Kỷ niệm về những người thầy

  09:40 AM 23/11/2020

 

Tháng 9/1988, sau khi tốt nghiệp tại Học viện quân y, tôi được phân công về khoa Nội cán bộ A1, Bệnh viện 108. Từ khi là sinh viên tại Học viện Quân y, tôi đã được biết và ngưỡng mộ các giáo sư đồng thời là cán bộ lãnh đạo của bệnh viện như GS Nguyễn Thế Khánh, GS Bùi Đại, GS Phạm Gia Triệu, GS Nguyễn Huy Phan, GS Phạm Tử Dương …. qua các bài giảng, sách giáo khoa và các buổi hội chẩn tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Đặc biệt, khoảng thời gian khi được làm việc trực tiếp với các thầy đã cho tôi những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên về đạo đức, tính cách, khả năng tư duy khoa học, phong cách làm việc của các thầy. Dưới đây là một số kỷ niệm và cảm nhận của tôi về một số thầy mà tôi đã từng được làm việc, tiếp xúc trong khoảng 10 năm kể từ khi ra trường.

GS Nguyễn Thế Khánh

Tôi đã gặp thầy những lần đầu tại các cuộc hội chẩn tại Bộ môn AM2 và Khoa A2 - Viện quân y 103 thuộc Học viện Quân y khi tôi đang là sinh viên nội trú. Khi ra trường, thầy thường hội chẩn và đi điểm bệnh tại khu bệnh nhân nặng ở khoa A1 hai lần mỗi tuần. Ông luôn đưa đến cho tôi sự cảm nhận về một nhà lâm sàng có kiến thức rất rộng nhưng cũng rất sâu sắc và cụ thể đối với từng bệnh nhân. Thầy Khánh thường hỏi bệnh, khám xét lâm sàng rất tỷ mỷ, thận trọng và trình tự. Đặc biệt, bàn tay của ông khám bệnh rất đẹp và mềm mại. Tôi nhớ trong một buổi hội chẩn với GS Đặng Hiếu Trưng và BS Dương Văn Thiệu, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng về một bệnh nhân ung thư vòm họng, thầy Khánh giảng giải và mô tả cho chúng tôi rất chi tiết về cấu trúc của từng chi tiết giải phẫu, tổ chức học của vùng hầu họng, các đặc điểm về mô bệnh học kết quả sinh thiết ở bệnh nhân. Khi 1 giáo sư của Bệnh viện bị bệnh đột ngột, mặc dù nhiều người đã khám chuyên khoa nhưng chưa có kết luận cụ thể, thầy Khánh chính là người đầu tiên phát hiện ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt, sau đó GS Bửu Triều cũng xác nhận chẩn đoán này.

Đứng trước mỗi bệnh nhân mà việc chẩn đoán và điều trị còn gặp khó khăn, thầy thường đưa ra rất nhiều phương án để chẩn đoán phân biệt. Một số người cho rằng việc ông đưa ra quá nhiều phương án chẩn đoán nhưng khi tôi đã có được ít nhiều kinh nghiệm lâm sàng và càng đọc sách nhiều, kể cả sau này khi tôi được đi học tập ở nước ngoài, khi được tiếp xúc với sách vở, phương tiện hiện đại và tư duy của họ tôi lại càng thấm thía những điều thầy đã dạy qua các buổi hội chẩn là rất chuẩn mực và logic. GS Nguyễn Thế Khánh có vốn kiến thức rất sâu và rộng về các lĩnh vực khác nhau. Ông là đồng tác giả với GS Phạm Tử Dương với cuốn sách gối đầu giường thời sinh viên của chúng tôi đó là cuốn “Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng”. Khi đi khám đầu giường hay hội chẩn bệnh nhân, thầy Khánh thường xem xét và phân tích rất kỹ lưỡng các xét nghiệm sinh hóa, hóa nghiệm, điện tim, X quang. Đặc biệt, ông thường giải thích các xét nghiệm đó theo một tư duy logic, đối chiếu kết quả cận lâm sàng với các triệu chứng lâm sàng của từng bệnh nhân. Với mỗi ca bệnh nhân tử vong, đặc biệt là các bệnh nhân nhồi máu cơ tim, thầy đều hỏi tôi rất kỹ về các dấu hiệu điện tim và kết quả giải phẫu thi thể. Tôi nhớ vào khoảng năm 1997 - 1998, mặc dù tuổi đã cao và không đến bệnh viện thường xuyên, khi đọc một báo cáo khoa học của các đồng nghiệp về 1 trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim, ông gặp tôi và hỏi rất kỹ về triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả chụp động mạch vành của bệnh nhân này và đưa ra những ý kiến của riêng mình. Điều tôi học được ở ông chính là tư duy đọc kết quả cận lâm sàng không thể tách rời tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Bên cạnh những ấn tượng về nghề nghiệp, GS Khánh cũng để lại cho tôi những ấn tượng về một người thầy hiền lành, giản dị, tận tụy với công việc.

