Thư tình thời chiến

  01:48 PM 24/12/2020
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm về một thời hào hùng đầy máu lửa, nước mắt và hoa của hai người cựu chiến binh quân y này thì vẫn còn lắng đọng mãi mãi trong tâm trí của họ cùng với thời gian năm tháng cuối của cuộc đời.

 

Sắp đến dịp kỷ niệm lần thứ 65 ngày thương binh liệt sĩ, tôi cùng Đại tá dược sĩ Nguyễn Trọng Châu đến thăm ông Ích, nguyên là chiến hữu quân y Viện 108 đầu tiên ở Đồng Càng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thời chống Pháp. Qua tâm tình cởi mở quanh bàn trà, tôi bất chợt hỏi ông:

Gần đây báo An Ninh Thế Giới đưa tin ông đem đến cho họ tới “Năm tập thư “của bà gửi cho ông và “sáu mươi sáu “lá thư ông gửi cho bà. Suốt mười ba năm trụ ở chiến trường Liên Khu 5 ác liệt như vậy, làm sao ông giữ được? Vì cứ đọc xong cái nào mình lại gói cẩn thận đem gửi ngay vào khoa dược. Ông Châu ngồi bên hỏi nhỏ: Nếu không có gì bí mật, cho bọn mình xem được không? Nguyễn Ích mở tủ lấy ra mấy tập thư và cuốn nhật ký. Tôi chọn ra bốn lá đưa ông Châu có giọng tốt đọc cho cả bốn chúng tôi cùng nghe:

Ngày 30/10/1962 Em và các con yêu quý

Anh vừa nhận được thư em lúc chiều. Cả hai lá, mừng không tả được. Mừng nhất là em đã nhận được tin anh. Đã tám tháng qua, nay được thư em, kể ra thì cũng lâu, nhưng còn may mắn hơn các đồng chí khác cùng vào chiến trường hoặc vào trước mà chưa nhận được tin tức gì của gia đình. Từ nay anh mong sẽ nhận được thư em hàng tháng. Được biết rõ em, các con và mẹ ốm vì tuổi già sức khoẻ kém, em gắng động viên, chăm sóc mẹ cố sống đợi anh về. Anh lo nhiều đến em, không biết em khắc phục thế nào để công tác, học tập, nuôi ba con còn quá nhỏ rồi lại phải chuyển về viện 103 công tác? Anh nhớ em, nhớ ngày sinh của các con. Thương chúng nó bé. Chưa biết ngày nào, năm nào bố lại được cùng mẹ chăm sóc các con. Vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, mà biết bao gia đình phải sống trong cảnh chia ly, nhưng vẫn luôn tin vào Đảng, dù có gian khổ, hy sinh. Em hãy vui lên trước tình hình cách mạng miền Nam ngày càng phát triển. Nhớ em và các con, anh càng quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Anh cầu mong mấy mẹ con em đầy đủ sức khoẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở đơn vị mới. Chuyển lời thăm hỏi sức khoẻ mẹ, các anh chị, bà con thân thích. Gắng đợi anh về trong ngày thống nhất.

Anh ở miền Nam Nguyễn Văn Ích.

Ngày 18/2/1963

Anh thân yêu của em, Bố thân yêu của các con,

Tin anh mừng là thư anh gửi em đều nhận được cả sáu cái. Em mừng lắm... nhất là được tin anh khoẻ, đang phấn đấu. Nghĩ đến anh còn nhiều gian khổ để góp phần mình vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, em càng phấn đấu làm việc. Anh hãy tin tưởng ngày gặp em và các con. Em từ Vĩnh Yên về đây công tác đã ổn định. Con Thành bị viêm thận cấp. Sau một tháng điều trị ở viện 103 đã khỏi. Bé Hương bị một đợt ỉa chảy khi mới chuyển về. Chú Cứu lên đón, anh T. giúp đỡ nhiệt tình, anh Thu, anh Bình đến chơi thăm các con có nhiều thông cảm. Thỉnh thoảng em ra thăm bà. Em đã đưa bà đi khám toàn diện. Có nhiều đám mờ ở cả hai phối, nghi lao sơ nhiễm. Đã xin cho bà điều trị ở khoa nội 3. Em vô cùng phấn khởi là anh đã nhận được lá thư đầu tiên của em. Mỗi lần được thư anh, thấy chữ anh viết là nguồn động viên cho em tăng thêm sức mạnh công tác, nuôi con. Mùa rét này em đã mua cho con vải nhung may áo vét. Các con đều có đủ áo ấm. Thôi, em xin tạm ngừng bút hẹn khi khác. Mong anh thật khoẻ mạnh.

