tính hoặc âm tính), bệnh ung thư đang mắc, liệu pháp ức chế miễn dịch điều trị cho bệnh nhân kết hợp với bác sĩ chuyên khoa điều trị viêm gan.

- Thuốc điều trị dự phòng viêm gan B tái hoạt động: Tenofovir disoproxil fumarate, Tenofovir alafenamide hoặc Entecavir.

- Thời điểm bắt đầu điều trị kháng virus: càng sớm càng tốt, nên bắt đầu đồng thời hoặc trước khi điều trị ức chế miễn dịch.

- Thời gian điều trị dự phòng phụ thuộc liệu pháp ức chế miễn dịch, mức HBV-DNA.

+ Điều trị duy trì ít nhất 6 tháng sau khi ngừng liệu pháp ức chế miễn dịch (ngoại trừ liệu pháp kháng CD20).

+ Điều trị duy trì ít nhất 12 tháng sau khi ngừng thuốc kháng CD20. Thuốc kháng virus có thể cân nhắc tiếp tục dùng lâu dài với bệnh nhân ghép tạng đặc (gan, thận, …), ghép tế bào gốc tạo máu.

Theo dõi trong quá trình điều trị

- Đối với bệnh nhân theo dõi, không có chỉ định điều trị dự phòng kháng HBV tái hoạt: bệnh nhân cần được theo dõi chức năng gan (AST, ALT, …), HBV-DNA, HBsAg (ở bệnh nhân HBsAg âm tính, anti-HBc dương tính) trong và sau quá trình điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị. 

- Đối với bệnh nhân điều trị dự phòng kháng HBV tái hoạt: sau khi kết thúc điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, tiếp tục dùng thuốc kháng virus trong 6-12 tháng và theo dõi tại cơ sở chuyên khoa điều trị viêm gan và theo dõi bệnh ung thư tại cơ sở điều trị ung thư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lok, A.S., Bonis, P.A. and Esteban, R., 2017. Hepatitis B virus reactivation associated with immunosuppressive therapy. UpToDate.

2. Terrault, N.A., Lok, A.S., McMahon, B.J., Chang, K.M., Hwang, J.P., Jonas, M.M., Brown Jr, R.S., Bzowej, N.H. and Wong, J.B., 2018. Update on prevention, diagnosis, and treatment of chronic hepatitis B: AASLD 2018 hepatitis B guidance. Hepatology, 67(4), pp.1560-1599.

 

Tác giả: BS Lê Thị Thu Huyền, Khoa Huyết học Lâm sàng (A18), Bệnh viện Quân đội Trung ương 108

Chia sẻ