GS. Bùi Đại

Với nhiều sinh viên khi đang học tập tại Học viện quân y, một trong những mơ ước lớn lao khi còn đang đi học chính là có cơ hội được trở thành bác sỹ công tác tại Bệnh viện 108 - một bệnh viện hàng đầu của quân đội. Để phấn đấu đạt được ước mơ chính đáng đó, hầu hết các sinh viên đều nỗ lực học tập giành kết quả học tập cao nhất, thi đỗ nội trú … và hy vọng có thể được tuyển lựa ở lại Bệnh viện 103 hay về Bệnh viện 108. Trong giai đoạn giữ cương vị Viện trưởng, GS Bùi Đại đã là người đề xuất ra chính sách đúng đắn chọn sinh viên nội trú tại Học viện Quân y để xây dựng đội ngũ bác sỹ cho Bệnh viện 108. Chính vì vậy, từ năm 1985 nhiều bác sỹ nội trú đã từ các đơn vị, thậm chí từ các chiến trường và các thế hệ sinh viên nội trú mới tốt nghiệp đã có cơ hội phục vụ và đóng góp khả năng của mình cho Bệnh viện. Trải qua 25 năm, nhiều thế hệ bác sỹ được tuyển lựa theo chính    sách đó đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chuyên môn của Bệnh viện 108. Đến nay, hầu hết các anh đã phát huy được khả năng chuyên môn và trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và cán bộ chuyên môn giỏi của Bệnh viện, các viện và khoa. Điều đó đã khẳng định một chính sách cán bộ đúng đắn đã tạo điều kiện then chốt trong việc phát triển chuyên môn lâu dài của Bệnh viện. Khi mới về Bệnh viện 108, tôi được phân công làm việc tại khu bệnh nhân nặng, cấp cứu của khoa Nội cán bộ A1. Lúc đó, phương tiện chẩn đoán và điều trị còn thiếu thốn, bệnh nhân nội - ngoại khoa phức tạp nên Bệnh viện thường tổ chức hội chẩn cấp cứu và định kỳ hàng tuần tại khoa A1. Ở mỗi buổi hội chẩn, GS Bùi Đại luôn chăm chú nghe báo cáo của bác sỹ điều trị, ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa, các viện phó nội, ngoại khoa và của chuyên viên đầu ngành ... trong và ngoài Bệnh viện. GS cũng thường đưa ra những ý kiến của riêng mình, những gợi ý để mọi người cùng bàn bạc, suy nghĩ, tận dụng những ý kiến của các chuyên ngành, không áp đặt ý kiến chủ quan của riêng mình. Đặc biệt, ông có đầu óc tổng hợp để đi đến kết luận một cách khách quan, hợp lý, đảm bảo bệnh nhân vừa được chẩn đoán và điều trị theo chuyên khoa, đồng thời vẫn chú ý đến việc điều trị và theo dõi, chăm sóc một cách toàn diện.

 

Bên cạnh công tác chuyên môn, GS. Bùi Đại cũng luôn chú trọng đến công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học và đào tạo của Bệnh viện. Các Hội nghị khoa học của bệnh viện được tổ chức thường xuyên theo định kỳ. Lúc bấy giờ, các bác sỹ trẻ dưới 35 tuổi đều tham dự các buổi sinh hoạt để nâng cao các kiến thức cơ bản hàng tháng, mỗi năm phải được kiểm tra hoặc viết tiểu luận để đánh giá trình độ. Tôi nhớ hồi đó, việc đi tham quan và học tập ở nước ngoài còn ít, các thầy mỗi khi có dịp đi tham quan, dự hội nghị ở nước ngoài hay tìm đọc được những kiến thức mới đều đem chia sẻ, trao đổi với nhau và với lứa bác sỹ trẻ chúng tôi tại các buổi sinh hoạt hàng tuần. Những năm gần đây, mặc dù đã nghỉ hưu, tuổi đã cao nhưng giáo sư vẫn sáng suốt và quan tâm đến công việc đào tạo. Tôi vẫn nhớ đến lời khuyên của thầy trong một buổi nói chuyện tại Bệnh viện, đại ý thầy nói rằng “học thì bao giờ cũng tự học được nhưng muốn dạy học thì phải luôn cập nhật kiến thức và có như vậy thì mới nên tiếp tục dạy học”

