Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi trong phẫu thuật

  08:25 AM 02/03/2021
Tỉ lệ bệnh nhân cao tuổi chiếm 5-10% số lượng bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ biến chứng và tử vong ở bệnh nhân cao tuổi do phẫu thuật cao hơn ở người trẻ từ 2-5 lần. Để đảm bảo các ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi, an toàn và đem lại kết quả tốt, công tác chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật, các phương pháp phương tiện theo dõi trong phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật có vai trò vô cùng quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ.

Ngày 23/2, các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 đã thay khớp háng bán phần có xi măng cho bệnh nhân 100 tuổi. Khoa Gây mê hồi sức đã đảm bảo vô cảm cho bệnh nhân. Dưới hướng dẫn siêu âm, các bác sĩ đã tiến hành gây tê các nhánh thần kinh chi phối cho vùng khớp háng trước khi cho bệnh nhân sang bàn mổ, hạn chế đau cho bệnh nhân khi vận động và tư thế để tiếp tục gây tê tủy sống, đặt ngoài màng cứng, đồng thời cũng làm giảm liều thuốc gây tê tủy sống, tránh các biến chứng nguy hiểm như: mạch chậm, huyết áp tụt,…đặc biệt trên nhóm bệnh nhân cao tuổi.

Kỹ thuật gây tê tuỷ sống chọn lọc trên người cao tuổi

Trong mổ, bệnh nhân được theo dõi sát, ủ ấm, cân bằng dịch truyền, máu, điện giải. Sau 1,5 giờ phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không đau, tiếp tục hợp tác điều trị hậu phẫu, duy trì giảm đau ngoài màng cứng an toàn.

Bệnh nhân cao tuổi đặt lên một áp lực không nhỏ với những người làm công tác  chăm sóc sức khỏe. Tỉ lệ các bệnh nhân trên 70 tuổi, đặc biêt có những bệnh nhân 95-100 tuổi, có nhiều bệnh kết hợp về tim mạch, đái tháo đường,… phải trải qua các phẫu thuật lớn: thay khớp, kết xương, cắt dạ dày, cắt thùy phổi,… không phải là ít tại các trung tâm y tế lớn, trong đó có Bệnh viện TWQĐ 108.

Đặc điểm bệnh nhân cao tuổi phẫu thuật:

Bệnh nhân cao tuổi thường gặp những thay đổi về đặc điểm giải phẫu sinh lý về hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ hô hấp, thận tiết niệu với xu hướng giảm dần về chức năng và khả năng bù trừ của cơ thể.

Bệnh nhân thường có đi kèm những bệnh lý phối hợp mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ não cũ, các bệnh lý tim: suy tim, bệnh mạch vành,…bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc duy trì kéo dài trước đó: thuốc hạ áp, hạ đường máu, thuốc chống đông,…

Chấn thương hoặc bệnh lý khiến người cao tuổi chịu stress tâm lý, nhiều bệnh nhân có sa sút trí tuệ người già từ trước dẫn đến tình trạng kích động hoảng loạn hoặc lì bì, ngủ gà, gây khó tiếp xúc và khai thác bệnh sử, cũng như dễ dẫn đến tình trạng sảng sau phẫu thuật, làm ảnh hưởng rất lớn tới khả năng hồi phục của người bệnh.

Toàn trạng suy mòn suy kiệt tuổi già hoặc chăm sóc không tốt dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, loét điểm tì,… nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu của các bệnh nhân chấn thương hoặc nằm lâu trước phẫu thuật.

Chính vì vậy, chuẩn bị gây mê, phẫu thuật trên bệnh nhân cao tuổi cần đặc biệt lưu ý, sàng lọc kỹ và dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.

Gây mê hồi sức trên bệnh nhân cao tuổi

Với các nhóm thuốc gây mê hồi sức hiện nay sử dụng thường là các thuốc gây mê tác dụng rất ngắn như propofol, hoặc các thuốc mê ít làm thay đổi đến tình trạng huyết động như etomidate. Các thuốc giãn cơ dung trong gây mê thường có các thuốc giải giãn cơ đặc hiệu như bridon, tránh nguy cơ tồn dư giãn cơ sau phẫu thuật, tăng khả năng rút nội khí quản sớm.

Cùng với đó là các trang thiết bị hiện đại như theo dõi độ mê sâu như BIS, ENTROPY, giúp duy trì độ mê thích hợp, gây mê kiểm soát nồng độ đích (TCI) điều chỉnh độ mê theo nồng độ thuốc ở huyết tương hoặc ở não, máy theo dõi độ bão hòa oxy máu não INVOS, máy độ giãn cơ cũng như các trang thiết bị như máy thở, máy làm ấm máu dịch, máy sưởi cùng các phương pháp theo dõi huyết động liên tục như FloTrac, Edward EV 1000, … giúp người gây mê hồi sức có thể điều chỉnh thuốc, các chỉ số của người bệnh để hạn chế tối đa các tai biến, biến chứng về não, huyết động, hô hấp, thân nhiệt- những yếu tố vốn đã bù trừ rất kém trên người cao tuổi.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp gây tê trong phẫu thuật và giảm đau sau phẫu thuật cũng được hỗ trợ rất lớn từ việc ứng dụng máy kích thích thần kinh và siêu âm.

Thực hiện: PGS.TS. Nguyễn Minh Lý, BS. Nguyễn Quang Trường – Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108.

Chia sẻ