
Trả lời:
Loại rau mà cháu nói đến chính là một loại cây vừa làm rau, vừa làm thuốc, có tên là Thổ cao ly sâm, hay còn gọi là thổ nhân sâm, đông dương sâm, sâm thảo, giả nhân sâm. cừu ly sinh..., tên khoa học là Talinum patens (L.) Willd, thuộc họ rau sam (Portulacaceae) mà nhiều người vẫn nhầm là cây nhân sâm thật. Thổ cao ly sâm mọc hoang hoặc được trồng nhiều nơi ở nước ta để làm rau ăn, làm thuốc và làm cảnh.
Theo dược học cổ truyền, thổ cao ly sâm vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung ích khí, nhuận phế sinh tân, bổ tỳ điều kinh, thường được dùng làm thuốc bổ, chữa suy nhược cơ thể, hay ra mồ hôi, váng đầu, ù tai, hoa mắt chóng mặt, trẻ em đi lỏng do tỳ hư, phụ nữ bị khí hư, bệnh phổi có ho, sốt nóng...Liều dùng: 20 - 30g/ ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu làm canh ăn. Một số cách dùng cụ thể như sau:
* Bệnh phổi, ho, sốt nóng, mồ hôi trộm: Rễ thổ cao ly sâm 9 - 15g, đường kính 60g, sắc lấy nước uống hoặc nghiền thành bột luyện với mật ong chế thành hoàn uống.
* Trẻ em đi lỏng do tỳ hư: Thổ cao ly sâm 150g, gạo tẻ 60g. Hai vị sao vàng, nghiền thành bột luyện với mật ong chế thành viên hoàn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g.
* Bệnh đái nhiều: Thổ cao ly sâm 60g, rễ kim anh 60g, sắc chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn
Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện TƯQĐ 108