Điều dưỡng viên hỗ trợ người bệnh di chuyển phòng ngừa ngã trong bệnh viện
Nguyên nhân ngã phổ biến nhất là do yếu cơ, mất thăng bằng, hạ huyết áp, suy giảm thị lực… Ngoài ra, còn có các yếu tố gây ngã liên quan cơ sở điều trị như: Giường bệnh, xe cáng chưa an toàn; quần áo người bệnh quá rộng; nhà vệ sinh trơn trượt, thiếu dụng cụ hỗ trợ như tay vịn, thiếu dép chống trơn trượt, mặt sàn không bằng phẳng, chưa có biển cảnh báo. Tại Khoa Phục hồi chức năng có nhiều thiết bị chuyên biệt có nguy cơ ngã: Thanh song song, cầu thang tập đi, máy tập... Một số yếu tố khác cũng dẫn đến ngã như do người bệnh chịu tác dụng phụ của thuốc ngủ, thuốc trầm cảm…
Nguyên nhân ngã nhìn từ trách nhiệm của nhân viên y tế có thể do cách thức hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh chưa hiệu quả, chưa đánh giá đúng về nguy cơ ngã. Bác sĩ chưa thông báo đầy đủ về nguy cơ ngã do bệnh lý hay do thuốc hoặc việc phối hợp giữa bác sĩ, điều dưỡng với các khoa, phòng chưa cụ thể trong hướng dẫn, điều trị người bệnh. Về phía người bệnh và người nhà, nhận thức về nguy cơ ngã còn hạn chế, nên còn tình trạng người bệnh đi vệ sinh một mình tại những nơi không quen thuộc trong tình trạng không khỏe.
Xét về hậu quả, ngã có thể dẫn đến thương tích trầm trọng hoặc tử vong. Nếu người bệnh bị ngã ở bệnh viện thì quá trình điều trị ở bệnh viện sẽ kéo dài hơn. Vì vậy, phòng ngừa ngã là vấn đề hết sức quan trọng đối với nhân viên y tế và người bệnh trong thời gian nằm viện và tại cộng đồng.
Chương trình phòng chống ngã là mục tiêu quan trọng mà Tổ chức Y tế thế giới muốn hướng tới. Tại Việt Nam hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng số người bị ngã ước khoảng hơn 2 triệu người, trong đó người trong độ tuổi từ 65-85 chiếm 40%. Đáng chú ý, ngã là nguyên nhân đứng thứ hai trong các ca tử vong do thương tích không chủ ý trên toàn thế giới.
Cần phải có những biện pháp gì để người bệnh không bị ngã ở trong bệnh viện hay ngã trong quá trình sinh hoạt hằng ngày sau khi đã xuất viện về gia đình?
Đối với cơ sở y tế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của các phòng, ban chức năng trong quản lý hệ thống liên quan đến giảm tỷ lệ ngã; phát huy trách nhiệm của điều dưỡng trong phòng ngừa ngã cho người bệnh; đào tạo cho nhân viên y tế về phòng ngừa ngã cho người bệnh; phối hợp với người bệnh và gia đình người bệnh khắc phục, xử lý tốt nhất sau khi có sự cố ngã. Cùng với đó, cần trang bị cơ sở hạ tầng, cung cấp các thiết bị hỗ trợ, dự phòng ngã cho từng cá nhân; phối hợp với tuyên truyền cho người bệnh và gia đình nâng cao ý thức phòng ngừa ngã với mục tiêu: “Chung tay vì sự an toàn của người bệnh”.
Đối với người bệnh và người chăm sóc, cần hiểu rõ nguy cơ ngã; hãy nhờ người giúp đỡ nếu người bệnh cảm thấy không thoải mái và an toàn khi di chuyển; hãy nói chuyện với nhân viên y tế hay người chăm sóc giúp đỡ để đừng để bị ngã và khi đã bị ngã thì đừng tự đứng dậy mà hãy chờ người giúp đỡ. Khi tắm hãy ngồi ghế, tắm vòi hoa sen rèn luyện thói quen sử dụng thanh vịn ở mọi lúc, mọi nơi; cần di chuyển chậm rãi và mang giày dép an toàn, không trơn trượt; quần áo không dài quá mắt cá chân; lưu ý tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng có thể dẫn đến ngã; hãy sử dụng dụng cụ trợ giúp khi đi bộ như gậy, kính, máy trợ thính...
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã và đang triển khai thực hiện những chương trình phòng chống ngã nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ngã, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, xây dựng không gian sống an toàn, đồng thời có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý cũng như theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể rà soát và phòng ngừa các nguy cơ ngã.
Điều dưỡng Vũ Thị Kim Oanh, Vũ Đình Hưởng,
Dương Thùy Dung - Khoa Phục hồi Chức năng,
Bệnh viện TWQĐ 108