Bệnh tay chân miệng: Mối nguy hại “rình rập” quanh trẻ nhỏ

  03:57 PM 19/03/2019
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Có hai tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus 16 và Enterovirus 71 (EV71).

 

Bệnh gặp rải rác quanh năm và ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, có thể gây thành dịch với số lượng trẻ bị mắc bệnh tăng cao.

          Trẻ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 3 tuổi. Trẻ sinh hoạt tập thể tại trường mẫu giáo, nhà trẻ, đến các nơi  trẻ chơi tập trung là các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bệnh bùng phát.

           Trong giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng trẻ có thể sốt nhẹ, mệt mỏi biếng ăn đau họng hoặc tiêu chảy vài lần. Giai đoạn này thường từ 1-2 ngày. Các triệu chứng biểu hiện rõ ở giai đoạn toàn phát trong 3-10 ngày như: Loét miệng với các dạng ban đỏ hay phỏng nước trong niêm mạc miệng làm trẻ kém ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; sốt nhẹ; nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Giai đoạn hồi phục kéo dài 3-5 ngày, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

          Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp của bệnh như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

          Bệnh được phân chia thành các độ từ 1 đến 4  dựa vào đặc điểm lâm sàng của trẻ. Nếu trẻ mắc độ 1, có thể điều trị ngoại trú và tái khám sau mỗi 1-2 ngày tại cơ sở y tế. Từ độ 2 trở đi, trẻ có chỉ định điều trị nội trú tại bệnh viện.

Hình ảnh minh họa

          Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Do đó việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh tại cơ sở y tế cũng như thay đổi nếp sinh hoạt là cần thiết nhằm ngăn ngừa lây lan bệnh, nhất là vào các thời điểm dịch bệnh bùng phát. Cần đảm bảo cho trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau nhà bằng các dung dịch khử khuẩn và tiến hành cách ly trẻ bệnh tại nhà: không đến nhà trẻ, trường học nơi các trẻ tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Các trẻ mắc bệnh cũng cần được theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị các biến chứng. Ngoài ra còn cần đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.

 

BS. Bùi Thu Phương – Khoa Nhi

Mai Hằng – Truyền thông Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