Tổn thương hệ tim mạch liên quan đến SARS-CoV-2 và những lưu ý với bệnh nhân tim mạch trong thời kỳ dịch bệnh COVID

  05:07 PM 18/10/2021
SARS-CoV-2 đã gây ra đại dịch trên toàn thế giới. Theo Worldometer, tính đến ngày 19/9/2021 trên thế giới 229031398 ca mắc, 4702107 ca đã tử vong. Tại Việt Nam đã có 677023 ca mắc, 16857 ca tử vong. Hệ thống y tế của các nước trên thế giới đã phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong thời kỳ đại dịch này. Nhu cầu về giường chăm sóc đặc biệt ngày càng tăng, không đủ máy thở và tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 cao trong nhân viên y tế là những thách thức lớn. Mặc dù bệnh nhân SARS-CoV-2 chủ yếu có biểu hiện lâm sàng ban đầu là viêm phổi, nếu tiến triển sang giai đoạn muộn sẽ tổn thương đa cơ quan. Tổn thương hệ tim mạch liên quan tới SARS-CoV-2 chủ đề lớn cần được quan tâm. Tổn thương hệ tim mạch có thể là do sự tham gia trực tiếp của virus vào cơ tim hoặc gián tiếp qua hệ thống đáp ứng viêm hệ thống và do tổn thương phổi gây ra. Ngoài ra, các thuốc kháng vi-rút được sử dụng để điều trị SARS-CoV-2 được báo cáo là có tác dụng gây loạn nhịp tim.

 

Diễn biến của SARS-CoV-2 bao gồm 3 giai đoạn đan xen sau: giai đoạn nhiễm trùng sớm, giai đoạn liên quan đến phổi và giai đoạn siêu viêm. Giai đoạn đầu tiên bao gồm sự di chuyển và sao chép của virus vào mô phổi. Bạch cầu đơn nhân và đại thực bào là những yếu tố miễn dịch bẩm sinh chịu trách nhiệm chống lại vi rút trong giai đoạn này, và bệnh nhân có thể có các triệu chứng thể nhẹ. Tổn thương mô phổi phát triển ở bước tiếp theo, và hiện tượng giãn mạch, tăng tính thấm nội mô và hoạt hóa bạch cầu xảy ra trong giai đoạn thứ hai; cơ chế bệnh sinh này dẫn đến tổn thương phổi, giảm oxy máu và tăng tổn thương lên hệ tim mạch. 10% bệnh nhân ở giai đoạn thứ hai chuyển sang giai đoạn siêu viêm. Giai đoạn siêu viêm được đặc trưng bởi sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển (ARDS), tổn thương tim cấp tính, suy đa cơ quan, nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, nhiễm trùng huyết và tăng nhu cầu chăm sóc đặc biệt. Mặc dù cơ chế chính xác của tổn thương hệ  tim mạch vẫn còn không rõ ràng, một số cơ chế có thể đã được đề xuất. Tổn thương tim cấp, với biểu hiện tăng cao troponin tim, đã được báo cáo trong 8% –12% bệnh nhân SARS-CoV-2. Tổn thương cơ tim cấp là một yếu tố tiên lượng xấu ở bệnh nhân SARS-CoV-2. Bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có các vấn đề tim mạch tiềm ẩn có tiên lượng xấu hơn. Bệnh nhân có biến chứng tim mạch làm gia tăng nhu cầu thở máy và các loạn nhịp tim phức tạp liên quan đến mô cơ tim bị căng hoặc tác dụng phụ loạn nhịp của các thuốc kháng vi-rút và chống viêm.

 

Rối loạn đông máu làm cho bệnh cảnh của bệnh nhân SARSCoV-2 ngày càng nặng hơn. ARDS phát triển do thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch, động mạch, vi mạch phổi, tổn thương nội mô và các biến chứng huyết khối liên quan. Việc giải phóng các cytokine viêm làm kích hoạt quá trình rối loạn đông máu ở bệnh nhân SARS-CoV-2. Khoảng 50% trong số những người có SARS-CoV-2 nặng phát triển rối loạn đông máu. D-Dimer là chỉ số quan trong để phát hiện, đánh giá, tiên lượng tổn thương do rối loạn đông máu gây ra. Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi đã được quan sát thấy ở 40% bệnh nhân.  Do đó những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch được xếp vào nhóm bệnh có nguy cơ cao bị tử vong khi nhiễm SARS-CoV-2.

Những lưu ý với bệnh nhân tim mạch

Tất cả bệnh nhân tim mạch là những bệnh nhân có nguy cơ cao, nên tuân thủ theo các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế, thực hiện đúng 5K.

Những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nên được tiêm phòng ngừa vắc-xin.

Nếu bệnh nhân đang trong vùng có dịch và tình trạng tim mạch ổn định, tránh đến khám trực tiếp ở các cơ sở y tế. Thay vì khám trực tiếp, bạn có thể trao đổi với bác sĩ của bạn qua điện thoại.

Để cải thiện hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tim mạch, luôn ăn uống đầy đủ, tránh rượu bia, đảm bảo giấc ngủ, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng và tránh mọi căng thẳng không đáng có.

BS Phạm Quang Trình

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108

 

 Tài liệu tham khảo: 

Ali Çoner, Impact of the Novel Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Pandemic on Cardiac Emergencies and Future Perspectives in Turkey, Erciyes Med J 2021; 43(5): 419–22

Kuldeep Dhama, Coronavirus Disease 2019–COVID-19. Clin Microbiol Rev 33: e00028-20

Chia sẻ