Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà

  02:47 PM 09/08/2022
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, rất dễ lây và thường gặp ở trẻ em

Hình ảnh minh họa trẻ mắc bệnh sởi

Tác nhân gây bệnh

Bệnh sởi chủ yếu do virus sởi thuộc loài Morbillivirus, họ paramyxoviridae gây ra. Loại virus này có vỏ lipid nên dễ bị bất hoạt bởi các chất tiệt khuẩn thông thường, nhiệt độ >37 độ C và <20 độ C ánh sáng mặt trời, tia cực tím, và môi trường có pH cao và thấp ( >10 và <5); bị diệt ở nhiệt độ 56 độ trong 30 phút; tồn tại lâu ở nhiệt độ -70 độ C.

Đường lây truyền

Qua các giọt nhỏ dịch tiết mũi – họng. Virus thường tồn tại khoảng 1 giờ trong các giọt này ở ngoài môi trường, không lây gián tiếp qua đồ vật vì khó tồn tại ở ngoại cảnh, có khả năng lây bệnh cao trong 7 ngày sau phơi nhiễm và 4 ngày sau phát ban.

Các biểu hiện lâm sàng

Viêm long đường hô hấp trên, viêm long kết mạc mắt và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ngoài da, sốt cao và có thể ho nhiều . Vào giai đoạn lui bệnh, các ban ngoài da bay dần đi theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các vết thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phấn hay vẩy cám. Trên da có dấu hiệu “vằn da hổ”.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi

Đảm bảo về đường thở cho trẻ: Các triệu chứng về hô hấp thường liên quan tới ho nhiều và xuất tiết nhiều đờm dãi. Vì vậy, trẻ cần được thông thoáng đường thở bằng các biện pháp như: cho trẻ nằm cách ly, trẻ nên được vệ sinh mũi miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý nếu trẻ xuất tiết ít, vỗ rung long đờm khi tăng tiết và thực hiện các hướng dẫn hỗ trợ khác khi trẻ nằm trong bệnh viện như hút đờm rãi, thở oxy hay khí dung.

Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ: Trẻ thường có sốt cao 39-40 độ C, do đó trẻ nên được giảm nhiệt độ để đưa thân nhiệt trở về bình thường bằng các biện pháp như: cho trẻ nằm nơi thoáng mát, nới rộng quần áo; chườm ấm ba vị trí: trán, hai bên hố nách và bẹn cho trẻ; cho trẻ dùng hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C bằng các thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tránh để trẻ bị lạnh. Cho trẻ uống oresol theo yêu cầu, bù nước và điện giải đầy đủ cho trẻ.

Phát hiện các biến chứng của bệnh: Bệnh nhân có thể bị các biến chứng như sốt cao gây co giật, rối loạn ý thức, ngủ gà, hôn mê; viêm kết mạc mắt nặng làm chảy nước mắt nhiều, viêm loét kết mạc, nhiều rỉ mắt, làm giảm thị lực; Tiêu hóa gây viêm niêm mạc miệng (cam tẩu mã) do bội nhiễm xoắn khuẩn gây loét niêm mạc miệng, lan sâu vào trong xương hàm gây hoại tử niêm mạc miệng; Rối loạn tiêu hóa: Mất nước, rối loạn điện giải. Do đó cần chú ý chăm sóc để giảm nguy cơ các biến chứng này.

Cần cho trẻ nằm nơi yên tĩnh, thông thoáng khí, theo dõi sát nước tiểu trong ngày, uống oresol theo nhu cầu thay nước, uống thêm các nước hoa quả như: Cam, dưa hấu, sinh tố…Thực hiện các y lệnh của bác sĩ như thở oxy, tiêm thuốc chống co giật, lấy các xét nghiệm cấp tính… nếu trẻ nằm điều trị tại cơ sở y tế.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, dễ tiêu, uống nhiều nước; Trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục cho bú mẹ; Với trẻ đang ăn bổ sung ngoài sữa mẹ cần ưu tiên trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protein và vitamin A.

Chăm sóc ngoài da phòng nguy cơ nhiễm trùng: Nên tắm rửa cho trẻ bằng nước sôi để nguội nước sạch, lau khô bằng khăn bông; Vệ sinh răng miệng ngày 3 lần trước ăn; Nếu có viêm da thì không rửa cho bệnh nhân bằng nước xà phòng; Cắt móng tay cho trẻ, tránh gãi làm xước da dẫn đến viêm da; Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý ngày 3 lần; uống vitamin A đầy đủ.

Tái khám tại các cơ sở y tế khi trẻ các biểu hiện:

- Trẻ sốt cao liên tục 39 - 40 độ C.

- Ho nhiều, đau tai, chảy mủ tai.

- Li bì, khó đánh thức, ăn uống kém, không chịu chơi, không tập trung.

- Trẻ còn sốt cao liên tục khi đã phát ban toàn thân.

- Nôn và tiêu chảy nhiều lần, có biểu hiện mất nước…

Phòng bệnh sởi ở trẻ

          Cần cách ly trẻ với các trẻ lành, người chăm sóc phải rửa tay trước và sau mỗi lần chăm sóc; tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng: mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi hai khi trẻ được 4-6 tuổi; trường hợp đã nhiễm bệnh có thể dùng Globulin miễn dịch phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh (theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa).

CN điều dưỡng Vũ Thị Thảo - Khoa Nhi

Chia sẻ