Chuẩn bị bệnh nhân trước khi chụp FDG PET/CT

  10:52 AM 04/09/2015

Trước khi chụp PET/CT, bệnh nhân nên nhịn ăn và không dùng các loại nước giải khát (trừ nước lọc) trong vòng ít nhất 4-6 giờ trước khi tiêm FDG. Thông thường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn qua đêm nếu có lịch chụp vào buổi sáng hôm sau, hoặc ăn sáng nhẹ nếu chụp vào buổi chiều. Những dung dịch truyền tĩnh mạch như đường dextrose cũng không sử dụng trong vòng 4-6 giờ trước khi tiêm FDG. Mục đích là làm giảm nồng độ đường máu và nồng độ insulin máu về mức thấp (cơ bản), vì FDG là một chất tương tự như đường. Nồng độ đường máu cao thường gây ra ức chế cạnh tranh sự bắt giữ FDG vào các tế bào trong cơ thể. Nồng độ insulin máu cao cũng làm tăng sự bắt giữ FDG vào hệ cơ. Nồng độ đường máu (glucose) sẽ được kiểm tra thường qui trước khi tiêm FDG. Khi nồng độ glucose máu cao hơn 150-200 mg/dl (8,3-11,1 mmol/L) thì sự thay đổi này sẽ gây sự thay đổi rất lớn tới sự phân phối của FDG trong cơ thể, vì vậy bệnh nhân sẽ không được chụp FDG PET/CT cho tới khi glucose máu được kiểm soát tốt hơn. Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường khi chuẩn bị chụp FDG PET/CT không nên tiêm insulin dưới da trong vòng 4 giờ trước khi tiêm FDG.

Trong trường hợp bệnh nhân chụp FDG PET/CT có tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết thông tin về tiền sử dị ứng với thuốc cản quang i-ốt, tiền sử dùng thuốc điều trị tiểu đường (metformin) và tiền sử bệnh lý thận. Khi bệnh nhân có nồng đô creatinin > 2,0 mg/dL thì không nên tiêm thuốc cản quang.

Sau khi tiêm FDG, bệnh nhân cần đợi ít nhất 40-45 phút trước khi chụp hình. Đây là khoảng thời gian cần thiết để FDG được bắt giữ, phân phối và vận chuyển một cách thích hợp vào các tế bào trong cơ thể người bệnh. Bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi trong một phòng yên tĩnh, tránh căng thẳng và vận động (bao gồm cả nói chuyện). Điều này giúp hạn chế thấp nhất sự bắt giữ FDG vào trong cơ, xương vì việc FDG bắt giữ nhiều vào cơ sẽ gây nhiễu cho hình ảnh FDG PET/CT. Bệnh nhân nên thoải mái và thư giãn.

Chưa có tài liệu nào ghi nhận FDG gây dị ứng cho cơ thể người bệnh, và cũng chưa có chứng minh nào cho rằng việc đưa vào cơ thể những chất tương tự glucose như FDG gây trở ngại cho bệnh nhân tiểu đường.

Trong hầu hết các trường hợp, FDG được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường tĩnh mạch mà không có khó khăn gì. Tuy nhiên có thể có một số khó khăn với những đối tượng như trẻ nhỏ, người già, người béo phì, những người đang được điều trị hóa chất...Mặc dù không phải là lý tưởng và nên tránh, nhưng trong những trường hợp này FDG có thể đưa vào cơ thể bằng đường uống.

Theo:
1. Ronald B. Workman, Jr. and R. Edward Coleman (2006). PET/CT. Essentials for Clinical Practice, pp. 9-10.
2. Dominique Delbeke and al (2006).Procedure Guideline for Tumor Imaging with 18 F-FDG PET/CT 1.0.

Khoa Y học Hạt nhân – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ
EMC Đã kết nối EMC