Lựa chọn dầu gội cho người mắc bệnh lý viêm da dầu vùng đầu

  03:17 PM 14/05/2024
Dầu gội đóng vai trò cần thiết trong chăm sóc tóc hàng ngày, có vai trò loại bỏ các chất bụi bẩn bám vào da đầu cũng như loại bỏ các chất bã nhờn. Việc lựa chọn các dầu gội cho từng loại như tóc dầu, tóc khô, tóc đã qua xử lý chất tẩy nhuộm còn dựa vào các thành phần của dầu gội.

Thành phần chính của dầu gội

Nhóm chất hoạt động bề mặt (Surfactants): Khả năng làm sạch của dầu gội phụ thuộc vào khả năng hoạt động bề mặt của chất hoạt động bề mặt. Các chất hoạt đồng bề mặt được phân loại theo điện tích của nhóm ưu nước, mỗi loại có hiệu quả làm sạch và dưỡng tóc khác nhau:

- Nhóm Anionic (ion âm) có chất hoạt động với điện tích âm ở đầu ưu nước, chất này có tính tạo bọt và làm sạch sâu như Ammonium lauryl sulfate, sodium laureth sulfate… thích hợp cho tóc dầu, tuy nhiên có thể gây khô, đỏ, kích ứng. Để hạn chế tình trạng trên nên chọn các thành phần non- sulfate khác làm sạch như: Sodium lauryl sulfoacetate (SLSA), Sodium cocoyl glycinate, sodium lauroyl methyl isethionate.

- Nhóm Cationic (ion dương) có chất hoạt động bề mặt sử dụng rộng rãi nhất là natri lauryl sunfat như Trimethylalkylammonium chlorides… Các chất này có điện tích dương gắn với đầu ưu nước của chúng, giúp gắn vào đầu điện tích âm của tóc, thường có trong dầu gội dưỡng và dầu xả giúp chúng bám vào tóc và không bị trôi tóc.

- Nhóm Nonionic (không ion) ít gây kích ứng hơn các chất hoạt động bề mặt anion hoặc cation khác, tạo rất ít bọt, có tác dụng làm sạch nhẹ. Chất hoạt động bề mặt không ion có thể được phân loại thành este polyol, este polyoxyetylen và poloxamer.

- Nhóm Amphotoric (lưỡng tính): những chất hoạt động bề mặt này rất nhẹ nên đặc biệt thích hợp để sử dụng trong các chế phẩm chăm sóc dành cho da nhạy cảm. Chúng có thể là anion (tích điện âm), cation (tích điện dương) hoặc không ion (không tích điện) trong dung dịch, tùy thuộc vào độ axit hoặc độ pH của nước. Ví dụ như: cocamidopropyl betaine, cocamide MEA. 

Conditioners: Chất điều hoà có thành phần dưỡng tóc, có chức năng mang lại khả năng tạo độ bóng và đặc tính chống tĩnh điện cho tóc. Chất này có thể được thêm vào dầu gội để phục vụ chức năng kép là làm sạch và dưỡng tóc (VD: silicone).

Các chất phụ gia đặc biệt: Chất tạo bọt, chất điều chỉnh độ pH, chất bảo quản giúp chống lại vi khuẩn, chất phụ gia khác như vitamin panthenol, pro-vitamin, dầu thực vật…

Một số thành phần dầu gội khi sử dụng lâu dài với đối tượng có da nhạy cảm có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như:

- Sulphate (SLS/SLES) có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của tóc, gây khô và kích ứng da đầu ở một số người, đặc biệt là những người có tình trạng da đầu khô hoặc nhạy cảm;

- Paraben (chất bảo quản được sử dụng trong dầu gội và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn) có thể gây đỏ ngứa trên da đối với da nhạy cảm;

- Phthalates dùng lâu dài chúng có thể làm tăng tình trạnh rụng tóc;

- Silicones có thể tích tụ trên tóc và da đầu, gây khô và kích ứng.

