Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT): Vũ khí hiệu quả cho bệnh nhân ung thư gan tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa

  09:18 AM 07/01/2022
Theo thống kê của Globocan năm 2020, ung thư gan nguyên phát là loại ung thư phổ biến thứ sáu và là nguyên nhân tử vong cao thứ ba trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng thứ 1 cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, xong tiên lượng bệnh vẫn còn xấu đặc biệt khi bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển. Tại thời điểm phát hiện ung thư gan, tỷ lệ bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch cửa lên tới 12,5-39,7%. Nếu không điều trị, thời gian sống thêm của những bệnh nhân này chỉ kéo dài từ 2,4-4 tháng.

 

Huyết khối tĩnh mạch cửa ở bệnh nhân ung thư gan là sự xâm lấn trực tiếp của tổ chức ung thư hoặc sự di căn tế bào ung thư vào hệ thống tĩnh mạch cửa. Từ đó gây bít tắc 1 phần hoặc hoàn toàn tĩnh mạch cửa (là nguồn nuôi chính của gan), gây nên các biến chứng như hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, hội chứng suy chức năng gan.

Phân loại vị trí huyết khối theo: a) Nhóm nghiên cứu ung thư gan Nhật Bản.

b) Phân loại của Cheng.  c) Phân loại của Xu          ©MDPI.COM

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ở giai đoạn này rất khó khăn, các bệnh nhân thường không còn chỉ định phẫu thuật và can thiệp mạch tại chỗ hiệu quả hạn chế. Mục đích điều trị ở giai đoạn này là kiểm soát huyết khối tiến triển và kéo dài thời gian sống thêm toàn bộ. Theo các nghiên cứu SHARP, AP, REFLECT chỉ ra rằng các thuốc TKIs (tyrosine kinase inhibitors) như sorafenib, lenvatinib là điều trị chuẩn tuy nhiên các thuốc TKIs có giá thành rất cao chỉ được sử dụng cho một số lượng BN nhất định.

Với các bước tiến của kỹ thuật xạ trị, xạ trị ngoài đem lại hiệu quả và hy vọng mới trong chiến lược điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển. Trong đó, xạ trị lập thể định vị thân (Stereotatic Body Radiation Theraphy - SBRT) là một kỹ thuật cao cấp với các ưu điểm vượt trội: độ chính xác cao, tập trung liều điều trị tại u, giảm tác dụng phụ trên cơ quan lành đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị. Dựa vào các ưu điểm trên, các nước trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của SBRT trong điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa và bước đầu đem lại những kết quả rất khả quan vì tỷ lệ kiểm soát huyết khối cao, giảm bệnh lý gan do tia xạ. Trong đó, nghiên cứu của tác giả

Xạ trị SBRT trên máy TrueBeam STx điều trị ung thư gan tại BV TƯQĐ 108                                         

         Tại Việt Nam, kỹ thuật SBRT trong điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa đã được áp dụng tại một số trung tâm, tuy nhiên việc áp dụng chưa được thường quy. Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ như máy xạ trị-xạ phẫu Truebeam STx (Varian-Mỹ), hệ thống đồng bộ nhịp thở RGSC, 4D-CT mô phỏng… đã triển khai điều trị SBRT cho bệnh nhân ung thư gan tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa từ năm 2018 áp dụng theo các guideline của Mỹ, Hàn Quốc (RTOG 1112, KLCSG…). Cùng với đó, cán bộ nhân viên của khoa cũng được đào tạo và hỗ trợ chuyển giao công nghệ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA để làm chủ kỹ thuật đưa vào điều trị thường quy.   

Quy trình điều trị kỹ thuật SBRT - Bệnh viện TƯQĐ 108

        Kết quả bước đầu mang lại hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân với tỷ lệ đáp ứng huyết khối sau 3 tháng là 73,3%, trung vị thời gian sống thêm toàn bộ là 15 tháng. tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1 năm là 50%. Các tác dụng phụ chủ yếu độ 1-2 gồm mệt mỏi, buồn nôn, đau hạ sườn phải. Với ưu điểm là phương pháp điều trị không can thiệp với độ an toàn cao, xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) sẽ là vũ khí mới mang lại niềm hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa.

Đáp ứng huyết khối sau xạ trị SBRT tại Bệnh viện TƯQĐ 108

        Bệnh nhân ung thư gan và các bệnh lý ung thư khác có nhu cầu tư vấn về điều trị xin vui lòng liên hệ Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Điện thoại: 024.62784163.

Website: https://benhvien108.vn/gioi-thieu-khoa-xa-tri-xa-phau.html

Facebook: https://www.facebook.com/xatri108.

Tài liệu tham khảo:

1. Minagawa M, Makuuchi M. Treatment of hepatocellular carcinoma accompanied by portal vein tumor thrombus. World J Gastroenterol 2006;47:7561–7

2. Llovet J.M., Bustamante J., Castells A., et al. (1999). "Natural history of untreated nonsurgical hepatocellular carcinoma: rationale for the design and evaluation of therapeutic trials". Hepatology., 29(1): 62-67.

3. Mian Xi., Li Zhang. Effectiveness of Stereotactic Body Radiotherapy for Hepatocellular Carcinoma with Portal Vein and/or Inferior Vena Cava Tumor Thrombosis. May 2013, Volume 8, Issue 5, e63864.

4. Ann-Lii Cheng (2012) “Efficacy and safety of sorafenib in patients with advanced hepatocellular carcinoma according to baseline status: Subset analyses of the phase III Sorafenib Asia–Pacific trial ”  European Journal of Cancer, Volume 48, Issue 10, July 2012, Pages 1452-1465.

5. Kudo M, Finn RS, Qin S, et al. Lenvatinib versus sorafenib in first-line treatment of patients with unresectable hepatocellular carcinoma: a randomised Phase 3 non-inferiority trial. Lancet. 2018;391(10126):1163–1173.

BS CKI. Nguyễn Anh Tuấn

Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương quân đội 108

Chia sẻ