Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong những mục tiêu toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm là giảm tỷ lệ tăng huyết áp xuống 33% từ năm 2010 đến năm 2030.
Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, cứ 5 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp. Trong đó còn tỉ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh. Làm tăng đáng kể những biến cố đáng tiếc do tăng huyết áp.
Do đó, nắm bắt những kến thức căn bản về tăng huyết áp cách phòng tránh và tuân thủ điều trị là rất cần thiết.
Thay đổi lối sống:
Ăn thực phẩm ít chất béo, muối và calo hơn, chẳng hạn như sữa tách béo hoặc sữa 1%, rau và trái cây tươi, gạo và mì ống nguyên hạt.
Sử dụng hương liệu, gia vị và thảo mộc để làm cho thức ăn trở nên ngon mà không cần dùng đến muối. Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đông lạnh, đồ ăn nhanh vì đều chứa hàm lượng muối cao.
Tránh hoặc cắt giảm thực phẩm giàu chất béo hoặc muối , chẳng hạn như bơ và bơ thực vật, nước sốt trộn salad thông thường, thịt béo, các sản phẩm từ sữa nguyên chất.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn kiêng DASH nhấn mạnh thêm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống của bạn đồng thời giảm lượng natri. Vì nó có nhiều trái cây và rau quả, có hàm lượng natri thấp hơn tự nhiên so với nhiều loại thực phẩm khác, chế độ ăn kiêng DASH giúp bạn dễ dàng ăn ít muối và natri hơn.
Giảm căng thẳng, liệu pháp tâm lý phù hợp : tham gia các lớp tập thiền, yoga, các tập thể cùng trao đổi và chia sẻ bệnh, giảm căng thẳng và điều tiết tâm lý phù hợp
Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu, tập thể dục hợp lý
Vai trò quản lý huyết áp không chỉ là y bác sĩ mà phụ thuộc phần lớn vào bệnh nhân
Đo huyết áp thường xuyên:
Con số huyết áp phản ánh tương đối trung thực tình trạng đáp ứng thuốc và ý nghĩa trong theo dõi và quyết định điều trị.
Nên đo huyết áp tối thiểu 1 – 2 lần trong ngày trước khi dùng thuốc hoặc ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường: chông mặt, choáng váng, tê bì cục bộ …
(Nếu huyết dưới 120/80 mmHg, nên kiểm tra ít nhất hai năm một lần, bắt đầu từ tuổi 20. )
Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn:
Điều trị tăng huyết áp là quá trình quản lý bệnh cá thể hóa do đó cần thực hiện nghiêm chỉ dẫn: uống đúng, đủ thuốc, đủ liều.
Nên chia sẵn các thuốc cần uống vào các hộp chia thuốc theo ngày, các buổi trong ngày để tranh nhầm thuốc hoặc bỏ lỡ liều dùng.
Không tự ý bỏ thuốc
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý bỏ thuốc khi thấy huyết áp đã được kiểm soát. Việc sử dụng thuốc tùy ý sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố tăng huyết áp khẩn cấp, và tăng huyết áp kháng trị.
Do đó, cần duy trì thuốc liên tục trong quá trình điều trị.

Trường hợp thuốc dùng có phát sinh tác dụng không mong muốn cần báo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử lý phù hợp.
Bs Bùi Thị Hương Lan-
ĐD Mai Thị Mai An
Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108