Ứng dụng Kỹ thuật hít sâu nhịn thở trong xạ trị vú trái và thành ngực tại Khoa Xạ trị & Xạ phẫu - Viện ung thư - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

  02:54 PM 01/07/2019
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Xạ trị có vai trò làm giảm nguy cơ tái phát, di căn, kéo dài thời gian sống thêm ở các bệnh nhân ung thư vú được phẫu thuật bảo tồn hoặc có di căn hạch nách.

Với việc sàng lọc phát hiện sớm và sự phát triển của các phương pháp điều trị, bệnh nhân ung thư vú ngày càng được điều trị hiệu quả với thời gian sống thêm lâu hơn. Do đó, chất lượng sống và việc hạn chế các tác dụng phụ của điều trị là vấn đề cần được quan tâm.

Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu kỹ thuật xạ trị hít sâu nhịn thở nhằm giảm tác dụng phụ trên tim cho các bệnh nhân ung thư vú trái có chỉ định xạ trị tại Khoa Xạ trị & Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Kỹ thuật hít sâu nhịn thở (DIBH)

DIBH là kỹ thuật xạ trị mà bệnh nhân hít sâu nhịn thở trong quá trình chụp CT mô phỏng cũng như trong quá trình điều trị. Thời gian bệnh nhân cần phải hít sâu nhịn thở kéo dài khoảng 20 đến 30 giây.

Ưu điểm của kỹ thuật xạ trị hít sâu nhịn thở

Khi bệnh nhân hít sâu nhịn thở, phổi của bệnh nhân sẽ chứa đầy khí và đẩy tim của bệnh nhân ra xa thành ngực và khu vực xạ trị. Điều này rất quan trọng để giảm thiều liều xạ vào tim, tránh được các tác dụng phụ không mong muốn của tia xạ lên tim của bệnh nhân. Kỹ thuật hít sâu nhịn thở thường được sử dụng để điều trị bệnh nhân ung thư vú trái vì tim nằm ngay sau vú trái và thành ngực.

Mỗi bệnh nhân có cấu trúc giải phẫu bên trong khác nhau. Vì vậy bác sỹ xạ trị và kỹ sư vật lý phải dựa vào hình ảnh CT mô phỏng để đánh giá lựa chọn bệnh nhân phối hợp thực hiện điều trị bằng kỹ thuật DIBH. Một số bệnh nhân khi thở bình thường thì tim của họ không nằm trong trường xạ nên việc thực hiện kỹ thuật hít sâu nhịn thở là không cần thiết.

Nguy cơ

Không có yếu tố nguy cơ nào khi thực hiện kỹ thuật DIBH điều trị cho bệnh nhân.

Kỹ thuật xạ trị thường quy

Thay thế cho kỹ thuật DIBH là kỹ thuật điều trị bệnh nhân thở bình thường. Trong quá trình điều trị bệnh nhân thở bình thường thì tim của bệnh nhân phải được che chắn ở mức tối đa để giảm liều xạ vào tim thấp nhất có thể.

Hình ảnh thiết kế trường chiếu sử dụng bộ chuẩn trực đa lá MLC để tránh liều xạ vào tim. Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư –  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chuẩn bị bệnh nhân cho kỹ thuật DIBH

Bệnh nhân được lựa chọn thực hiện xạ trị bằng kỹ thuật DIBH thường được tập thở 1 tuần trước khi tiến hành chụp CT mô phỏng và điều trị. Mục đích của việc tập thở là bệnh nhân hít sâu và nín thở duy trì trong vòng 20 đến 30 giây.

Phần mềm tập thở cho bệnh nhân trước khi tiến hành chụp CT mô phỏng và điều trị cho bệnh nhân.

Phần mềm bản quyền Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

 

Quy trình chụp CT mô phỏng kết hợp kỹ thuật DIBH cho bệnh nhân xạ trị vú trái và thành ngực

Bệnh nhân được chụp CT mô phỏng, trong quá trình chụp bệnh nhân thở tự do. Hình ảnh CT mô phỏng của bệnh nhân sẽ được bác sỹ xạ trị và kỹ sư vật lý y học đánh giá khoảng cách tim và thành ngực và quyết định xem bệnh nhân có thể sự dụng xạ trị kết hợp với kỹ thuật DIBH hay không.

Nếu bệnh nhân được lựa chọn điều trị bằng kỹ thuật DIBH, bệnh nhân sẽ được yêu cầu phối hợp hít sâu và nín thở ba đến bốn lần. Bệnh nhân sẽ được bác sỹ và kỹ sư đánh dấu trên thành ngực và thực hiện các phép đo. Việc đo đạc sẽ giúp cho bác sỹ và kỹ sư đánh giá quá trình hít sâu nín thở của bệnh nhân đủ lớn. Trong quá trình chụp CT mô phỏng kết hợp với kỹ thuật DIBH, bác sỹ sẽ yêu cầu bệnh nhân hít vào và nín thở qua loa trong phòng chụp CT mô phỏng. Trong quá trình chụp CT mô phỏng bệnh nhân cần phải hít sâu nín thở trong vòng 20 giây. Nếu bệnh nhân không thể nín thở trong quá trình chụp CT mô phỏng trong vòng 20 giây thì thành ngực của bệnh nhân sẽ chuyển động khi đó kỹ thuật DIBH không thể thực hiện được. Nếu bệnh nhân không thể phối hợp được để thực hiện kỹ thuật DIBH thì bệnh nhân sẽ được chỉ định xạ trị và thở bình thường.

Hình ảnh chụp CT mô phỏng bệnh nhân điều trị vú trái sau phẫu thuật.

Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư –  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Quy trình xạ trị kết hợp kỹ thuật DIBH

Trong mỗi buổi xạ trị, bệnh nhân được nằm trên bàn điều trị trong phòng xạ tri giống với vị trí trong quá trình chụp CT mô phỏng.

Kỹ thuật viên xạ trị sẽ điều chỉnh giường về vị trí điều trị, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bệnh nhân hít sâu nín thở một vài lần để kiểm tra độ chính xác của vị trí điều trị cũng như tập cho bệnh nhân làm quen và thoải mái trước khi điều trị. Khi vị trí của bệnh nhân cũng như vị trí của đầu máy xạ trị sẵn sàng, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bệnh nhân hít vào nín thở và máy bắt đầu phát tia. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được yêu cầu hít vào nín thở nhiều lần cho đến khi kết thúc buổi điều trị. Số lần bệnh nhân được yêu cầu hít vào nín thở phụ thuộc vào thời gian nhịn thở của bệnh nhân.

Tại Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sử dụng Hệ thống Theo dõi bề mặt quang học (Optical Surface Monitoring System – OSMS) để đặt bệnh nhân, kiểm tra vị trí của bệnh nhân trước điều trị cũng như theo dõi việc hít sâu nhịn thở trong quá trình điều trị.

Hình ảnh KTV xạ trị sử dụng Hệ thống Theo dõi bề mặt quang học OSM để đặt bệnh nhân.

Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hình ảnh sử dụng Hệ thống theo dõi bề mặt quang học OSMS để theo dõi việc hít sâu nhịn thở của bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư –  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn về kỹ thuật Hít sâu nhịn thở vui lòng liên hệ Khoa Xạ trị & Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương quân đội 108

Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 0246-278-4163

Email: xatri108@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/xatri108/

TS. Phạm Quang Trung - Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

 

Chia sẻ