Xét nghiệm hormon PTH

  02:53 PM 26/10/2021

1. Nguồn gốc và chuyển hóa của PTH

          PTH (Parathyroid Hormone) là hormon được tạo ra bởi bốn tuyến cận giáp nhỏ ở vùng cổ, phía sau tuyến giáp. Hormon PTH là một chuỗi peptide đơn gồm 84 acid amin. Hormon PTH điều hòa nồng độ ion Canxi và ion Phosphate trong huyết tương. Dưới tác dụng của hormon PTH, nồng độ ion canxi tăng lên và nồng độ ion phosphate giảm đi. 

          Hormon PTH tác dụng trực tiếp lên xương, thận và ruột. Chúng làm tăng mức giải phóng canxi từ xương vào máu bằng việc tác động lên sự biệt hóa và hoạt động của tế bào xương. Bên cạnh đó, hormon PTH làm giảm bài xuất ion calci ở thận, tăng tái hấp thu ion calci và magie ở ống thận nhất là ở ống lượn xa và ống góp. 

          Hormon PTH hoạt động làm giảm tái hấp thu ion phosphate ở ống lượn gần và tăng đào thải ion phosphate ra nước tiểu. Trên ruột, làm tăng tạo enzyme ATPase ở diềm bàn chải của tế bào biểu mô niêm mạc ruột, tăng tạo chất vận tải ion calci ở tế bào niêm mạc ruột. 

          Những rối loạn thường gặp ở tuyến cận giáp là nhược năng tuyến cận giáp (tuyến cận giáp không bài tiết đủ PTH, dẫn đến những rối loạn trong cơ thể), ưu năng tuyến cận giáp (tăng quá trình hủy xương mạnh, làm tăng cao nồng độ ion calci trong máu, đồng thời làm xương rỗng, yếu hơn và lượng ion calci được đào thải qua thận nhiều dễ gây ra tình trạng sỏi thận).

            Xác định PTH trong phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến cận giáp, do PTH có thời gian bán thải là 3‑5 phút, nên việc theo dõi nồng độ PTH bị giảm mạnh sau khi cắt bỏ tuyến hoặc các tuyến bất thường có thể giúp cho bác sĩ đánh giá việc tất cả các mô cận giáp cường chức năng ở bệnh nhân có được loại bỏ hay chưa.

 

2. Chỉ định xét nghiệm PTH

Xét nghiệm PTH nhằm xác định nguyên nhân sự thay đổi nồng độ canxi của cơ thể, trong các triệu chứng như:

  • Triệu chứng quá nhiều canxi trong máu. Biểu hiện thường gặp là buồn nôn, đau bụng, khát, mệt mỏi.
  • Triệu chứng quá ít canxi trong máu, bạn thường gặp phải biểu hiện như chuột rút, ngứa ran ngón tay, đau bụng.
  • Kiểm tra lượng canxi trong máu trở lại bình thường.
  • Tìm ra nguyên nhân dẫn đến lượng canxi quá nhiều hoặc quá ít trong máu. 

 

Ngoài ra, xét nghiệm PTH còn có tác dụng quan trọng trong việc:

  • Phân biệt rối loạn tuyến cận giáp và các rối loạn liên quan.
  • Giám sát điều trị các vấn đề liên quan đến tuyến cận giáp.
  • Theo dõi bệnh mãn tính ví dụ như bệnh thận.
  • Xác định nguyên nhân gây tình trạng photpho trong máu thấp. 
  • Xác định nguyên nhân khiến nghiêm trọng loãng xương không đáp ứng điều trị.
  • Kiểm tra chức năng tuyến cận giáp.

Theo dõi trong phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến cận giáp.


3. Giá trị tham chiếu của PTH

          Giá trị tham chiếu trên người bình thường của PTH trong huyết tương là 15‑65 pg/mL. Giá trị tham chiếu không thay đổi theo tuổi và giới.

4. Các yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm PTH

  • Khi bệnh nhân uống sữa có thể xét nghiệm sẽ cho ra kết quả giả, không được chuẩn xác. Vì vậy, trước khi xét nghiệm không nên uống sữa.
  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú có nồng độ PTH khác người thường.
  • Người có lipid máu tăng, sử dụng chất đồng vị phóng xạ cũng có ảnh hưởng ít nhiều đối với nồng độ PTH.
  • Một số loại thuốc làm tăng nồng độ PTH (Thuốc chống co giật, isoniazid, lithium, steroid, thuốc lợi tiểu loại thiazid và các thuốc có chứa phosphat), giảm nồng độ PTH (Cimetidin, propranolol).


5. Chuẩn bị bệnh nhân

          Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất từ 8h đến 10h trước khi lấy máu xét nghiệm. Lấy 2ml máu chống đông bằng Li‑heparin hoặc EDTA.


 

Khoa Sinh hóa – Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