Muốn cải thiện tuần hoàn não hãy day huyệt phong trì

  02:49 PM 15/07/2015

Tại sao lại nói như vậy ? bởi vì, trong mươi năm trở lại đây, trân cơ sở các nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng nhiều nhà y học trong và ngoài nước đã nhận thấy: khi tác đông lên huyệt Phong trì bằng các phương thức khác nhau nh châm cứu thông thường, thủy châm, điện châm, bấm huyệt, dán thuốc…đều tạo được sự cải thiện lưu lượng tuần hoàn não ở các mức độ khác nhau góp phần tăng cường quá trình nuôi dưỡng tế bào não. Điều này được thể hiện thông qua việc làm thay đổi các chỉ tiêu lưu huyết não đồ theo hướng có lợi như làm giảm thời gian α và tỷ lệ α/T, làm tăng biên độ sóng Am và thời gian truyền sóng mạch Qa trên đồ thị lưu huyết não, làm tăng thể tích máu qua mỗi bán cầu não trong một phút.

Từ kết quả nghiên cứu này, trong vòng mươi năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu lâm sàng ở Trung Quốc đã mạnh dạn sử dụng độc huyệt Phong trì điều trị thành công khá nhiều chứng bệnh có liên quan đến tình trạng thiểu năng tuần hoàn não như rối loạn tiền đình, đau nửa đầu do yếu tố mạch máu, hư xương sụn cột sống cổ gây thiểu năng hệ động mạch đốt sống-thân nền, giảm thị lực, ù tai do nhân tố thần kinh…Ngoài ra, người ta còn dùng độc huyệt Phong trì để điều trị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên cấp tính, đau lưng cấp, đau dây thần kinh chẩm lớn và dây thần kinh tam thoa…

Trong hệ thống huyệt vị châm cứu cổ truyền, Phong trì là một trong những huyệt rất thông dụng. Huyệt này được thấy sớm nhất trong sách “Linh khu-Nhiệt bệnh”, có công dụng thanh nhiệt sơ phong, thông nhĩ minh mục, kiện não an thần, được dùng để chữa các chứng bệnh như đau nửa đầu, đau mắt đỏ, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, sốt không ra mồ hôi, trúng phong (rối loạn tuần hoàn não), đau cổ vai, giảm thị lực do teo thần kinh thị giác, động kinh, viêm mũi...“Phong” có nghĩa là gió, ý muốn nói đến tác nhân gây bệnh và tính chất diễn biến của bệnh ; “Trì” có nghĩa là cái ao, ở đây nói tới một chỗ hõm, “Phong trì” là huyệt được hợp lại bởi kinh Đởm và mạch Dương duy ở trong góc hõm do các khối cơ vùng cổ gáy tạo nên, nó được xem như là nơi phong tà (tác nhân gây bệnh) dễ xâm nhập tạo nên những dấu hiệu của chứng cảm mạo phong hàn và phong nhiệt, chứng trúng phong gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí có thể bại hoặc liệt nửa người. Bởi thế, sách “Kinh huyệt thích nghĩa giải hội” đa ghi rằng : “Huyệt ở chỗ hõm trong tóc phía sau mang tai. Chỗ huyệt này tựa như cái ao, là huyệt quan trọng để chữa phong nên gọi là “Phong trì””

Vậy thì, huyệt Phong trì nằm cụ thể ở đâu ? Cách xác định và phương pháp day bấm như thế nào ? Nếu bạn là người có chuyên môn, trước hết phải sờ xác định đáy hộp sọ, cơ thang và cơ ức đòn chũm, huyệt nằm ở trong góc lõm do bờ ngoài cơ thang và bờ trong cơ ức đòn chũm bám vào đay hộp sọ tạo nên. Nếu bạn không có chuyên môn thì có thể tự xác định theo cách đơn giản như sau: đầu tiên, xòe hai bàn tay, đặt hõm giữa lòng bàn tay vào đỉnh hai tai, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, hướng ngón cái về phía sau gáy. Sau đó miết hai ngón tay cái từ trên xuống dưới, vượt qua một ụ xương rồi rơi xuống một chỗ hõm ở hai bên khối cơ nổi sau gáy, đó chính là vị trí của huyệt Phong trì.

Muốn đạt được hiệu quả cải thiện lưu lượng tuần hoàn não tốt nhất cần thực hiện quy trình day bấm huyệt Phong trì theo các bước như sau:
- Chọn tư thế thích hợp, tốt nhất là ngồi trên ghế có tựa. Tinh thần hết sức thư thái, tập trung sự chú ý vào việc day bấm huyệt.
- Xác định vị trí huyệt theo cách thức nêu trên.
- Dùng hai ngón tay cái day ấn huyệt theo chiều kim đồng hồ trong 2-3 phút trong khi các ngón tay khác ôm chặt lấy đầu để làm điểm tựa. Chú ý thao tác phải nhịp nhàng nhưng đảm bảo lực tác động tương đối mạnh sao cho tại chỗ có cảm giác căng tức, có khi lan ra vùng cổ hoặc ngược lên nửa sau đầu.
- Mỗi ngày day bấm 2 lần, có thể tác động đơn độc hoặc phối hợp với các bài xoa bóp vùng đầu cổ khác.

Nhìn chung, những người bị thiểu năng tuần hoàn não mạn tính đều có thể áp dụng phương pháp day ấn huyệt Phong trì như trên. Tình trạng bệnh lý này thường được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau hoặc nặng đầu, chóng mặt hoa mắt, mất ngủ, ù tai, hay quên, giảm sút sức chú ý và năng lực ghi nhớ, tính tình dễ thay đổi, dễ lâm vào trạng thái căng thẳng, khả năng làm việc trí óc sút kém, thậm chí có thể xuất hiện run tay chân. Trong y học cổ truyền, tình trạng này thuộc phạm vi các chứng như “Đầu thống”, “Huyễn vựng”, “Thất miên”, “Tâm quý”, “Kinh chứng”…Riêng đối với những người có kèm theo tăng huyết áp thì nhất thiết phải có sự chỉ dẫn chi tiết của các bác sĩ chuyên khoa đông y.

ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn
Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