Vai trò của các loại dầu gội trong các bệnh lý về tóc

Hình ảnh minh hoạ bệnh lý viêm da dầu vùng đầu

Bệnh viêm da dầu là bệnh viêm da mãn tính với cơ chế sinh bệnh chưa rõ ràng bao gồm nhiều yếu tố như liên quan hoạt động tuyến bã, nấm Malassezia, bất thường miễn dịch và tính nhạy cảm người bệnh. Các loại dầu gội có tác dụng hỗ trợ điều trị trong các bệnh lý về tóc như rụng tóc từng mảng, rụng tóc hói, rụng tóc telogen… Trong bệnh lý viêm da dầu vùng đầu thì dầu gội đóng vai trò quan trọng trong điều trị và duy trì tránh tái phát bệnh.

Biểu hiện của bệnh bao gồm vảy da màu trắng, mỏng dính, có thể có đỏ da và tổn thương vùng da đầu không ra ngoài rìa chân tóc. Bệnh cần phân biệt với bệnh lý vảy nến vùng đầu,  người bệnh cần đến khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị đúng khi bị bệnh viêm da dầu vùng đầu.

Việc lựa chọn dầu gội cho bệnh viêm da dầu (viêm da tiết bã) vùng đầu, ngoài các thành phần chính trong dầu gội kể trên cần chú ý đến các thành phần có tác dụng điều trị (active ingredient).

Các loại dầu gội cho bệnh nhân viêm da dầu vùng đầu chú ý các thành phần như:

1. Salicylic acid: làm mềm vảy da, bạt sừng

2. Selenium sulfide: giảm tiết bã nhờn, ức chế sự phát triển của nấm

3. Zinc pyrithione: chống nấm, chống nhiễm khuẩn.

4. Ketoconazole: chống nấm

5. Coal tar (nhựa than đá): giảm sự tăng sinh của tế bào sừng

6. Piroctoe olamine: hoạt chất chống nấm thế hệ mới

Tùy vào mức độ bệnh viêm da dầu mà lựa chọn dầu gội cho thích hợp. Đối với mức độ nhẹ, vừa thì dùng dầu gội có tính chất chống nấm, chống viêm, bạt sừng. Với mức độ nặng thì dùng thêm uống chống nấm hoặc uống retinoid.

- Viêm da dầu nhẹ: chỉ có biểu hiện bong tróc vảy nhẹ, lan tỏa mà không bị nhiều vảy gàu, nên điều trị bằng dầu gội chống nấm. Dầu gội kháng nấm bao gồm ketoconazol 2%, ciclopirox 1% , zinc pyrithione 1% , selen sulfide 2,5%

- Viêm da dầu trung bình đến nặng: có hiện tương nhiều vảy da, viêm và ngứa, nên điều trị bằng dầu gội chống nấm (ví dụ: dầu gội ketoconazole 2%) kết hợp với corticosteroid bôi tại chỗ ở dạng công thức (kem, bình xịt, bọt hoặc dầu gội). Corticosteroid tại chỗ có thể được sử dụng hàng ngày trong hai tuần và sau đó sử dụng không liên tục (ví dụ, hai lần mỗi tuần).

- Sử dụng và tần suất sử dụng dầu gội: Nên để 5-10 ml dầu gội trong vòng 3 đến 5 phút trước khi xả sạch. Nên sử dụng dầu gội ketoconazole hoặc dầu gội chống nấm khác 2-3 lần mỗi tuần trong 2-4 tuần trong giai đoạn điều trị ban đầu. Sau đó, việc sử dụng dầu gội điều trị có thể giảm xuống còn 1 lần/tuần để ngăn ngừa tái phát.

- Nếu dầu gội không còn hiệu quả nữa, cứ sau vài tuần đến vài tháng, luân phiên giữa các loại dầu gội có các hoạt chất chống nấm khác nhau.

- Dầu gội có chứa axit salicylic và nhựa than đá (coal tar) có đặc tính bạt sừng và có thể hữu ích trong việc làm mềm các vảy da. Tuy nhiên, dầu gội coal tar ít được sử dụng vì bệnh nhân có thể khó chịu với mùi và kích ứng khi sử dụng.

Hiện nay trên thị trường có các loại dầu gội kết hợp các thành phần chống nấm để tăng hiệu quả điều trị đồng thời giảm các tác dụng phụ khi sử dụng đơn chất trong sản phẩm.

BS Lưu Ngọc Vi, Khoa Da liễu – Trung tâm Da liễu Dị ứng

Truyền thông Bệnh viện

Chia sẻ