GS Phạm Gia Triệu

Do làm việc trong lĩnh vực nội khoa nên tôi không có nhiều dịp được tiếp xúc với ông nhưng tôi thường được gặp GS Phạm Gia Triệu qua những buổi điểm bệnh và hội chẩn nội - ngoại khoa. Khi tôi mới về Bệnh viện 108 vào năm 1988, lúc đó GS Phạm Gia Triệu là chuyên viên về ngoại khoa nên thầy thường tham gia các buồi hội chẩn tại bệnh viện và tại Khoa A1 - nơi tôi công tác. Ấn tượng của ông để lại trong ký ức của lứa chúng tôi là một vị tướng ngoại khoa, rất quyết đoán và sắc sảo nhưng cũng giản dị và bao dung. Bên cạnh những kiến thức chuyên khoa về ngoại thần kinh, thầy Triệu luôn là người có ý kiến sâu sắc và nhanh chóng trong quyết định chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân ngoại khoa. Vào cuối những năm cuối 1980, khi đó phương tiện chẩn đoán còn lạc hậu, việc chẩn đoán dựa chủ yếu vào lâm sàng, các xét nghiệm hạn chế, X quang, siêu âm còn rất ít …. Nhiều bệnh nhân ngoại khoa vào bệnh viện tại khoa nội A1, chúng tôi thường xuyên gặp những bệnh nhân đau bụng cấp, kể cả do nguyên nhân ngoại khoa, khối u ổ bụng chưa rõ nguyên nhân. Đặc biệt, nhiều trường hợp chẩn đoán phân biệt rất khó khăn giữa khả năng bệnh nhân bị các bệnh có thể điều trị khỏi như áp xe gan hay viêm túi mật cấp với những bệnh ác tính. Trong điều kiện các phương tiện chẩn đoán còn vô cùng thiếu thốn, nhờ theo dõi, bám sát bệnh nhân mà nhiều trường hợp chúng tôi đã phát hiện sớm, mời bác sỹ ngoại khoa cùng giải quyết có hiệu quả những bệnh nhân khó, bệnh ở người già không điển hình và diễn biến phức tạp. Những lần đó, GS Phạm Gia Triệu mặc dù bận rất nhiều việc nhưng ông đều không quên khen ngợi, cổ vũ chúng tôi kịp thời. Sau này, trong quá trình hoạt động chuyên môn của mình, nhiều lần cũng nhận được những lời động viên, khen ngợi, nhiều giấy khen, bằng khen nhưng khó có thể sánh được cảm giác hạnh phúc và sung sướng năm xưa mà một bác sỹ trẻ như tôi nhận được một từ người thầy mà mình ngưỡng mộ.Tôi cũng được trực tiếp cùng tham gia chẩn đoán và điều trị thầy Triệu trong những ngày tháng cuối cùng. Kể cả trong những lúc không còn minh mẫn do bệnh tật và tuổi già, đôi khi tỉnh táo, ông nói chuyện rất hóm hỉnh và nhẹ nhàng. Mỗi buổi chiều trước khi ra về, chúng tôi đều ghé qua buồng bệnh ông nằm để thăm hỏi và chuyện trò với ông. Ông mãi để lại cho tôi hình ảnh của một người thầy, một vị tướng thẳng thắn, quyết đoán, sang trọng nhưng cũng rất gần gũi, hiền từ.

GS Nguyễn Huy Phan.

