Định lượng amoniac trong máu

  11:11 AM 07/06/2018

Nguồn gốc và thải trừ:
Amoniac (NH3) là một hợp chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể. Amoniac là một sản phẩm chất thải thường được vận chuyển đến gan và được chuyển hóa thành urê và glutamine. Urê sau đó được đưa đến thận, được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Nếu 'chu trình tổng hợp urê' không bình thường để chuyển hóa amoniac, amoniac sẽ tích tụ trong máu và đi qua hàng rào máu não.

Amoniac và các hợp chất chuyển hóa khác ở gan có thể tích lũy trong não khi chức năng gan bị giảm do các rối loạn như xơ gan hoặc viêm gan gây ra bệnh não gan. Bệnh não gan gây ra những thay đổi tinh thần và thần kinh có thể dẫn đến lú lẫn, mất phương hướng, buồn ngủ, và cuối cùng là hôn mê và thậm chí tử vong.

Rối loạn amoniac có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: bệnh gan nặng, giảm lưu lượng máu đến gan, hội chứng Reye, suy thận, khuyết tật di truyền trong chu trình urê.

Bản chất của chất của xét nghiệm
Định lượng amoniac (NH3) trong huyết tương. Xét nghiệm amoniac máu động mạch chính xác hơn máu tĩnh mạch, vì nó phản ánh đúng nồng độ amoniac trong máu đưa tới các tổ chức, mô gây nhiễm độc, đặc biệt gây nhiễm độc hệ thống thần kinh (não).

Amoniac máu tăng cao trong các trường hợp:
- Amoniac máu tăng vừa trong viêm gan, xơ gan còn bù khi chưa có biến chứng về não. Tăng cao gặp trong một số bệnh gan như: Suy gan (xơ gan nặng, hôn mê gan).
- Hội chứng tăng nitơ máu, xuất huyết tiêu hóa, suy tim.
- Leucemie, bệnh lý tan máu ở trẻ sơ sinh, viêm màng ngoài tim.

Amoniac máu giảm trong các trường hợp:
- Tăng huyết áp vô căn; Tăng huyết áp ác tính

Chỉ định xét nghiệm:
- Khi có nghi ngờ bệnh lý gây suy chức năng gan có thể có rối loạn ý thức kèm theo hoặc không: Suy gan, xơ gan nặng, hôn mê gan.
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác gây hôn mê.

Trị số tham chiếu bình thường trong máu:
Nồng độ NH3 trong máu từ 12-66 µg/dl.

Cách lấy mẫu và chuẩn bị bệnh nhân:
- Mẫu máu lấy khoảng 2ml máu, chống đông bằng lithiheparin hoặc EDTA.
- Thời gian làm xét nghiệm mất 1 giờ.
Trước khi làm bệnh nhân không cần chuẩn bị trước, không cần nhịn đói.

Khoa Sinh hóa - Bệnh viện TWQĐ 108
Chia sẻ