Lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng Laser

  03:08 PM 28/03/2019
Mấy năm gần đây, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện TWQD 108 đã ứng dụng thành công kỹ thuật Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser và đưa vào điều trị cho bệnh nhân với tỉ lệ thành công cao.

Sỏi tiết niệu là bệnh lý hay gặp, dễ biến chứng và tỉ lệ tái phát cao. Hầu hết sỏi tiết niệu hình thành tại thận, sau đó theo dòng nước tiểu di chuyển tới các vị trí khác tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang... Trong nhóm bệnh lý này thì sỏi thận chiếm tỉ lệ cao (30 - 40%).

Sỏi thận hình thành âm thầm, không có dấu hiệu, nhưng khi biểu hiện sẽ gây ra tổn thương cho đường tiết niệu như tiểu máu, nhiễm khuẩn. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy đau mỏi hoặc đau tức vùng thắt lưng hoặc kèm theo sốt. Nếu người bệnh không điều trị sẽ gây ra những biến chứng như viêm thận, ứ nước thận và đặc biệt là suy thận.

Trong các biện pháp điều trị sỏi thận, trước đây bệnh nhân phải chịu một cuộc mổ mở đau đớn, thời gian nằm viện dài, chi phí tốn kém. Sẹo mổ dài ảnh hưởng tới thẩm mỹ, sức lao động và đặc biệt là tổn thương chức năng thận. Ngày này, với sự phát triển của khoa học, các can thiệp ít xâm lấn, ngày càng chiếm ưu thế. Đặc biệt là với phẫu thuật nội soi thì tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng Laser là một bước đột phá trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị thay thế mổ mở.

Vết mổ mở (bên phải) và vết mổ nội soi (bên trái)

 

          Kỹ thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng Laser sẽ có điểm ưu trội hơn so với các kỹ thuật trước đây. Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ cảm thấy ít đau, ít chảy máu, hầu như không thấy sẹo, không ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sức lao động. Thời gian nằm viện ngắn chỉ 1 ngày rưỡi đến 2 ngày, so với mổ mở từ 7 – 10 ngày. Hơn nữa, kỹ thuật này giúp ít ảnh hưởng tới chức năng thận, bệnh nhân hồi phục nhanh. Đặc biệt, quá trình phẫu thuật cho phép kiểm tra toàn bộ các đài thận nên hạn chế tối đa khả năng sót sỏi.

Bước tán sỏi trong lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng Laser

 

Với kỹ thuật này, phẫu thuật viên sẽ chỉ rạch da khoảng 0,5 - 1cm vùng lưng hoặc thắt lưng. Dưới hướng dẫn của siêu âm, thiết lập một đường hầm vào thận. Đưa máy nội soi qua đường hầm tìm sỏi. Dùng nguồn năng lượng Laser tán vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua đường hầm. Sau cùng, bác sỹ sẽ đặt một ống thông từ thận xuống bàng quang (sonde JJ) giúp lưu thông tốt hơn. Bệnh nhân sẽ được hẹn sau 01 tháng tái khám, chụp X-quang để đánh giá hiệu quả tán sỏi và rút sonde JJ.

Các bác sỹ của Khoa Ngoại tiết niệu cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên uống nhiều nước để đào thải mảnh sỏi vụn và giúp lưu thống tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh có thể đi tiểu nước đỏ do sonde JJ, nhưng người bệnh không nên quá lo lắng vì cái này sẽ hết khi bệnh nhân tái khám và được rút sonde JJ.

Bác sỹ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108 đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân mắc sỏi thận

Nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser được Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện nhiều năm nay, là một kỹ thuật tiên tiến, ưu việt, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh sỏi thận. Đồng thời, kỹ thuật này giúp giảm tỉ lệ tai biến, biến chứng, góp phần nâng cao sức khoẻ, sức lao động cho người bệnh.

 

Thực hiện: BSCKI. Nguyễn Tuấn Đạt - Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108

Lan Hương – Truyền thông BV.

Chia sẻ