Giá trị chẩn đoán của cộng hưởng từ trong tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do chấn thương

  03:27 PM 11/08/2020
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay (ĐRTKCT) xảy ra khi một hay nhiều rễ thần kinh bị bứt ra khỏi tủy sống ở phần gốc hay các thân, bó thần kinh bị giãn, đứt ở phía ngoài lỗ ghép. Tổn thương ĐRTKCT là loại tổn thương trầm trọng, khó điều trị, không tự hồi phục, có thể gây liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn vận động và cảm giác của phần chi mà nó chi phối, ảnh hưởng tới sinh hoạt, tâm sinh lý của người bệnh. Từ khi ra đời máy cộng hưởng từ (CHT), việc chẩn đoán tổn thương ĐRTKCT đã trở nên chính xác và dễ dàng hơn, có thể phát hiện được vị trí, mức độ, số lượng rễ tổn thương, trên cơ sở đó giúp ích rất nhiều cho phẫu thuật viên trong việc hoạch định phương án điều trị.

Chụp CHT là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, cho hình ảnh về cấu trúc giải phẫu của tổn thương dựa trên sự thay đổi về cường độ tín hiệu, giúp khảo sát toàn bộ các rễ, thân, bó và một số nhánh tận của ĐRTKCT cũng như các tổn thương kết hợp như phù nề, chảy máu... Ở các máy CHT thế hệ mới có từ lực cao như máy MR Achieva 3 Tesla của hãng Philips (Hà Lan), với coil thần kinh-mạch máu (NV coil), phần mềm tái tạo ảnh SENSE và xung VISTA cho phép loại bỏ toàn bộ phần mềm, chỉ giữ lại các rễ của ĐRTKCT, điều đó giúp ích rất nhiều cho việc quan sát ĐRTKCT ở các góc độ khác nhau, nâng cao hiệu lực của chẩn đoán. Hiện nay ở trong nước có rất ít nghiên cứu dùng CHT để đánh giá tổn thương ĐRTKCT.

ĐRCT bao gồm khoảng 100.000 - 160.000 sợi thần kinh riêng lẻ chạy xuống dưới và ra ngoài từ cổ đến nách, trên dường đi chúng nhập vào nhau và tạo ra các thành phần khác nhau của ĐRCT, các thành phần có thể kết hợp thành gồm: rễ, thân, ngành, bó và các dây thần kinh.

Hình 1: Giải phẫu đám rối cánh tay

 

Nguyên nhân của tổn thương thần kinh ĐRTKCT

+ Trực tiếp như do bị bắn, bị đâm… yếu tố chấn thương tác động trực tiếp lên thân đốt sống và rễ hoặc thân dây thần kinh làm đứt lìa rễ ra khỏi tuỷ sống.

+ Gián tiếp do tai nạn giao thông, thể thao, lao động, sinh hoạt… khi đó do cột sống đoạn cổ với vai và cánh tay cùng bên cơ thể bị dịch chuyển giãn cách, xoắn vặn ngược chiều nhau đột ngột, làm dây thần kinh bên đó bị nhổ ra khỏi gốc tuỷ hoặc bị đứt dưới tác động của lực giằng giật co kéo, xoắn vặn.

Triệu chứng của tổn thương ĐRTKCT

Ngay sau khi bị tai nạn bệnh nhân thường thấy mất vận động một phần hoặc liệt hoàn toàn chi thể ở bên bị tổn thương, nếu có kèm tổn thương gãy xương hay trật khớp thì có thêm biến dạng vùng vai hoặc cánh tay tương ứng.

Ngoài các dấu hiệu lâm sàng thì việc chẩn đoán còn phải dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng khác như: điện cơ (EMG), thử sức cơ - X quang, hình ảnh cộng hưởng từ (MRI)…

Việc chẩn đoán liệt do tổn thương ĐRTKCT thường tương đối dễ nhờ thăm khám lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng, tuy nhiên do có vài bệnh nhân thần kinh cơ có diễn biến phức tạp và trùng hợp ngẫu nhiên đồng thời với một chấn thương nên có thể gây ra chẩn đoán nhầm. Để loại trừ các nhầm lẫn này thì việc theo dõi thường xuyên bệnh nhân về các triệu trứng lâm sàng và cận lâm sàng là hết sức quan trọng.

