Chụp cộng hưởng từ toàn thân, thêm một kỹ thuật hình ảnh tầm soát ung thư di căn trong thực hành lâm sàng

  04:59 PM 14/10/2020
Trong những năm gần đây, ung thư luôn là một nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở các nước phát triển, là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người trưởng thành ở các nước đang phát triển và chiếm khoảng 12,5% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Với một khối u ác tính được phát hiện, việc xác định mức độ bệnh (giai đoạn) là rất quan trọng trong việc lập kế hoạch điều trị thích hợp và xác định tiên lượng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc gợi ý chẩn đoán giai đoạn ung thư. Hơn nữa, hình ảnh có tầm quan trọng lớn trong việc theo dõi đáp ứng với điều trị và trong việc phát hiện tái phát, di căn của khối u.

Năm 2004, Takahara và cộng sự đã báo cáo một khái niệm độc đáo về hình ảnh khuếch tán toàn thân xóa nền (DWIBS). Kỹ thuật này có thể cho phép thu ảnh khi bệnh nhân thở tự do thay vì thu ảnh theo cảm biến nhịp thở. Trong một bài báo được xuất bản sau đó, Ballon và cộng sự cũng báo cáo hình ảnh khuếch tán toàn thân trong khi thở tự do, nhằm mục đích đánh giá các tổn thương di căn trong mô tĩnh (tủy xương); điều này phù hợp với lý thuyết được chấp nhận tại thời điểm đó. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra rằng các cơ quan nội tạng khác như lá lách, thận cũng có thể được đánh giá. Khái niệm này cung cấp một loạt các ứng dụng tiềm năng trong hình ảnh cộng hưởng từ toàn thân tầm soát ung thư.

* Cộng hưởng từ toàn thân là gì?
          Cộng hưởng từ toàn thân (tiếng Anh viết tắt là DWIBS - Diffusion-weighted Whole body Imaging with Background Suppression) là kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khuếch tán toàn thân xóa nền.
          DWIBS có thể dùng để tầm soát ung thư và di căn trên phạm vi rộng toàn cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy DWIBS được ứng dụng hiệu quả trong tầm soát một số bệnh ung thư, chẩn đoán di căn và theo dõi tiến triển của bệnh.
          So với PET-CT - xét nghiệm “tầm soát ung thư toàn thân” MRI được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc phát hiện ung thư, với ưu điểm giá thành rẻ hơn và không bị nhiễm tia xạ.

          Cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật hình ảnh cho chẩn đoán khá chính xác, hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Không như các kỹ thuật tạo ảnh khác như X-quang, cắt lớp vi tính, FET hoặc PET/CT sử dụng một lượng tia xạ để khảo sát các tạng bên trong cơ thể. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân không sử dụng tia xạ mà thu nhận được hình ảnh chính xác bệnh lý ở sọ não, vùng cổ, cột sống, gan mật, tụy, lách, tử cung - phần phụ, tuyến tiền liệt và có thể phát hiện u ở giai đoạn khá sớm. Bên cạnh đó, khi phát hiện tổn thương trên ảnh cộng hưởng từ toàn thân chúng ta có thể chụp bổ sung thêm, khu trú vào vùng tổn thương để đánh giá rõ chi tiết tổn thương đó, cũng như mối liên quan giữa tổn thương với các cơ quan lân cận.

* Chỉ định, chống chỉ định của chụp cộng hưởng từ toàn thân

1. Chỉ định

- Bệnh nhân có mong muốn tầm soát phát hiện những bất thường trong cơ thể mình.

- Bệnh nhân có tiền sử gia đình có người từng bị bệnh lý hoặc ung thư…

- Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như: Viêm gan, xơ gan, hút thuốc lá nhiều năm, làm việc trong môi trường độc hại,…

- Bệnh nhân có triệu chứng bất thường ở cơ quan nào đó trên cơ thể.

- Bệnh nhân có khối u ở một cơ quan đã biết, chụp cộng hưởng từ toàn thân để đánh giá giai đoạn bệnh hoặc đánh giá tiến triển của bệnh sau các đợt điều trị,..

2. Chống chỉ định

* Chống chỉ định tuyệt đối

- Đang đặt máy tạo nhịp (pacemaker)

- Đã mổ thay van tim (van đó có thành phần kim loại).

- Mang trong người các vật liệu ghép từ tính (bị nam châm hút).

- Máy kích thích thần kinh, máy nghe gắn liền trong ốc tai.

- Máy bơm tiêm tự động cấy trong người.

- Dị vật kim khí trong cơ thể (mảnh hỏa khí, mảnh bom, đạn,..) đặc biệt trong nhãn cầu (trong những trường hợp nghi ngờ thì phải chụp X quang hoặc CT scanner và yêu cầu khám chuyên khoa).

- Kẹp mạch máu trong sọ.

- Bệnh nhân mang thai ở quý đầu.

- Có ống dẫn lưu bằng kim loại trong các hốc trong cơ thể.

Chống chỉ định tương đối

- Clips mạch máu.

- Vật liệu hàn răng cố định.

- Bệnh nhân có hình  săm (thành phần mực săm có thể có kim loại chì) có thể gây bỏng da vùng săm.

- Bệnh nhân sợ nằm một mình trong khoảng không gia hẹp thời gian dài.

- Khớp nhân tạo và các vật liệu kết xương (vít, nẹp,...) không có chống chỉ định nhưng có thể làm hỏng trường từ và sẽ không thể chuyển thành hình ảnh được.

 Một số hình ảnh thực tế:

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ toàn thân trên bệnh nhân ở Bệnh viện 108

Chụp và xử lý hình ảnh trên máy cộng hưởng từ tại Bệnh viện 108

Phát hiện ung thư trực tràng di căn hạch trên cộng hưởng từ toàn thân

Tóm lại, chụp cộng hưởng từ toàn thân cho một khảo sát rộng gần toàn bộ cơ thể nên có đánh giá tổng quát sàng lọc các tổn thương trong cơ thể, đặc biệt trong việc tầm soát ung thư, ung thư di căn và theo dõi sau điều trị.

          Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được trang bị đẩy đủ các hệ thống máy móc cộng hưởng từ hiện đại, có khả năng chụp cộng hưởng từ toàn thân phục vụ người bệnh có nhu cầu, theo chỉ định. Mọi chi tiết xin liên hệ tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – Số 1 Trần Hưng Đạo – Hai Bà Trưng – Hà Nội để được tư vấn và hướng dẫn.

 

Tài liệu tham khảo

1. Takahara T et al. (2004) Diffusion weighted whole body imaging with background body signal suppression (DWIBS): technical improvement using free breathing, STIR and high resolution 3D display. Radiat Med 22:pp. 275–282

2. Eur Radiol (2008 Sep) Diffusion-weighted whole-body imaging with background body signal suppression (DWIBS): features and potential applications in oncology.

3. Stephen J Eustace and Erik Nelson (2004), Department of Radiology, National Orthopaedic Hospital, Dublin 11, Republic of Ireland

Whole body magnetic resonance imaging: A valuable adjunct to clinical examination, BMJ, 328(7453): pp. 1387–1388.

4. Mario Morone, Matthew et al (2017), Whole-Body MRI: Current Applications in Oncology, American Journal of Roentgenology 209:6, pp.336-349

5. Fabio Zugni et al (2020), Whole-body magnetic resonance imaging (WB-MRI) for cancer screening in asymptomatic subjects of the general population: review and recommendations, Springer nature, Article 34, pp. 1737-1742.

 

 

PGS.TS. Đỗ Đức Cường

Bs. Lê Duy Dũng

Khoa Chẩn đoán Hình ảnh

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