Mọi người biết đến ông như một tài năng trong ngành phẫu thuật tạo hình và là người đầu tiên chắp nối hình thành quan hệ Việt - Mỹ thông qua Hội Phẫu thuật nụ cười. Tôi không biết nhiều về ông vì không được học tập, nghiên cứu về chuyên khoa này nhưng ấn tượng GS để lại cho tôi thật sâu sắc, đặc biệt là về tác phong làm việc, sự say mê trong khoa học, khả năng và sự kiên trì học tiếng Anh của ông. Vào những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu những năm 90, thông tin khoa học nói chung và những vấn đề thời sự của Ngành y còn chưa cập nhật như bây giờ. Chúng tôi thường tranh thủ tham dự các buổi sinh hoạt khoa học định kỳ hàng tuần của Bệnh viện. GS Phan luôn gây được ấn tượng với chúng tôi, mỗi khi phát biểu về một vấn đề khoa học, ông thường diễn đạt mọi vấn đề một cách rõ ràng, logic và rất sâu sắc. Lứa bác sỹ trẻ chúng tôi đã học được ở ông một phong cách làm việc, cách tư duy và lập luận khoa học.Hồi tôi mới ra trường, đất nước ta còn đang bị cấm vận, các thầy và các bác sỹ bậc đàn anh đi trước thường sử dụng vốn tiếng Pháp và tiếng Nga để đọc sách. Nhiều buổi họp, mỗi khi đi giao ban … ở bệnh viện, tôi thường thấy giáo sư Phan luôn mang theo quyển sách tự học tiếng Anh, khi có thời gian thích hợp, tôi thấy ông tranh thủ từng phút để tự học. Mỗi đợt mời được chuyên gia nước ngoài, ông thường làm việc trực tiếp và phiên dịch cho toàn bệnh viện. Chỉ sau một thời gian ngắn, khả năng nói và dịch tiếng Anh của ông đã trở nên thành thạo. Chính ông đã là một tấm gương sáng về sự kiên trì trong học tập ngoại ngữ mà chúng tôi luôn noi theo.Vào một buổi chiều, khi tôi đang ngồi đọc sách tại phòng giao ban của khoa, giáo sư Phan đi vào, cầm trên tay tập hồ sơ khám bệnh, bệnh án, một tập tài liệu và quyển sách tiếng Anh. GS bảo tôi làm bệnh án để chuẩn bị phẫu thuật. Tôi mở tập hồ sơ gồm kết quả soi dạ dày và giải phẫu bệnh lý và ngỡ ngàng khi biết ông bị mắc bệnh hiểm nghèo. Trong suốt thời gian chuẩn bị trước phẫu thuật và sau khi phục hồi sức khỏe, tôi vẫn thấy ông đọc sách, học ngoại ngữ và tham gia công việc của bệnh viện. Trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời mình, tôi cảm nhận được ở ông một thái độ nghiêm túc trong khoa học, say mê nghề nghiệp và sự bình thản, sẵn sàng đối phó và chịu đựng với căn bệnh hiểm nghèo.

