Những tổn thương ngón tay hay gặp

  04:51 PM 16/06/2020

Những tổn thương ngón tay hay gặp bao gồm:

Bong gân ngón tay: Bong gân ngón tay là tình trạng các dây chằng bị rách hoặc bị căng kéo quá mức. Dây chằng là những dải mô cứng và kém đàn hồi giúp liên kết xương này với xương khác. Triệu chứng của bong gân ngón tay có thể bao gồm sưng, đau, hạn chế vận động và yếu ngón tay.

Tổn thương gân gấp: Gân là những dải mô chắc giúp liên kết các cơ với xương. Trong một tổn thương gân gấp, một gân ở vùng lòng bàn  tay bị xoắn vặn hoặc đứt. Nếu chỗ bị đứt rách gần đầu ngón tay, nó sẽ khiến cho đầu ngón tay không thể uốn cong. Và các đầu ngón tay sẽ luôn giữ ở vị trí thẳng.Các bác sĩ đôi khi sử dụng thuật ngữ "ngón tay thùa khuy" để mô tả tổn thương này (Ảnh 1).

Tổn thương gân duỗi: Trong tổn thương này, gân ở mu tay bị xoắn vặn hoặc bị đứt. Nếu vị trí đứt gần đầu ngón tay, nó sẽ khiến ngón tay của bệnh nhân ở tư thế gấp. Ngón tay sẽ không thể duỗi thẳng được, hay còn gọi là “ngón tay hình cái vồ” (Ảnh 2). Điều này xảy ra khi khớp ngón tay gần móng tay nhất bị tổn thương. Các triệu chứng có thể gặp là ngón tay gấp lại, đau và sưng ở vùng đầu ngón tay.

Một kiểu tổn thương gân duỗi khác được gọi là biến dạng ngón tay thợ thùa khuyết. Điều này xuất hiện khi gân bị rách và trượt khỏi vị trí của nó. Điều này làm cho khớp ngón tay gần với đầu ngón tay nhất luôn ở tư thế duỗi thẳng, và khớp ngón tay ở giữa ngón tay thì bị cố định ở tư thế gấp ( Ảnh 3).

Ngón tay cò súng(Hội chứng lò xo): Tình trạng này khiến ngón tay bệnh nhân không thể duỗi thẳng bình thường được. Khi bệnh nhân cố gắng duỗi thẳng ngón tay, ngón tay như bị khóa lại ở tư thế gấp (Ảnh 4). Ngón tay cò súng có thể gây đau ở ngón tay hoặc gan tay. Ngón tay cò súng là vấn đề ở phần gân ở bàn tay.

Tôi có cần làm xét nghiệm?

Có thể bạn sẽ cần phải làm xét nghiệm. Bác sỹ hoặc điều dưỡng sẽ hỏi về triệu chứng của bạn và tiến hành thăm khám. Họ có thể sẽ chụp Xquang ngón tay và bàn tay của bạn. Họ cũng có thể làm những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh này cho thấy những hình ảnh bên trong cơ thể bạn.

Điều trị những tổn thương này như thế nào?

Điều trị sẽ phụ thuộc vào ngón tay mà bạn bị tổn thương và mức độ tổn thương. Nếu bạn đau nhiều hoặc có tổn thương nặng, bác sỹ sẽ kê cho bạn giảm đau mạnh. Nếu tổn thương của bạn nhẹ, bác sỹ sẽ hướng dẫn bạn các thuốc giảm đau không cần kê đơn để kiểm soát cơn đau của bạn. Các thuốc giảm đau không cần kê đơn bao gồm acetaminophen, ibuprofen, và naproxen.

Điều trị các tổn thương ngón tay bao gồm các biện pháp dưới đây:

Ngưng hoạt động và sử dụng bàn tay.

Giữ bàn tay luôn ở mức cao hơn tim của bạn (khi có thể).

Chườm đá để giảm sưng, bạn có thể chườm mỗi 1-2 tiếng 1 lần, khoảng 15 phút mỗi lần. Bạn nên đặt một miếng khăn mỏng giữa vật lạnh và da bạn. Bạn nên sử dụng đá (hoặc vật lạnh) trong vòng ít nhất 6 tiếng sau tổn thương. Một số bệnh nhân thấy có ích nếu giữ lâu hơn, thậm chí lên tới 2 ngày sau tổn thương.

Sử dụng các loại băng dẻo (ví dụ như băng thun).

Băng cố định ngón tổn thương với ngón lành: Bạn băng ngón tay đau cố định vào ngón lành cạnh nó. Điều này được làm khi bạn có tình trạng đứt các dây chằng, nó không sử dụng để điều trị các tổn thương gân và ngón tay cò súng.

Đeo nẹp ngón tay: Nẹp ngón tay được sử dụng để điều trị tổn thương gân và ngón tay cò súng. Và đối với một số tổn thương như ngón tay hình vồ, bệnh nhân cần đeo nẹp suốt ngày.

Phẫu thuật: Một số bệnh nhân cần phẫu thuật để điều trị gân và dây chằng. Các phẫu thuật ở bàn tay thường cần các chuyên gia về phẫu thuật bàn tay.

Các biện pháp phục hồi chức năngvật lý trị liệu: Sau khi tổnthương bàn tay liền, bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn tới gặp các bác sỹ phục hồi chức năng. Họ sẽ hướng dẫn bạn cách luyện tập để tăng cường cho ngón tay của bạn và giúp nó vận động dễ dàng hơn.

Các tổn thương ngón tay cần bao lâu để liền?

Các tổn thương ngón tay có thể cần vài tuần đến vài tháng để  liền, phụ thuộc vào loại tổn thương. Nó cũng phụ thuộc vào từng người. Đối với trẻ em khỏe mạnh thì nó sẽ hồi phục nhanh. Ở người lớn hoặc người cao tuổi việc điều trị sẽ có thể lâu hơn.

Tôi có thể làm gì để cải thiện quá trình liền tổn thương?

Điều quan trọng là bạn phải theo hướng dẫn của bác sỹ khi ngón tay của bạn đang trong quá trình điều trị. Ví dụ, bạn có thể duỗi hoặc gấp ngón tay trong một khoảng thời gian nhất định. Bác sỹ của bạn cũng khuyến cáo bạn nên tránh một số động tác nhất định.

Khi nào tôi nên gọi bác sỹ hoặc điều dưỡng?

Bác sỹ hoặc điều dưỡng của bạn sẽ nói với bạn khi nào cần gọi họ. Nhìn chung bạn có thể gọi họ nếu:

Đau tăng lên nhiều và nặng, kèm theo sưng nề tiến triển.

Có tê bì ngón tay, hoặc nhìn ngón tay tím tái, nhợt nhạt.

Ngón tay của bạn tự gấp hoặc duỗi mà bạn không có chủ ý làm thế.

Ảnh 1: Tổn thương khiến đầu ngón tay không duỗi thẳng được(ngón tay thùa khuy).

Ảnh 2: Ngón tay hình cái vồ.

Ảnh 3. Bàn tay thợ thùa khuyết.

 

Ảnh 4. Ngón tay cò súng.

Thực hiện: BS.Hoàng Công Trọng – Khoa Nội Cơ, Xương, Khớp.

Chia sẻ