“Mối lương duyên” với Phẫu thuật Thần kinh của một bác sĩ trẻ

  11:16 AM 17/08/2020
Vừa là một bác sĩ trẻ, một cán bộ Đoàn năng động, nhiều ý tưởng, Ths.Bs. Trần Quang Dũng luôn hết mình trong công việc, luôn giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh – một chuyên ngành đầy thử thách.

Sinh năm 1987, quê ở Hải Phòng, Trần Quang Dũng thi đỗ vào Học viện Quân Y năm 2005. Trong quá trình học tập, cậu sinh viên Quân Y xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp luôn quan niệm phải cố gắng học tốt tất cả các chuyên ngành, để khi ra trường có đủ kiến thức, kinh nghiệm thực tế lâm sàng… đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Bác sĩ Quân Y ở những vị trí khác nhau.

Sự bén duyên của bác sĩ Dũng với chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh từ một trong những đêm trực bệnh viện, khi còn là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Quân Y. Đó là một đêm trực tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103, anh Dũng chứng kiến cảnh một bệnh nhân trẻ tuổi bị tai nạn giao thông, hôn mê do chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay trong đêm với sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ. May mắn thay, cậu sinh viên năm thứ 3 ấy cũng được tham gia kíp mổ hôm đó. Tuy chỉ là đứng nhìn và chấm máu, nhưng cậu sinh viên này đã bị “hấp dẫn” bởi hệ thống não bộ con người. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân tỉnh táo, đã có thể nói chuyện và ăn uống. Nhớ về ca bệnh đó, anh Dũng cho biết: “Tôi thực sự rất vui mừng và thần tượng các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh. Từ đó, tôi thấy trong mình có niềm đam mê với chuyên ngành, muốn góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc cứu sống những bệnh nhân chấn thương sọ não”.

Năm 2012, anh Dũng tốt nghiệp Học viện Quân y và thi đỗ bác sĩ nội trú Ngoại khoa. Năm 2015, anh tốt nghiệp bác sĩ nội trú và thật may mắn, vinh dự khi anh được phân công công tác về Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108, nơi BS Dũng có thể thực hiện niềm đam mê của mình từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường.

Đam mê, nỗ lực triển khai kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh

Năm 2017, dưới sự hướng dẫn của TS.BS. Nguyễn Trọng Yên – Chủ nhiệm Khoa Ngoại thần kinh, nhóm bác sĩ trẻ do Đại úy Trần Quang Dũng phụ trách đã tiến hành xây dựng và triển khai một phẫu thuật điều trị cho các bệnh nhân xuất huyết não tự phát. Đó là phẫu thuật chọc hút máu tụ dưới hướng dẫn của hệ định vị (Navigation). Đây là một phẫu thuật mới, lần đầu tiên tiến hành tại Việt Nam. Phẫu thuật nếu được áp dụng sẽ giúp người bệnh xuất huyết não tránh được cuộc mổ lớn với nhiều nguy cơ, rủi ro. Do là kỹ thuật mới nên nhóm nghiên cứu phải tìm đọc, tham khảo gần như toàn bộ phác đồ của các trường Đại học trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là bộ dụng cụ cho phẫu thuật. Tại thời điểm đó và cho tới nay, bộ catheter chọc hút có giá thành rất cao và chưa có mặt tại Việt Nam. Đứng trước khó khăn đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến bộ kim sinh thiết não định vị thành kim dẫn đường để đặt dẫn lưu vào trung tâm ổ máu tụ dựa trên nguyên lý của phẫu thuật sinh thiết não. Với cải tiến này, giá thành cho mỗi lần phẫu thuật đã được giảm thiểu rất nhiều.

Hay như kỹ thuật Nội soi định vị lấy máu tụ trong não. Đây là một phẫu thuật hiện đại, xâm lấn tối thiểu, hứa hẹn cho nhiều hiệu quả cao. Tuy nhiên, yêu cầu bộ ống vén não định vị với giá thành rất đắt, khoảng 50.000 đô la cho một cuộc mổ (gần 120 triệu đồng). Bác sĩ Dũng suy nghĩ rất nhiều và trình bày ý tưởng với Chủ nhiệm Khoa, đó là: Thiết kế bộ ống não có gắn định vị với tác dụng tương đương bộ nguyên bản của hãng, nhưng các bác sĩ sẽ cải tiến để sử dụng nội soi trong tiếp cận ổ máu tụ. Từ ý tưởng, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh đã tạo ra được bộ ống vén não như ý muốn, đưa phẫu thuật nội soi định vị lấy máu tụ trong não lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Cho tới nay, kỹ thuật đã được triển khai thường quy, hứa hẹn mang lại những kết quả tốt nhất cho người bệnh. 

Phẫu thuật lấy u não dưới hướng dẫn của hệ thống định vị thần kinh và siêu âm trong mổ (đứng thứ hai từ trái qua phải)

 