GS Phạm Tử Dương

Tháng 9/1988, tôi tốt nghiệp bác sỹ nội trú nội khoa và được nhận về Bệnh viện 108. Theo sự gợi ý của anh Thôn ở Ban cán bộ, tôi có được 3 sự lựa chọn là về làm việc tại các khoa A1, khoa A10 (lúc đó là khoa quốc tế) và khoa chẩn đoán chức năng. Tôi xuống khoa chẩn đoán chức năng gặp chú Hùng - Chủ nhiệm khoa xin được về làm việc tại khoa chẩn đoán chức năng và đã được chấp nhận. Trên đường trở về Phòng chính trị, vô tình tôi gặp GS Phạm Tử Dương đi xuống cầu thang từ khu làm việc của Ban Giám đốc. Sau khi hỏi han, chuyện trò, GS Dương liền đề nghị với Ban cán bộ sắp xếp tôi về công tác cùng thầy tại khoa A1. Trong suốt 15 năm công tác tại khoa A1 và cả thời gian sau này, mọi công việc của tôi luôn luôn có sự dìu dắt, giúp đỡ và quan tâm của thầy. Khi mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng của tôi còn rất ít, vốn ngoại ngữ tiếng Nga không giúp được nhiều trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Được giao làm việc ngay tại khu bệnh nhân nặng, cấp cứu, tôi rất lo lắng. Buổi sáng tôi thường có mặt trước giao ban 30 phút để nắm tình hình bệnh nhân nặng, buổi chiều thường về muộn và đi học ngoại ngữ vào 3 buổi tối mỗi tuần. Thầy Dương luôn để tôi chủ động làm nhiều việc, đồng thời luôn dạy dỗ, chỉ bảo cả về lý thuyết và thực hành. Hai lần đi Pháp, thầy đều đưa về cho tôi giữ mấy hòm thuốc viện trợ có nhiều thuốc tim mạch và kháng sinh rất quí, mỗi khi gặp bệnh nhân nặng và khó khăn, thầy trò tôi thường mở “bảo bối” ra dùng. Vào cuối những năm 1980, tài liệu và sách chuyên khảo rất hiếm, cuốn sách “Thuốc tim mạch” của thầy giúp cho tôi rất nhiều. Thầy giao cho tôi chìa khóa căn phòng nơi chứa cả kho tài liệu chuyên môn, trong đó tôi rất thích đọc những tài liệu chuyên đề, đặc biệt là phần tổng quan tài liệu của các luận văn, luận án và đề cương thi nghiên cứu sinh các thế hệ đi trước. Thầy Dương nói với tôi rằng muốn có kiến thức để làm việc, tự học tập, viết sách, giảng bài … phải dựa vào ngoại ngữ. Trong điều kiện đất nước đang bị cấm vận, thầy định hướng cho tôi học tiếng Anh để đọc sách và học tiếng Pháp để tìm kiếm cơ hội dự thi, đi học tập ở nước ngoài. Theo lời thầy chỉ bảo, sau 2 năm học tiếng Anh  tôi đã có thể tự đọc sách và bắt đầu có thể giao tiếp, trao đổi về chuyên môn. Từ 1992, tôi chuyển sang học tiếng Pháp và đã thi đỗ học bổng của Tổ chức giáo dục và đào tạo sau đại học của các nước sử dụng tiếng Pháp vào năm 1995.

Một trong những điều tôi học được ở thầy Dương nhiều chính là khả năng miệt mài lao động khoa học, thầy thường tận dụng tối đa thời gian để có thể đọc sách, soạn bài giảng, viết sách, sửa luận án … Thầy tâm sự với tôi chính nhờ khai thác tốt khả năng làm việc với máy tính, tin học, ngoại ngữ, tận dụng thời gian, cần cù lao động và cập nhật kiến thức đã giúp thầy rất nhiều trong hoạt động khoa học. Mỗi lần tôi được tham gia viết bài nghiên cứu khoa học với thầy, GS Dương đều góp ý và sửa cho tôi từng câu, từng chữ … Năm tháng qua đi, đến nay tôi đã trưởng thành, có thể tự làm nghiên cứu và viết nhiều vấn đề khoa học chuyên ngành nhưng tôi vẫn cảm nhận đâu đó trong từng bài viết của mình in đậm văn phong, cách diễn đạt mà tôi học được ở thầy.

Thầy Dương luôn là một tấm gương rất mực tôn trọng đồng nghiệp, bệnh nhân. Thầy luôn nhắc đến với lòng kính trọng các giáo sư thế hệ đàn đi trước như GS. Nguyễn Thế Khánh, Bùi Đại, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Huy Phan, Đặng Hiếu Trưng. Đồng thời, thầy cũng đối xử khiêm nhường với thế hệ GS cùng trang lứa. Với các đồng nghiệp cấp dưới, học sinh và đặc biệt là đối với bệnh nhân, dường như tôi chưa bao giờ thấy thầy đối xử thiếu tôn trọng hay nổi nóng với mọi người. Tôi thực sự học được nhiều về cách tiếp xúc với bệnh nhân của thầy. Năm tháng sẽ qua đi, nhiều thế hệ giáo sư, bác sỹ của bệnh viện đã cùng nhau xây đắp tạo nên lịch sử của Bệnh viện TƯQĐ 108. Hôm nay, khi kể lại những kỷ niệm tản mạn của mình về những người thầy đồng thời là những cán bộ chỉ huy của Bệnh viện, tôi chợt nhớ ai đó đã từng nói:“những người chết chỉ thật sự mất đi khi không còn sống trong lòng những người đang sống”. Với nhiều người và với riêng tôi, tinh thần và giá trị của Bệnh viện đã được hun đúc bởi nhiều thế hệ, trong đó có những tấm gương của người thầy mẫu mực như vậy chắc hẳn sẽ còn mãi trường tồn theo thời gian.

Hà Nội, ngày 10/8/2010

Đại tá, PGS.TS Lê Ngọc Hà

Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