Chăm sóc bệnh nhân sau ghép gan

  11:30 AM 03/12/2020
Số lượng bệnh nhân được ghép gan tại Việt Nam ngày càng tăng, vì vậy, việc điều trị, theo dõi sau ghép vô cùng quan trọng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống của tạng ghép.

Ghép gan là phẫu thuật mà gan bị bệnh sẽ được thay thế bằng gan khoẻ mạnh, có thể từ người cho chết não hoặc người cho sống. Hiện nay, ghép gan được coi là phương pháp điều trị duy nhất đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý như: xơ gan giai đoạn mất bù, suy gan cấp, ung thư gan, các bệnh rối loạn chuyển hoá… Sau khi được ghép gan, việc chăm sóc bệnh nhân vô cùng quan trọng.

Khám ngoại trú

Bệnh nhân phải tái khám ít nhất 01 lần mỗi tuần trong vòng 01 tháng đầu tiên sau khi xuất viện. Mỗi đợt khám, bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá quá trình hồi phục của bệnh nhân; đồng thời điều chỉnh các thuốc chống thải ghép để đạt hiệu quả tối ưu. Sau 01 tháng đầu tiên, số lần khám sẽ được điều chỉnh dựa vào tình trạng bệnh.

Đeo khẩu trang

Đeo khẩu trang là một việc làm quan trọng, cần thực hiện ngay sau ghép gan. Bạn nên đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật. Nếu đang điều trị thải ghép, bạn cần duy trì lại thói quen đeo khẩu trang.

Chăm sóc vết mổ

Khi thấy khỏe trở lại, bạn có thể tắm:

- Sử dụng xà phòng và nước ngay trên vị trí vết mổ.

- Sau khi tắm, thay băng, nhất là những miếng gạc phủ trên vết thương hở.

- Vết mổ có thể gây ngứa, hơi tê, có thể tím và/hoặc đau.

- Cắt chỉ tại bệnh viện từ 2 – 3 tuần sau phẫu thuật.

Rửa tay

Rửa tay thường xuyên là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm khuẩn. Sử dụng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước sát khuẩn tay có chứa cồn.

Công việc làm vườn

Tránh tiếp xúc với cây cối hay đất trong 3 tháng sau ghép. Bạn không cần bỏ tất cả cây trồng trong nhà nhưng không nên đặt nó trong phòng khách hay phòng ngủ. Sau 3 tháng, bạn có thể đeo găng tay và khẩu trang để làm vườn. Cắt cỏ, kể cả dùng máy hay các thiết bị cắt không được khuyến cáo cho đến tháng thứ 6 sau ghép.

Hoạt động tình dục

Khi đã hồi phục sức khỏe, bạn có thể trở lại hoạt động tình dục bình thường. Tránh mang thai hoặc khiến cho bạn tình của mình mang thai sau khi bạn trải qua phẫu thuật ghép. Tác dụng của thuốc ức chế miễn dịch trên bào thai vẫn chưa được kiểm nghiệm. Luôn tuân thủ các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để tránh nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Chế độ ăn lành mạnh

Duy trì chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo, nhiều hoa quả và rau xanh. Nên ăn những loại rau quả tươi nhưng nhớ rửa thật kĩ trước khi sử dụng. Không ăn cá tươi. Các loại thịt nên được nấu chín kĩ. Tránh hoàn toàn bưởi và nước ép bưởi.

Tăng cân

Tăng cân là vấn đề phổ biến sau ghép. Đây là kết quả của việc tăng cảm giác thèm ăn do tác dụng của thuốc steroid. Loại bỏ gần như tất cả mỡ hoặc các chất béo và các thực phẩm chiên dầu từ những bữa ăn hằng ngày của bạn sẽ giúp kiểm soát vấn đề cũng như lượng cholesterol. Bạn cần gặp chuyên gia dinh dưỡng nếu việc tăng cân trở nên nghiêm trọng.

Tụt cân

Tụt cân cũng là điều phổ biến xảy ra sau ghép. Một vài bệnh nhân mất cảm giác thèm ăn. Thuốc và thể trạng yếu có thể là nguyên nhân gây mất cảm giác thèm ăn. Bạn nên chia nhỏ thành 5 - 6 bữa một ngày hơn là 3 bữa chính sẽ rất hữu ích.

Chuyên gia dinh dưỡng

Bạn cần gặp chuyên gia dinh dưỡng nếu việc tụt cân trở nên nghiêm trọng. Sau ghép không cần duy trì chế độ ăn đặc biệt. Đôi khi, bệnh nhân sẽ gặp vấn đề trong việc kiểm soát đường huyết bởi đang điều trị thuốc steroid. Đội ngũ ghép tạng sẽ tham khảo những thay đổi của chuyên gia dinh dưỡng mà bạn cần tuân thủ.

Trách nhiệm của người chăm sóc

Bạn cần có ít nhất 1 người chăm sóc để giúp đỡ bạn sau ghép. Người đó cần: Có mặt tại bệnh viện trước khi bạn xuất viện. Các điều phối viên, điều dưỡng của trung tâm ghép sẽ giáo dục sức khỏe cho bạn và người chăm sóc bạn. Ở cạnh bạn 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần trong 4 – 6 tuần sau phẫu thuật. Chuẩn bị phương tiện di chuyển đến trung tâm ghép 2 lần/tuần và khi cần thiết. Thực hiện các công việc hằng ngày như đi siêu thị, lấy thuốc từ dược sỹ, giặt đồ, di chuyển đến trung tâm ghép khi có cuộc hẹn không theo lịch, cấp cứu và bất cứ việc gì khác khi cần. Đảm bảo bạn uống thuốc theo đơn, bao gồm cả việc tiêm Insulin (nếu có). Kiểm tra và ghi lại huyết áp, nồng độ đường huyết, nhiệt độ và cân nặng hằng ngày của bạn. Hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn, tắm, chăm sóc và thay băng vết mổ (nếu cần). Khuyến khích bạn bổ sung nước đầy đủ và ăn các thực phẩm lành mạnh để tránh mất nước. Khuyến khích và hỗ trợ bạn tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày. Đảm bảo bạn luôn đeo khẩu trang. Thông báo với trung tâm ghép khi có bất cứ điều gì xảy ra.

Thực hiện: TS. Vũ Văn Quang – Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108.

Chia sẻ