Những trường hợp này cần phải được can thiệp phẫu thuật mở rộng lỗ mũi, phục hồi chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh.
Tại Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108 thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị chít hẹp lỗ mũi tới thăm khám và điều trị, nguyên nhân chủ yếu hay gặp là di chứng sau chấn thương, vết thương, loét vùng đầu mũi do xử lý thì đầu không tốt, đặc biệt là tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng. Các bệnh nhân được điều trị bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, kết quả lỗ mũi chít hẹp phục hồi tốt về chức năng và thẩm mỹ.
Các nguyên nhân gây chít hẹp lỗ mũi.
Nguyên nhân bẩm sinh:
Các bệnh lý dị tật bẩm sinh gây cấu trúc lỗ mũi nhỏ hơn bình thường, lỗ mũi có màng mỏng hoặc khối sụn – xương che lấp.
Nguyên nhân mắc phải:
Di chứng chấn thương vết thương vùng mũi làm mất cấu trúc da, sụn và phần mềm lỗ mũi, xử trí thì đầu không tốt gây chít hẹp và sẹo co rút.
Di chứng sau phẫu thuật các khối u lành tính hoặc ác tính, dị dạng mạch máu…gây hẹp lỗ mũi
Sau các can thiệp vào vùng mũi như: đặt ống nội khí quản, đặt sonde dạ dày dài ngày… gây loét da, hình thành sẹo xấu chít hẹp.
Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ: sau phẫu thuật cắt cánh, thu nền, can thiệp vào trụ mũi… không đúng kỹ thuật, phẫu thuật nhiều lần, viêm nhiễm gây sẹo co rút, sẹo lồi, sẹo quá phát và chít hẹp lỗ mũi.
Điều trị chít hẹp lỗ mũi như thế nào
Việc điều trị cần có sự thăm khám đánh giá cụ thể và tỉ mỉ của bác sỹ chuyên khoa Hàm mặt – Tạo hình, tùy mức độ và tình trạng chít hẹp lỗ mũi mà đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Mục tiêu là mở rộng lỗ mũi, phục hồi chức năng và thẩm mỹ, hạn chế tái phát.
Điều trị không phẫu thuật: chít hẹp mũi mức độ nhẹ do sẹo có thể điều trị sẹo bằng tiêm thuốc, tia laser, tia plasma, nong dãn lỗ mũi.
Điều trị phẫu thuật:
Những trường hợp lỗ mũi chít hẹp mức độ vừa và nặng hoặc điều bảo tồn không hiệu quả thì cần phải can thiệp phẫu thuật tạo hình lại lỗ mũi.
Tùy theo tình trạng cụ thể mà phẫu thuật viên sử dụng các kỹ thuật tạo hình khác nhau như: đổi hướng sẹo bằng tạo hình chữ Z, sử dụng các vạt da tại chỗ, vạt lân cận, ghép sụn, ghép da hoặc ghép phức hợp…
Sau phẫu thuật bệnh nhân được thay băng, chăm sóc vết thương cẩn thận, tránh để viêm nhiễm, hoại tử da gây sẹo xấu, sẹo co rút và chít hẹp lỗ mũi tái phát. Định kì 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng tái khám để theo dõi, đánh giá kết quả sau phẫu thuật.
Hình ảnh bệnh nhân bị chít hẹp lỗ mũi trước, ngay sau và sau phẫu thuật 3 tháng (A: trước phẫu thuật. B: ngay sau phẫu thuật. C: sau phẫu thuật 3 tháng)
Bệnh nhân N.T.T, chít hẹp lỗ mũi 2 bên di chứng sau điều trị gãy xương chính mũi. Được phẫu thuật mở rộng lỗ mũi bằng tạo hình chuyển hướng sẹo.
Trước phẫu thuật. B: Thiết kế vạt tại chỗ. C: Sau phẫu thuật 3 tháng
Mọi chi tiết liên hệ khám và tư vấn tại Phòng khám 109 - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình Bệnh viện TWQĐ 108
ĐT: 024.62784133
Fan page: Trung tâm Phẫu thuật Sọ măt và Tạo hình – Bệnh viện TWQĐ 108
ThS.BS Nguyễn Phương Tiến, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình,
Bệnh viện TWQĐ 108