Xét nghiệm troponin T HS (high sensitive) - công cụ hữu ích để đánh giá nhanh bệnh nhồi máu cơ tim

  02:03 PM 18/12/2015

Trên thế giới mỗi năm có 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim, trong đó có 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Trong vòng năm sau đó chết thêm 5%-10% nữa. Ở Hoa Kỳ, cứ 6 người chết là có một người chết vì bệnh tim mạch. Trong năm 2009 có 368 324 người tử vong vì bệnh mạch vành. Mỗi năm có khoảng 635 000 trường hợp nhồi máu mới xuất hiện và 280 000 trường hợp nhồi máu tái phát, 150 000 nhồi máu im lặng. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhưng số bệnh nhân ngày càng tăng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, năm 2010 có tới 7421 trường hợp nhập viện vì đau thắt ngực, 1538 ca nhập viện và điều trị vì hội chứng vành cấp.

Cùng với các xét nghiệm ECG, siêu âm tim, chụp động mạch vành, các xét nghiệm máu như GOT, GPT, LDH, CK, CK-MB, Pro-BNP, hs-troponin là một xét nghiệm đặc hiệu giúp các nhà lâm sàng chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim.

Troponin T (TnT) là một thành phần của bộ máy co cơ của các cơ tim và cơ xương. TnT có nguồn gốc duy nhất từ cơ tim (trọng lượng phân tử 39,7 kD) khác biệt rõ rệt so với cơ xương. Do tính đặc hiệu cao về mô học, troponin T là dấu ấn chuyên biệt cho cơ tim và có độ nhạy cao với các tổn thương cơ tim.

Xét nghiệm hs-troponin T là xét nghiệm miễn dịch invitro dùng để định lượng troponin T tim trong huyết thanh và huyết tương người. Hiện nay, hs-TnT được định lượng bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA với hai kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng trực tiếp troponin T tim người, trên máy phân tích miễn dịch Cobas E của Roche, tại Bệnh viện TƯQĐ 108.

Troponin T tim tăng lên khoảng 3-4 giờ sau nhồi máu cơ tim cấp và có thể duy trì đến 2 tuần sau đó. Ngược lại với trường hợp nhồi máu cơ tim có ST chênh cao, chẩn đoán nhồi máu cơ tim không ST chênh dựa chủ yếu vào kết quả định lượng TnT tim. Theo định nghĩa mới toàn cầu về chứng nhồi máu cơ tim, chẩn đoán có nhồi máu cơ tim khi lượng troponin tim trong máu cao hơn phân vị thứ 99 của khoảng tham chiếu (của nhóm người khỏe mạnh) cùng với các bằng chứng về thiếu máu cơ tim (triệu chứng, những thay đổi điện tim hay kết quả hình ảnh). Xét nghiệm troponin có độ biến thiên ở phân vị thứ 99 phải nhỏ hơn hoặc bằng 10%. Nếu giá trị TnT đo được âm tính, chiến lược tốt nhất là đo lại lần thứ 2 sau khoảng thời gian 4-6 giờ. Nếu giá trị này tăng nó báo hiệu một biến cố tim mạch cấp tính, thậm chí không chẩn đoán được bằng ECG. Mặt khác, nếu cả hai kết quả đều âm tính, có thể xem như bệnh nhân đó có nguy cơ thấp và loại trừ chứng nhồi máu cơ tim.

Vì có giá trị tiên đoán tốt, troponinT được đề nghị sử dụng để đo lường ở những bệnh nhân suy thận mạn tính. TnT thường tăng ở các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính tiền thẩm phân phúc mạc, tăng cao trước khi xảy ra biến cố tim mạch. Các mức này không phải là dương tính giả, chúng báo hiệu nguy cơ tử vong cao mà không tìm thấy trong các xét nghiệm Troponin khác.

Troponin T tim có thể tiên lượng bệnh cảnh ngắn, trung và dài hạn cho những bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp.

Ngoài ra, troponin T còn hữu dụng trong việc xác định những bệnh nhân nào có lợi ích với liệu pháp chống huyết khối.

Nồng độ troponin T thấp có thể gặp ở những bệnh nhân ổn định trên lâm sàng như bệnh suy tim thiếu máu cục bộ hoặc không thiếu máu cục bộ, suy thận, nhiễm trùng huyết và đái tháo đường, viêm cơ tim, giập cơ tim, thuyên tắc phổi, nhiễm độc tim do thuốc.

Nồng độ TnT thấp là một tiên lượng độc lập của các biến cố tim mạch bao gồm rung nhĩ mới hay rung nhĩ tái phát.


Bác sĩ Đinh Thị Thảo
Khoa Sinh Hóa, Bệnh viện TƯQĐ108

Chia sẻ