Điều trị són tiểu bằng phẫu thuật mô tự thân

  02:05 PM 11/08/2020
Vừa qua, một bệnh nhân nữ ở Hà Nội vào Bệnh viện TWQĐ 108 với triệu chứng són tiểu, đi đại tiện khó khăn. Mỗi lần, bệnh nhân cười, ho, gắng sức thì nước tiểu tự ra.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 1, 2 tháng bệnh nhân thấy biểu hiện bệnh rõ rệt. Bệnh nhân thấy đi đại tiện khó khăn, thường xuyên phải can thiệp bằng cách dùng vòi nước xịt hoặc ấn vào hậu môn. Ngay cả khi không đi đại tiện, bệnh nhân cũng thấy đau, tức ở phần hậu môn. Mỗi lần, bệnh nhân cười, ho, gắng sức thì nước tiểu tự ra.

          Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 chẩn đoán bệnh nhân bị són tiểu mức độ nặng, sa toàn thành trực tràng độ III gây táo bón. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật điều trị són tiểu bằng mô tự thân và cắt đoạn trực tràng sa qua đường hậu môn (PT Altermeier) một thì.

          Theo PGS.TS. Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện PTTH cho biết: Són tiểu hay còn gọi là tiểu không kiểm soát khi gắng sức khá thường gặp ở phụ nữ. Bệnh lý ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, giao tiếp xã hội và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân thường âm thầm chịu đựng do ngại đi khám.

Trước đây cho đến nay có 2 nhóm phương pháp điều trị són tiểu: Nhóm điều trị són tiểu bằng phương pháp nâng đỡ niệu đạo bằng các vật liệu nhân tạo (TOT, TVT) và nhóm điều trị nâng đỡ niệu đạo bằng mô tự thân. Tuy nhiên, khi dùng vật liệu nhân tạo (lưới) thì khá nhiều biến chứng do mảnh ghép như bào mòn, nhiễm trùng, đau khi giao hợp, đau ở đùi. Còn điều trị són tiểu bằng mô tự thân là một lựa chọn với nhiều ưu điểm, tỷ lệ thành công cao, không có các biến chứng của mảnh ghép nhân tạo. Khoa Phẫu thuật Hậu môn – Trực tràng đã thực hiện phẫu thuật trên nhiều bệnh nhân són tiểu bằng mô tự thân. Kết quả thu được khả quan, tình trạng són tiểu đã hết.

Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân vận động, ăn uống bình thường. Tiểu tiện đã tự chủ, đại tiện dễ dàng hơn trước kia.

Tình trạng són tiểu, đi đại tiện đã được cải thiện hoàn toàn sau phẫu thuật

PGS.TS. Dương cho biết: Thông thường, ít khi bệnh nhân bị bệnh riêng rẽ ở vùng tầng sinh môn. Khi són tiểu thường kèm theo sa bàng quang, âm đạo, tử cung hay kèm theo sa trực tràng. Ở khoa Phẫu thuật Hậu môn – Trực tràng đã tiến hành phẫu thuật 1 thì, bệnh nhân tránh phải phẫu thuật nhiều lần, nhiều bộ phận. Bác sĩ khuyến cáo các chị em phụ nữ không ngần ngại đi khám các bệnh lý vùng tầng sinh môn. Người bệnh sẽ được khám và điều trị, phẫu thuật góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện: BS. Lê Văn Quốc – Khoa Phẫu thuật Hậu môn – Trực tràng.

          Lan Hương – Truyền thông Bệnh viện.

Chia sẻ