Ứng dụng công nghệ định vị bề mặt trong xạ trị lập thể Ung thư gan tại Bệnh viện TWQĐ 108

  08:54 AM 23/08/2019
Các tiến bộ về khoa học công nghệ luôn được ứng dụng nhanh và sớm nhất vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Công nghệ định vị bề mặt bằng quang học (Optical Surface Monitoring) kết hợp với công nghệ nhận dạng bằng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) không những được sử dụng trong lĩnh vực giải trí (Kinect Xbox 360 của hãng Microsoft ra đời năm 2010, H.1) hoặc bảo mật (FaceID trên IphoneX của Apple ra đời cuối năm 2017, H.2) mà còn được sử dụng trong các kỹ thuật xạ trị hiện đại là một trong các ví dụ như thế.

 

 

H.1: Kinect Xbox 360 của hãng Microsoft ra đời năm 2010 dùng hồng ngoại

H.2: Mở khóa điện thoại qua nhận diện khuôn mặt bằng hồng ngoại, iPhone X (Apple, 2017)

Hệ thống theo dõi bề mặt quang học (OSMS) đã được sử dụng trong các kỹ thuật khó như thiết lập vị trí bệnh nhân trong xạ trị toàn não-tủy với phạm vi chiếu tia rộng, kiểm soát liên tục và phát hiện các thay đổi bất thường của bệnh nhân trong khi điều trị. Điều này khắc phục được các hạn chế mà các thiết bị định vị bằng X-quang (chụp ảnh định vị bằng EPID, bằng kV-imager hay định vị bằng chụp cắt lớp dạng nón CBCT…) gặp phải do đây là hệ thống độc lập tương đối với hệ thống máy điều trị và không sử dụng bức xạ có hại cho bệnh nhân.

H.3: Hệ thống CyberKnife có tại BV TƯQĐ 108 từ năm 2006 có thiết kế hệ thống theo dõi di động bề mặt bằng hồng ngoại (Synchrony)

H.4: Hệ thống theo dõi di động bề mặt AlignRT (VisionRT) làm việc trên máy xạ trị xạ phẫu đa năng TruebeamSTx (Varian) trong dải ánh sáng nhìn thấy, từ năm 2017.

Việc kết hợp các công nghệ định vị khác nhau này là rất quan trọng đối với các kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao như xạ phẫu trong sọ (Stereotactic Radiosurgery) hoặc xạ trị lập thể ngoài sọ (Stereotactic Body Radiation Therapy), đặc biệt là đối với các khối u di động theo nhịp thở như u vú, u gan, u phổi… mà không phải sử dụng các khung định vị xâm lấn (invasive stereotactic frames) gây đau đớn cho bệnh nhân (H.5)

  

 

H.5: U gan là khối u di động theo nhịp thở của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hệ thống này đã được sử dụng điều trị thành công với các kỹ thuật khác nhau, trong đó có kỹ thuật xạ trị lập thể ung thư gan kết hợp nhịn thở chủ động. Đây là kỹ thuật tối ưu nhất trong xạ trị lập thể ung thư gan do thể tích tính mô phỏng điều trị nhỏ nhất, hạn chế tối đa tác dụng phụ cho gan lành, phổi, ruột và tim (H.5, H.6). Ngoài ra đây cũng là một trong các kỹ thuật khó thực hiện vì phụ thuộc vào sự đồng bộ về trang thiết bị, từ thiết bị chụp cắt lớp mô phỏng có trang bị hệ thống đồng bộ nhịp thở đến máy xạ trị có tính năng chiếu xạ đồng bộ nhịp thở. Khó khăn trong ứng dụng kỹ thuật này là việc phối hợp thụ động giữa bệnh nhân với máy điều trị cũng đã được giải quyết bằng cách sử dụng các công cụ chuyển kỹ thuật điều trị từ thụ động sang chủ động làm tăng độ chính xác và rút ngắn thời gian thực hiện.

H.6: Giao diện của AlignRT (VisionRT) trong xạ trị lập thể ung thư gan nhịn thở chủ động

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn điều trị bằng kỹ thuật xạ trị nhịn thở chủ động trên hệ thống máy xạ trị - xạ phẫu TrueBeam xin vui lòng liên hệ Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Tầng hầm B2 Tòa nhà Trung tâm, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Điện thoại: 024.62784163.

Website: https://benhvien108.vn/gioi-thieu-khoa-xa-tri-xa-phau.htm

  Facebook: https://www.facebook.com/xatri108.

Người viết

Thạc sỹ, kỹ sư Đỗ Đức Chí

Khoa Xạ trị & Xạ phẫu – Viện Ung thư

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Email: chidd108@gmail.com

 

Chia sẻ