Một số điều cần biết về chăm sóc, theo dõi bệnh viêm da cơ, viêm đa cơ

  04:44 PM 14/05/2024

1. Tổng quan

Viêm da cơ và viêm đa cơ là một nhóm bệnh tự miễn với tổn thương cơ bản là tình trạng viêm mạn tính của các bó cơ vân (viêm đa cơ) với biểu hiện đặc trưng của bệnh là đau và yếu cơ vùng gốc chi đối xứng hai bên có kèm tăng các men cơ; khi có kèm theo tổn thương da thì được gọi là viêm da cơ.

Cho đến nay nguyên nhân chính xác của bệnh chưa rõ ràng. Các tác nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, vius), thuốc và yếu tố môi trường, yếu tố di truyền có thể  là nguyên nhân, yếu tố khởi phát gây bệnh. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn ở nam. Bệnh có thể ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường xảy ra nhất ở tuổi 40- 60, hoặc ở trẻ em từ 10- 15 tuổi.

2. Các biểu hiện của bệnh

- Toàn thân: bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi, có thể sút cân hoặc sốt nhẹ.

- Cơ: yếu cơ vùng gốc chi, đối xứng hai bên. Yếu cơ vùng hầu họng làm bệnh nhân khó nuốt hoặc khàn tiếng, yếu cơ hô hấp gây khó thở. Đau cơ, xơ hóa cơ gây hạn chế vận động.

- Da: tổn thương da trong bệnh viêm da cơ là dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm ban đỏ hoặc tím ở vùng mi mắt; ban đỏ tím ở các khớp ngón tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân. Ở giai đoạn tiến triển có thể có teo da hoặc mất sắc tố, có các ban đỏ và giãn mạch máu ở xung quanh móng tay.

- Khớp: đau khớp hoặc viêm khớp thường hay gặp ở các khớp nhỏ như bàn tay, khớp cổ tay, khớp gối nhưng không gây biến dạng khớp.

- Canxi hóa: có tổn thương canxi hóa ở da, tổ chức dưới da, cân cơ và trong cơ. Có thể sờ thấy các hạt cứng, chắc hoặc nhìn thấy các hạt màu trắng khi tổn thương ở nông.

- Các cơ quan khác: ở phổi xuất hiện tình trạng ho khan, khó thở, viêm phổi. Tim thường gặp nhất là rối loạn nhịp tim. Ngoài ra có thể còn có các bệnh lý kết hợp như xơ cứng bì, lupus ban đỏ, bệnh mô liên kết hỗn hợp...

 

3. Một số điều cần biết về chăm sóc, theo dõi và phòng ngừa

Hiện nay chưa có bất kỳ biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh viên da cơ, viêm đa cơ. Người bệnh khi có các biểu hiện cần đi khám bệnh sớm tại các cơ sở chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh rất quan trọng, điều trị bệnh sớm hiệu quả càng cao và ít biến chứng.Vì vậy, nếu không may mắc bệnh bạn có thể tham khảo một vài điều cần lưu ý sau đây:

- Về da cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, tia cực tím, các yếu tố lý-hóa gây tổn thương da. Nên sử dụng kem chống nắng và bào vệ da bằng cách đeo kính, đội mũ rộng vành và mặc áo chống nắng.

- Duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ, bổ sung vitamin, canxi; lưu ý bổ sung thức ăn giàu kali như chuối, dưa, bưởi, rau quả tươi khi đang phải dùng corticoid liều cao. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe...

- Với bệnh nhân có tổn thương các cơ nuốt do yếu cơ lưỡi, cơ vùng hầu họng, thực quản thì nên ăn đồ ăn mềm, lỏng dễ nuốt, dễ tiêu. Lưu ý theo dõi sát khi có tổn thương nặng cơ hô hấp và cơ nuốt dễ gây viêm phổi hít. Trường hợp nặng có thể phải đặt sonde dạ dày nuôi dưỡng và nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.

- Khi tổn thương cơ hô hấp cần tập luyện tích cực bằng việc tập thở, vỗ rung, lăn trở và vận động phù hợp tránh viêm phổi.

- Bệnh nhân yếu cơ toàn thân phải nằm tại chỗ lưu ý chăm sóc toàn thân và tại chỗ tránh loét điểm tỳ, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy dinh dưỡng...

- Tập luyện thể lực thích hợp, tránh tập luyện quá mức, cường độ cao. Kết hợp điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để duy trì chức năng vận động của các khớp và hạn chế teo cơ, phòng tránh cứng khớp.

- Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ tránh thức khuya.

- Tránh các viêm nhiễm, nhiễm virut, nhiễm lạnh, chấn thương, stress... là các yếu tố gây khởi phát hoặc tái hoạt động bệnh.

- Kết hợp điều trị thuốc và phục hồi chức năng

- Giữ tinh thần thoải mái, tích cực trong khi điều trị bệnh

- Người bệnh cần được tái khám về lâm sàng và xét nghiệm định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa để đánh giá đáp ứng điều trị và các biến chứng, tránh tự dùng thuốc hoặc tự điều chỉnh thuốc.

Tóm lại bệnh viêm đa cơ, da cơ là bệnh tự miễn hiện chưa có thuốc điều trị khỏi, phải theo dõi và điều trị lâu dài nên người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị, theo dõi tái khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Cần hiểu biết rõ về bệnh và các biện pháp chăm sóc nhằm phòng tránh, hạn chế các tác dụng phụ của điều trị và các biến chứng của bệnh, kiểm soát bệnh tối ưu.

                                                           Điều dưỡng Phạm Thị Trang

                                                    Khoa Nội Cơ Xương Khớp-BVTWQĐ 108

 

 

Chia sẻ