Kỹ thuật sinh thiết hút tổn thương tuyến vú dưới hướng dẫn siêu âm

  08:42 AM 22/10/2019

1. Tổng quan

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC) năm 2012 thì ung thư vú đứng đầu, chiếm 21% trong tổng số các loại ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Cũng theo IARC, xuất độ chuẩn hóa theo tuổi của ung thư vú ở phụ nữ là 92,04 (trên 100 000 dân) ở châu Âu và 67,48 (trên 100 000 dân) trên toàn thế giới vào năm 1998, đều là cao nhất trong các loại ung thư ở nữ giới [2].

Ung thư vú đang trở nên phổ biến tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, năm 1998, ở nữ giới, ung thư vú là loại ung thư có tần suất cao nhất ở Hà Nội với xuất độ chuẩn hóa theo tuổi là 20,3 (trên 100 000 dân) và cao thứ hai ở Thành phố Hồ Chí Minh với xuất độ chuẩn hóa theo tuổi là 16 (trên 100 000 dân) sau ung thư cổ tử cung mà xuất độ chuẩn hóa theo tuổi là 28,6 (trên       100 000 dân) [1].

Phát hiện sớm ung thư vú qua sự tầm soát ở những phụ nữ bình thường đã làm thay đổi rõ ràng bệnh sử tự nhiên của bệnh cũng như cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh. Chẩn đoán xác định ung thư vú dựa vào kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh. Phương pháp lấy bệnh phẩm qua chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) hiện nay đã ít sử dụng do tỷ lệ âm tính giả cao, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ âm tính giả của phương pháp FNA từ 3 – 10% [3], [4]. Phương pháp sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm đã dần thay thế phương pháp chọc hút tế bào tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những sai sót do không lấy toàn bộ tổn thương nghi ngờ ác tính để làm xét nghiệm mô bệnh học. Để nâng cao chẩn đoán ung thư vú, hiện nay nhiều nước y học tiên tiến trên thế giới đã sử dụng phương pháp sinh thiết hút (Vacuum-assisted Breast Biopsy, VABB) dưới hướng dẫn siêu âm để chẩn đoán xác định bệnh lý u vú. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng phương pháp sinh thiết hút trong chẩn đoán ung thư vú có giá trị chẩn đoán đúng lên tới 97%, đặc biệt là cải thiện rất nhiều trong chẩn đoán tổn thương vú ác tính không hình thành khối.

Đây là kỹ thuật đã được áp dụng và phát triển tại nhiều nước trên thế giới và hiện tại đang được triển khai khá phổ biến tại nhiều bệnh viện ở trong nước. Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã chứng minh đây là phương pháp chẩn đoán lấy bệnh phẩm cho kết quả giải phẫu bệnh chính xác và ít tai biến cho bệnh nhân.

2. Nguyên lý hoạt độngcủa phương pháp sinh thiết hút

        Bộ súng sinh thiết lõi được nối với hệ thống tạo áp lực âm tính làm cho khối u được hút vào bề mặt kim sinh thiết, sau khi thực hiện sinh thiết từng mảnh khối u sẽ được hút ra lưu trũ trong hộp lưu trữ bệnh phẩm, các lát sinh thiết được sinh thiết liên tục cho đến khi bệnh phẩm được lấy hết.

Quá trình sinh thiết lấy khối u:

Hình 1: Ảnh minh họa quá trình sinh thiết lấy bệnh phẩm

Hình 2: Hình ảnh siêu âm quá trình sinh thiết mảnh lấy tổ chức u

3. Ứng dụng sinh thiết hút

Chẩn đoán: giống như các phương pháp sinh thiết khác sử dụng phương pháp sinh thiết hút trong chẩn đoán giải phẫu bệnh các tổn thương vú khu trú hoặc lan tỏa, tổn thương vi vôi hóa.

Điều trị: thường áp dụng với u xơ tuyến vú

4. Một số tai biến và cách xử trí

Chảy máu: thường gặp chảy máu tại vị trí tổn thương u đã lấy. Trên hình ảnh siêu âm có tổ chức và dịch tại vị trí lấy u. Để tránh tai biến này cần băng ép chặt sau khi thực hiện xong thủ thuật và kiểm tra siêu âm lại sau 1 giờ. 

Nhiễm trùng: biến chứng ít gặp. Cần đảm bào khâu sát khuẩn trước khi thực hiện kỹ thuật. Có thể dùng kháng sinh dự phòng nếu cần thiết sau khi bệnh nhân được can thiệp.

Da vú bị bầm nhẹ, biến chứng này sẽ biến mất sau vài tuần.

Hình thành tổ chức sẹo cứng vị trí tổn thương: khám sờ thấy tổn thương cứng. Tiến triển: tổn thương từ từ mất đi sau vài tháng đến 1 năm.

Trường hợp tổn thương quá sâu sát thành ngực, trong quá trình thực hiện kỹ thuật có thể gây tràn khí hoặc chảy máu màng phổi. Nếu thấy nghi ngờ cần chụp XQ ngực và siêu âm kiểm tra, đặt dẫn lưu màng phổi khi có chỉ định.

Sẹo trên da tại vị trí chọc kim: thường ít để lại sẹo, khó thấy, mờ dần theo thời gian.

Tài liệu tham khảo

1.       Nguyễn Chấn Hùng (2004), Ung thư học nội khoa, Nhà xuất bản Y Học Thành phố Hồ Chí Minh, pp. 18 - 19.

2.       International Agency for Research on Cancer (2012).

3.       Mitra S., Dey P. (2016), "Fine-needle aspiration and core biopsy in the diagnosis of breast lesions: A comparison and review of the literature", Cytojournal,  13, pp. 18.

4.       Yu Y. H., Wei W., Liu J. L. (2012), "Diagnostic value of fine-needle aspiration biopsy for breast mass: a systematic review and meta-analysis", BMC Cancer,  12, pp. 41.

 TS.BS Nguyễn Huy Hoàng - Khoa Chẩn đoán chức năng (C7)

 

Chia sẻ