Giới thiệu phẫu thuật tạo hình bàng quang mới từ hồi tràng trong điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ

  04:46 PM 04/11/2019
Ung thư bàng quang nguyên phát phân loại theo tế bào học hay gặp nhất là tế bào chuyển tiếp chiếm 90% [1]. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Kỳ, bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 40 - 70 tuổi (78%), tỷ lệ nam/nữ là 6/1.

Cắt bàng quang và tuyến tiền liệt hay cắt toàn bộ bàng quang (nam), cắt bàng quang và toàn bộ tử cung (nữ) là phương pháp điều trị cơ bản đối với ung thư bàng quang xâm lấn cơ chưa di căn hạch. Sau cắt bàng quang, nước tiểu được chuyển lưu ‘vĩnh viễn’, với nhiều kỹ thuật được hình thành và phát triển hơn 150 năm qua, từ chuyển lưu trực tiếp ra da, chuyển lưu ‘nội’ cắm niệu quản vào đại tràng, chuyển lưu qua túi chứa không/có kiểm soát và tạo hình bàng quang mới (từ hồi tràng, hồi-manh tràng, đại tràng…). Kỹ thuật tạo hình bàng quang mới mặc dù là khó khăn, nhưng đã đem lại chất lượng sống tốt cho người bệnh, và được các tác giả cân nhắc lựa chọn trước tiên [2],[3].

Đến nay, đã có nhiều kỹ thuật tạo hình bàng quang bằng một đoạn hồi tràng biệt lập được ứng dụng, với các đặc điểm chung: mở dọc đoạn ruột biệt lập, tạo bàng quang mới tương đối hình cầu, cắm niệu quản vào bàng quang có tạo van chống trào ngược bàng quang - niệu quản, khâu nối bàng quang mới với niệu đạo. Tuy nhiên, không có kỹ thuật nào thực sự vượt trội. Năm 1994, Abol - Enein giới thiệu kỹ thuật tạo hình bàng quang mới, với cải tiến chủ yếu ở kỹ thuật khâu nối niệu quản với bàng quang mới, tạo vị trí miệng niệu quản như giải phẫu bình thường, cùng với việc tạo van chống trào ngược dễ dàng và thuận lợi [4].

Tại Việt Nam, phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột sau cắt toàn bộ bàng quang được Đào Quang Oánh thực hiện từ năm 1993. Sau đó, nhiều trung tâm đã thực hiện với nhiều kỹ thuật tạo hình khác nhau. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện phẫu thuật tạo hình bàng quang mới chủ yếu theo kỹ thuật của Abol-Enein.

Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, tạo hình bàng quang mới từ hồi tràng theo kỹ thuật Abol-Enein có 2 thì mổ chính:

Thì cắt toàn bộ bàng quang:

- Cắt bàng quang + tuyến tiền liệt + túi tinh (ở nam); hoặc cắt bàng quang, tử cung, buồng trứng (ở nữ).

- Nạo vét hạch chậu-bịt 2 bên: nhóm hạch quanh bó mạch chậu ngoài, quanh bó mạch chậu trong, và hố bịt.

Thì tạo hình bàng quang mới từ hồi tràng theo Abol - Enein (1994) [4],[5]:

Cô lập 1 đoạn hồi tràng có mạch mạc treo nuôi dưỡng, thường bắt đầu cách góc hồi manh tràng 20cm, lấy lên 40-45cm; mở dọc bờ tự do, xếp ruột hình chữ W, khâu tạo ngay đường hầm thanh cơ chống trào ngược khi khâu định hình bàng quang ở mặt sau để chuẩn bị cắm niệu quản vào bàng quang mới (hình 1a). Nối trực tiếp niệu quản vào thành ruột với các mũi toàn thể để tạo van chống trào ngược kiểu thành ngoài thanh cơ (hình 1b). Thông thường theo các phương pháp tạo hình khác đoạn niệu quản của van chống trào ngược nằm dưới niêm mạc bàng quang mới nhưng phương pháp Abol-Enein, đoạn niệu quản này nằm dưới thành bàng quang mới. Miệng nối niệu đạo với bàng quang mới được thực hiện ở đỉnh chữ W trước khi đóng kín mặt trước bàng quang (hình 1c). 

Hình 1. Sơ đồ kỹ thuật tạo hình bàng quang từ hồi tràng theo Abol-Enein.

Hình 2. Hình ảnh trong mổ thì tạo hình bàng quang mới

Đặt JJ-stent 2 niệu quản.

Bàng quang tân tạo sau khi khâu nối với niệu đạo và đóng kín mặt trước.

(Nguồn: BN Nguyễn Thị D., 63T. Số hồ sơ: 19182611)

Hình 3. Hình ảnh CT-Scan sau mổ 5 tháng

(Thì bài xuất, thuốc cản quang đổ đầy đường tiết niệu trên) đài bể thận 2 bên không giãn, thuốc lưu thông xuống niệu quản tốt.

(Thì bài xuất, thuốc cản quang đổ đầy bàng quang mới) thuốc lưu thông từ niệu quản xuống bàng quang tốt, niệu quản không giãn, vị trí giải phẫu của niệu quản 2 bên tương tự giải phẫu bình thường; bàng quang bằng hồi tràng ngấm thuốc khá đều.

(Nguồn: BN Nguyễn Thị D., 63T. Số hồ sơ 19626599)

 

Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, tạo hình bàng quang mới từ hồi tràng không chỉ đạt được mục đích điều trị triệt căn ung thư bàng quang, mà còn mang lại cuộc sống gần như bình thường đối với người bệnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Wood D.P. (2016). Tumors of the Bladder. Campbell-Walsh’s Urology 11th Ed, Elsevier, 2184-2204.e5.

Đào Quang Oánh (2012). Phẫu thuật tạo hình bàng quang. Phẫu thuật cắt bàng quang. NXB Y học, tr. 131-188.

Lee R.K., Abol-Enein H., Artibani W., et al. (2014). Urinary diversion after radical cystectomy for bladder cancer: options, patient selection, and outcomes. BJU Int, 113(1): 11-23.

Abol-Enein H. and Ghoneim M.A. (1994). A Novel Uretero-Ileal Reimplantation Technique: The Serous Lined Extramural Tunnel. A Preliminary Report. Journal of Urology, 151(5): 1193-1197.

Abol-Enein H. and Ghoneim M.A. (2001). Functional results of orthotopic ileal neobladder with serous-lined extramural ureteral reimplantation: experience with 450 patients. J Urol, 165(5): 1427-32.

TS.BS. Đỗ Ngọc Thể

Chia sẻ