Bệnh động kinh với biểu hiện đặc trưng là những cơn co cứng, co giật chân tay hoặc toàn thân và không làm chủ được ý thức. Cơn động kinh thường chỉ kéo dài 2-3 phút và sau đó bệnh nhân có thể phục hồi lại trạng thái ban đầu, nên khi gặp người lên cơn động kinh, cần bình tĩnh, không hoảng loạn để quan sát và hỗ trợ họ.
Nhiệm vụ của gia đình khi có bệnh nhân động kinh cũng nên chia sẻ thông tin sơ cứu này đến mọi người xung quanh như: bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp của người bệnh, để họ có thể hỗ trợ khi người bệnh lên cơn động kinh.
Những điều nên làm để hỗ trợ người lên cơn động kinh
- Ở lại trợ giúp cho bệnh nhân, và giữ bình tĩnh
- Lập tức xem đồng hồ, để biết độ dài cơn động kinh.
- Giữ an toàn cho bệnh nhân
- Đặt bệnh nhân tại 1 vị trí an toàn, tránh những vật sắc nhọn, hoặc vật cứng xung quanh có thể gây nguy hiểm, nới lỏng quần áo, kính mắt, hoặc khăn, nếu có nguy cơ gây ảnh hưởng đến đường thở
- Đặt một vật mềm như gối, áo khoác hay chăn màn gấp gọn dưới đầu bệnh nhân tránh nguy cơ chấn thương.
- Đặt bệnh nhân xoay nghiêng sang 1 bên khi bệnh nhân mất ý thức hoặc không tỉnh lại, điều này giúp bệnh nhân dễ thở hơn.
Những điều KHÔNG nên làm đối với người lên cơn động kinh
1. Không nhét bất cứ vật gì vào miệng, vì có thể bệnh nhân cắn gẫy, hoặc gẫy răng, rơi vào làm tắc thở.
2. Không giữ bệnh nhân, vì cơn động kinh có thể gây trật các khớp, gẫy xương.
3. Không cho uống nước, thuốc, hay thức ăn, vì bệnh nhân không tỉnh, nguy cơ làm suy hô hấp.
4. Không ấn nhân trung, không ấn ngực bệnh nhân vì cơn động kinh sẽ tự hết, mặt khác có thể gây thêm tổn thương cho bệnh nhân.
Khi nào cần gọi cấp cứu 115?
- Cơn kéo dài hơn 5 phút
- Cơn xuất hiện lặp lại liên tiếp
- Người lên cơn động kinh đang mang thai hoặc bị bệnh khác kèm theo: sốt
- Người bệnh lên cơn động kinh khi đang bơi lội hoặc ở trong môi trường nước
- Người bệnh không tỉnh lại sau cơn động kinh
- Người bệnh ngừng thở sau cơn co động kinh
- Người bệnh bị thương trong lúc có cơn
- Nếu bạn biết đây là cơn động kinh đầu tiên của bệnh nhân
Chỉ cần mọi người nhớ và thực hành đúng những điều cơ bản nêu trên thì người bệnh động kinh sẽ không gặp nguy hiểm. Họ sẽ an tâm hơn khi bước ra ngoài xã hội mà không sợ bị thương hay nguy hiểm đến tính mạng. Hãy nhớ, những cử chỉ đầy thiện ý nhưng sai lầm về mặt kiến thức của bạn cũng góp phần đẩy bệnh tình của họ nặng thêm.

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nội Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108
Khi nào khám lại?
Khám chuyên khoa Nội thần kinh là cần thiết khi có cơn thứ 2, bạn cần giữ liên lạc với bác sĩ khám lần đầu để có sự theo dõi liên tục, chính xác hơn.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là bệnh viện tuyến cuối của toàn quân, bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, có đầy đủ các phương tiện máy móc hiện đại như điện não video, máy cộng hưởng từ 3 tesla, cộng hưởng từ chức năng, hệ thống PET CTđể giúp bệnh nhân chẩn đoán, quản lý và theo dõi bệnh nhân.
Đặc biệt, khoa Nội thần kinh trực thuộc Viện thần kinh đầu tiên của Việt Nam, có bề dày kinh nghiệm với đội ngũ tiến sĩ, bác sĩ nhiều kinh nghiệm theo dõi và xử trí cơn động kinh.
Các bạn có thể liên hệ tư vấn và khám tại phòng khám số 6, khu khám bệnh nhân dân hoặc liên lạc qua mail Khoanoi108@gmail.com
Thực hiện: Khoa Nội Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108