Sụp mi bẩm sinh (Congenital ptosis) xuất hiện ngay sau khi sinh và thường gặp nhất (chiếm 55 - 75% các trường hợp sụp mi). Sụp mi bẩm sinh gặp ở khoảng 1,8% trẻ sơ sinh và có thể phối hợp với những bất thường khúc xạ, vận nhãn và dị dạng ở sọ mặt. Sụp mi bẩm sinh một bên chiếm khoảng 75%
Sụp mi mắc phải (Acquired ptosis) xuất hiện sau khi sinh và chiếm khoảng 25% các trường hợp sụp mi. Có thể phối hợp với những tổn thương khác tùy theo nguyên nhân.
Ngoài ra, cần phân biệt với giả sụp mi, có thể gặp do nhãn cầu nhỏ, do viêm giác mạc…
Sụp mi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị. Sụp mi bẩm sinh có thể gây ra những hậu quả: Nhược thị nếu mi sụp che diện đồng tử (khoảng 19% có thị lực kém), tật khúc xạ do áp lực của mi mắt lên nhãn cầu (63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ), hạn chế thị trường, cong lệch cột sống do cố ngửa cổ để nhìn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ gây tâm lý mặc cảm, hạn chế giao tiếp của trẻ.
![](https://files.benhvien108.vn/ecm/source_files/2021/08/18/untitled-sup-mi-144538-180821-15.jpg)
Khi nào cần điều trị sụp mi
Trước hết, phải điều trị sụp mi theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi điều trị bệnh toàn thân ổn định (như sau điều trị bệnh nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III,…) mắt vẫn còn sụp mi thì can thiệp phẫu thuật là chỉ định rõ ràng.
Điều đặc biệt quan trọng là ở trẻ em, nếu sụp mi độ III, độ IV (bờ mi trên đã che qua đồng tử của bệnh nhân), cần phải điều trị sớm ngay khi 3 tuổi hoặc đủ điều kiện gây mê, đề phòng nhược thị. Nếu sụp mi nhẹ độ I, II ít có nguy cơ nhược thị, chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ thì nên cho trẻ phẫu thuật trước khi vào lớp 1 để giúp trẻ tự tin và hòa đồng với tập thể hơn.
Các kỹ thuật mổ điều trị sụp mi
Căn cứ vào chức năng cơ nâng mi trên, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.
+ Nếu chức năng cơ nâng mi trên yếu: phẫu thuật treo mi trên vào cơ trán bằng các nhiêu liệu như silicon, farcialata, dây treo sinh học…
Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị sụp mi tại Bệnh viện TWQĐ 108
+ Nếu chức năng cơ nâng mi trên tốt hoặc trung bình: phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi trên.
Đây là 2 nhóm phẫu thuật đang được dùng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Phương pháp mới điều trị sụp mi tại Bệnh viện TWQĐ 108
Tiếp nối thành công sau Hội thao Sáng tạo kĩ thuật tuổi trẻ ngành y tế thủ đô năm 2015 với đề tài “Treo mi bằng vạt cơ trán trong điều trị sụp mi mức độ vừa và nặng”, nhóm nghiên cứu của Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Trung tâm phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình viện 108 tiếp tục triển khai trên hàng trăm bệnh nhân sụp mi đạt kết quả tốt. Vạt cơ trán hình chữ C được cải biên dựa trên nền tảng lí thuyết về vạt cơ trán đã có trên thế giới và dựa trên cơ sở giải phẫu học cơ bản nghiên cứu trên xác người Việt Nam trưởng thành. Phương pháp treo mi mới này đã khắc phục được các nhược điểm cố hữu của các phương pháp kinh điển là hạn chế tái phát và sử dụng chất liệu hoàn toàn tự thân.
Có thể gặp một số biến chứng trong các phẫu thuật điều trị sụp mi như: Điều chỉnh quá mức hoặc chưa đủ, không cân xứng 2 bên, hở mi đẫn đến viêm loét giác mạc, lật mi hoặc quặm mi, bờ mi gập góc (cong không bình thường), nếp mi không đẹp,...Tuy nhiên các biến chứng này đều được xử lý đơn giản dựa trên theo dõi sát của bác sĩ phụ trách.
BS. Phạm Ngọc Minh
Khoa Phẫu thuật Tạo Hình, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình.