Gửi câu hỏi

Trả lời:

Cây cách, còn gọi là vọng cách, cách núi, bọng cách, có tên khoa học là Premna corymbosa Rottl. ex Willd, là loại cây nhỡ, cao 5 - 7 m. Cành non hình vuông, đôi khi có gai và lông mịn; cành già nhẵn, màu nâu đỏ, có rãnh và lỗ bì. Lá mọc đối, hình trái xoan, dài 14 - 16 cm, rộng 10 - 12 cm, gốc tròn hay hơi hình tim, đầu tù hay có mũi nhọn ngắn, mặt trên nhẵn bóng, gân hằn rõ, mặt dưới nhạt có lông mịn trên các gân, mép nguyên hoặc khía răng ở phía đầu lá. Lá vò ra có mùi thơm như chanh. Cụm hoa mọc ở đầu cành thành ngù dài 10 - 18cm, có lông mịn, hoa màu trắng hay hơi xanh lục, đài có lông và tuyến, chia hai môi, tràng có lông ở mặt ngoài, nhị 4 hơi thò ra ngoài, bầu nhẵn. Quả hạch, hình cầu hoặc hình trứng, màu đen. Vọng cách mọc hoang khắp nơi ở nước ta, lá và rễ được dùng làm thuốc. Lá vọng cách vị đắng, tính mát, thường dùng để chữa lỵ, tiểu tiện khó, tiêu hoá kém, phạm phòng, sốt, viêm gan, co thắt sau khi giao hợp. Nghiên cứu dược lý cho thấy, trong lá vọng cách có chứa isoxazol alcaloid, premnazol có tác dụng chống viêm và làm hạ men gan.

     Vông nem, còn gọi là lá vông, hải đồng, thích đồng, co toóng lang (Thái), bơ tòng (Tày), có tên khoa học là Erythrina indica Lamk, là cây nhỡ hay to, cao 5 - 8m, thân nhẵn, màu xám nhạt, có gai ngắn. La kép mọc so le, có 3 lá chét gần hình tam giác, mép nguyên, lá tận cùng rộng hơn dài, hai lá bên dài hơn rộng, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng. Cụm hoa mọc ngang ở kẽ lá và đầu cành thành chùm dày, cứ 1 -3 hoa ở một mấu, lá bắc nhỏ, sớm rụng, hoa nở trước khi cây ra lá, màu đỏ chói, đài hình ống có 5 rưng nhỏ, tràng dài cánh cờ rộng, nhị tập hợp thành bó vượt ra khỏi tràng. Quả đậu, màu đen, thót lại ở gốc và thắt lại giữa các hạt, hạt 5 - 8, hành thận, màu đỏ hay nâu. Theo dược học cổ truyền, lá vông nem có tác dụng sát trùng, tiêu cam tích. Kinh ngiệm dân gian thường dùng lá vông nem  nấu canh ăn, ngâm rượu hay hãm uống thay trà để chữa mất ngủ. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước sắc lá vông nem có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ nhiệt và hạ huyết áp.

     Cây tu lình, còn gọi là xuân hoa, hoàn ngọc, nhật nguỵệt, cây con khỉ, trạc mã, thần tượng linh, cây mặt quỷ, có tên khoa học là Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk, là loại cây bụi, sống nhiều năm, cao 1 - 2 m, phần gốc hoá gỗ mầu nâu. Thân non màu xanh lục, phân nhiều cành mảnh. Lá mọc đối, hình mũi mác, dài 12 - 17 cm, rộng 3,5 - 5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành xim dài 10 - 16 cm, hoa lưỡng tính, màu trắng pha tím, đài 5 lá rời nhau, tràng hợp có ống hẹp và dài, 5 cánh chia làm hai môi, môi trên có 2 thuỳ, môi dưới 3 thuỳ, thuỳ giữa có chấm tím, nhị 4, có hai nhị lép, chỉ nhị ngắn đính ở họng tràng, bao phấn màu tím. Quả nang, chứa 4 hạt. Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá cây tu lình để cữa đau bụng do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, vết thương, tiêu mủ, tụ máu...Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây tu lình có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, ức chế MAO, có hoạt tính thuỷ phân protein và có tác dụng bảo vệ tế bào gan.

     Như vậy, có thể thấy, các bài thuốc trong thành phần có lá cách, vông nem và lá cây tu lình mà cháu sưu tầm được thực sự là có tác dụng an thần và có lợi cho gan, có thể dùng để chữa các bệnh về gan. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phối hợp sử dụng chúng vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian, chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh một cách đầy đủ và khoa học. Cho nên, khi dùng, tốt nhất cháu nên có sự tư vấn của các thầy thuốc.


ThS. Hoàng Khánh Toà
n
Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện TƯQĐ 108