Một đêm trực tháng 4/2018, Bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân L.T.N, 75 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội, người gầy gò, nhập viện trong tình trạng hôn mê (Glasgow 6 điểm), trên hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não có thấy xuất huyết não lớn vùng đỉnh chẩm phải. Bệnh nhân N được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu ổ máu tụ định vị. Tuy nhiên, với thể tích ổ máu tụ lớn, kèm theo tuổi cao, thể trạng gầy yếu … do đó, trong và sau mổ có rất nhiều nguy cơ rủi ro. Anh Dũng đã gặp và trao đổi với gia đình về tình trạng bệnh, phương hướng phẫu thuật cũng như các nguy cơ rủi ro. Lúc đầu, gia đình chưa thực sự quyết tâm, muốn buông xuôi. Nhưng nếu không mổ, bệnh nhân chắc chắn sẽ không qua được. Anh chợt nghĩ đến câu nói của TS. Yên – Chủ nhiệm Khoa: “Bác sĩ không được phép dừng bước”. Anh tiếp tục cố gắng giải thích và động viên gia đình để phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 5 phút bàn bạc, gia đình quyết tâm đồng ý phẫu thuật. Bác sĩ Dũng chia sẻ: “Tôi thấy được sự quyết tâm cũng như lo lắng trong từng ánh mắt của những người con của bệnh nhân. Đó cũng chính là động lực giúp tôi quyết tâm hơn trong ca phẫu thuật này”. Ca phẫu thuật được tiến hành ngay trong đêm và diễn ra khá thuận lợi. Đến ngày thứ 7 sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và được xuất viện. Trước khi về, bệnh nhân rất xúc động và gửi lời cảm ơn các bác sĩ. Bệnh nhân N lấy trong giỏ ra một bó rau cải và nói: “Đây là rau sạch bà trồng ở nhà trước khi bị bệnh, bà biếu bác sĩ. Đợt này, bà khỏe lại… về nhà, bà lại trồng rau tiếp”. Mỗi bệnh nhân lành bệnh, thoát khỏi lưỡi hái tử thần là sự động viên lớn lao nhất đối với những phẫu thuật viên – người lính áo trắng.

Say mê trong nghiên cứu khoa học

Năm 2018, sáng kiến “Tạo vạt niêm mạc mũi có cuống che phủ khuyết hổng vùng xoang bướm trong phẫu thuật nội soi lấy u tuyến yên” của bác sĩ Dũng và kíp bác sĩ liên khoa đã đạt Giải Ba trong Hội thao Sáng tạo kỹ thuật Tuổi trẻ trong Quân đội; Sáng kiến “Ứng dụng phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán, sửa chữa tắc đầu xa van dẫn lưu não thất - ổ bụng” của Khoa đạt Giải Nhì trong Hội thao Sáng tạo kỹ thuật Tuổi trẻ trong Quân đội năm 2019. Hiện nay, các kỹ thuật này đã được áp dụng thường quy tại Bệnh viện, đem lại nhiều lợi ích của người bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng cũng tham gia đề tài cấp Bệnh viện: “Nghiên cứu vai trò phẫu thuật giảm áp điều trị nhồi máu não ác tính do tắc động mạch não giữa”. Trong 3 năm (2017 – 2019), bác sĩ Dũng đã tham gia viết nhiều bài báo đăng trên các Tạp chí chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh, Đột quỵ não.

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu khoa học của mình, bác sĩ Dũng còn thường xuyên tìm tòi, triển khai các ý tưởng trong chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Anh đã giúp lãnh đạo Khoa đưa nghiên cứu khoa học vào đội ngũ điều dưỡng. Không những trực tiếp giúp anh chị em điều dưỡng lấy, xử lý số liệu… bác sĩ Dũng còn hướng dẫn anh chị em viết bài, làm báo cáo, tham gia các Hội nghị chuyên ngành.

Cán bộ Đoàn năng động, nhiều ý tưởng

Năm 2017, bác sĩ Dũng được giao nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn cơ sở. Đây thực sự là một thử thách mới. Anh suy nghĩ làm phong trào phải gắn với thực tế, đi vào chiều sâu, có chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là hình thức. Công việc chuyên môn hàng ngày tại Khoa đã chiếm phần lớn thời gian của đoàn viên. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần đoàn kết của mỗi đoàn viên, Chi đoàn vẫn luôn đạt được nhiều thành tích đáng kể, có những hoạt động phong trào có giá trị thực tiễn. Điển hình như: Chương trình Giáo dục sức khỏe cột sống cho bệnh nhân và người nhà do Đoàn viên phụ trách. Hàng tuần, Chi đoàn tổ chức các buổi nói chuyện với gia đình người nhà bệnh nhân về các bệnh lý cột sống, tư vấn, hướng dẫn về cách chăm sóc, tập vận động sớm sau mổ ngay tại giường bệnh cũng như khi ra viện. Hàng ngày, đoàn viên xuống tận giường bệnh thăm khám, hướng dẫn trực tiếp cho từng người bệnh về các động tác tập vận động tại giường, cách chuyển tư thế khi đi lại, từ đó góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Mô hình này bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, nhận được sự ủng hộ của gia đình và người nhà bệnh nhân. Không chỉ dừng lại ở đó, bác sĩ Dũng cùng đồng nghiệp đã và đang triển khai liên tục các chương trình tư vấn, chăm sóc khác, ứng dụng một cách hiệu quả trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ Dũng thăm khám, hướng dẫn người bệnh tập vận động

 

Là một Đảng viên, là một người thầy thuốc, đồng chí Trần Quang Dũng luôn cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoạt động tích cực trong cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Anh luôn coi “người bệnh là trung tâm”, hạnh phúc của người bệnh là hạnh phúc của chính bản thân mình. Trên cương vị là bác sĩ điều trị, anh không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đại úy Ths.BS. Trần Quang Dũng luôn quan niệm: Được làm đúng chuyên ngành mình yêu thích là một mơ ước của các bác sĩ nói chung, nhưng theo đuổi và giữ được nhiệt huyết đam mê thì cũng đầy cam go và thử thách.

Với những thành tích, đóng góp của mình, Đại úy Trần Quang Dũng vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở ba năm: 2017, 2018, 2019 và Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2020; giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội năm 2018; giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội năm 2019…

Thực hiện: Lan Hương – Truyền thông Bệnh viện.

 

Chia sẻ