Giá trị của chụp CHT

Giá trị của CHT được khẳng định là đánh giá tốt những thương tổn phần mềm cũng như xác định trực tiếp tổn thương thần kinh mà thăm dò bằng CLVT không khảo sát được. Phần lớn phẫu thuật viên thần kinh mong muốn chụp CHT cho tất cả các BN chấn thương CSC có thương tổn thần kinh trước hết nhằm xác định các nguyên nhân gây tổn thương như máu tụ ngoài màng cứng tuỷ hay thoát vị đĩa đệm, nhổ rễ thần kinh... ngoài ra chụp CHT cho phép xác định các thương tổn trong tuỷ (máu tụ, đụng dập tuỷ), các tổn thương dây chằng và đĩa đệm.

Chuẩn bị dụng cụ

- Máy MRI 3 Tesla

- Các loại Coil Coil cổ-sọ não Coil body Coil Flex(cho trẻ nhi)

Hình 2: Các coil chụp CHT

  Hình 3. Hình ảnh ĐRTKCT bình thường tại các mặt cắt khác nhau

Hình 4: Một số hình ảnh ĐRTKCT trên CHT 3 Tesla

 

 Một số hình ảnh minh họa

 

                       Hình 5: Hình ảnh 2D và 3D của ĐRTKCT  bình thường

 

Hình 6. Ổ giả thoát vị màng tủy ở gốc của các rễ C8, T1 bên trái, gián đoạn các rễ C6-8 và T1 bên trái.

Hình 7. Trên TW2 axial: Hình ảnh giả thoát vị màng tủy (Pseudomeningocele) tại vị trí C7 bên phải.

                               

Hình 8. Trên dựng 3D: Hình ảnh phù nề các rễ C6 – T1 bên phải, kèm theo đứt C7 – T1, rễ C6 theo dõi tổn thương trong bao.

Hình 9:  Coronal (A): nhổ rễ gốc C6 ở phía bên phải, các rễ còn nguyên vẹn. (B-C) rễ C5 bình thường (mũi tên, B) và tổn thương gốc rễ C6 ở phía bên phải (mũi tên, C). STIR (D) cho thấy phù nề xung quanh vùng đám rối. (E) thấy tín hiệu thấp ở  gốc C5 cho biết sự chảy máu. Axial CT-M (F) cho thấy máu tụ ở vị trí của gốc rễ lưng (mũi tên) và không có rễ bụng C5 bên phải, các rễ bên trái bình thường.

        Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay (ĐRTKCT) xảy ra khi một hay nhiều rễ thần kinh bị bứt ra khỏi tủy sống ở phần gốc hay các thân, bó thần kinh bị giãn, đứt ở phía ngoài lỗ ghép. Tổn thương ĐRTKCT là loại tổn thương trầm trọng, khó điều trị, không tự hồi phục, có thể gây liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn vận động và cảm giác của phần chi mà nó chi phối, ảnh hưởng tới sinh hoạt, tâm sinh lý của người bệnh. 

        Việc chẩn đoán tổn thương ĐRTKCT bằng cộng hưởng từ là phương pháp đã được triển khai phổ biến tại BVTƯQĐ 108, giúp chấn đoán trở nên chính xác và dễ dàng hơn, có thể phát hiện được vị trí, mức độ, số lượng rễ tổn thương, trên cơ sở đó giúp ích rất nhiều cho phẫu thuật viên trong việc hoạch định phương án điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Bộ môn chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y Hà Nội (2000), Bài giảng Chẩn đoán hình ảnh, tr.61-68.

- Nguyễn Đức Phúc (2005), Liệt đám rối cánh tay, Chấn thương chỉnh hình, Nxb Y học, tr.332-335.

- Nguyễn Quang Quyền (1993), Bài giảng Giải phẫu học, Tập II, Nxb Y học (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh), tr.8-17.

- Nguyễn Việt Tiến (2010), “Chuyển rễ thần kinh C7 chéo ngực qua thần kinh ghép có mạch nuôi trong điều trị tổn thương nhổ các rễ đám rối thần kinh cánh tay – Kết quả 32 trường hợp”, Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, tập 5 – Số 4, tr.92-98.

- Songcharoen P.(2008). Management of brachial plexus injury in adults. Scand J Surg, 97(4): pp 317-323.

Khoa chẩn đoán hình ảnh BVTƯQĐ 108

 

Chia sẻ