Em của anh. Vũ Thị Như Hiền.

Ngày 10/3/1963

Em thân yêu

Anh đã nhận được bốn thư em gửi. Đều là nguồn động viên mãnh liệt, giúp anh vượt qua tất cả. Anh đã đọc đi, đọc lại nhiều lần trên đường công tác, những lúc nằm trên võng nghỉ, sau đợt phục vụ chiến đấu, sau một ngày đứng mổ vv... Càng nhớ em, nhớ con, nhớ cả miền Bắc đang xây dựng... anh càng hăng say công tác, khắc phục mọi khó khăn, phát huy nhiều sáng kiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh vẫn khoẻ tuy phải đi lại nhiều bám sát đơn vị. Cuộc đấu tranh còn dài, còn nhiều gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Ngày gặp em và các con chắc còn lâu, nhưng nó sẽ đến, nhất định đến. Đến lúc nào, làm sao biết? Nói thế để chúng ta yên tâm công tác. Anh rất sung sướng được sự tín nhiệm của Đảng, của quân đội. Anh đã có lần đứng mổ suốt 36 tiếng liên tục dưới làn đại bác, bom dội như mưa vào khu vực Đội phẫu thuật, sau đó lại về bệnh xá thay băng, kiểm tra vết thương suốt cả tuần lễ liền. Anh làm tất cả mọi công việc TBB cần trong lúc cán bộ nhân viên đều thiếu.

Xa nhau một năm rồi. Chúng ta đã và còn phải hy sinh hạnh phúc gia đình để cống hiến. Còn cống hiến như thế nào là tùy sự phấn đấu của mỗi chúng ta. Nhưng anh tin chúng ta đều xứng đáng là những người cán bộ quân y cách mạng, những Đảng viên của Đảng. Mong em và các con luôn khoẻ mạnh đầy lạc quan tin tưởng. Cho anh gửi lời kính thăm sức khoẻ mẹ các anh chị họ hàng thân thích.

Hôn em và các con.

Nguyễn Văn ích Ngày 1/5/1975

Anh yêu thương,

Tin chiến thắng dồn dập, nức lòng người, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Em lại càng mừng vì đỡ lo cho anh. Mong anh sẽ về với mẹ con em. Gần mười bốn năm rồi, nhiều đêm lo sợ anh không trở về được. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt, em mong ước gia đình ta sẽ xum họp bên nhau mãi mãi, cùng nhau nuôi dạy các con khôn lớn học hành tiến bộ, tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước trong hoà bình. Con Hà đã thư về cho em. Hương, Thành đều là học sinh tiên tiến, hạnh kiểm tốt. Năm nay nó sẽ thi vào đại học. Còn em sắp hoàn thành năm học chuyên khoa nhi nên tương đối bận. Theo em, anh còn tốt hơn các liệt sĩ. Các đồng chí đó hy sinh cho đất nước được độc lập tự do. Anh của em chỉ chút xíu nữa mảnh đạn pháo làm vỡ gan thì cũng hết đời rồi, còn đâu nữa mà tiếp tục cống hiến. Cứ nghĩ lại mà em thấyghê cả người. Em, các con mong anh khỏe và chóng trở về.

Em Vũ Thị Như Hiền.

Ông Châu đọc xong, tôi hỏi:

Từ ngày nghỉ hưu ông bà có mở phòng mạch hoặc làm gì thêm? Suốt đời phục vụ rồi, lương hưu cũng tạm đủ, bà Hiền vui vẻ nói: Chúng tôi chỉ nghỉ ngơi thôi. Ông Ích xen vào: Bà xã tôi tuổi cao, bệnh mạn tính nhiều mà công tác xã hội còn hơn tôi nhiều đó. Bà Hiền mỉm cười liếc nhìn chồng: ông chỉ được cái vợ hát...chồng...lại khéo... nịnh. Rõ thật vô duyên! Ông Châu ngồi bên đỡ lời: Hơn tám chục tuổi lại là thương binh mà vẫn ngày ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cổ, tìm các chiến hữu quân y thời chống Pháp và chống Mỹ thu thập tư liệu viết sử ngành quân y Quân Khu 5 và lịch sử ngành Quân y cách mạng Việt Nam. Ngoài ra còn viết hàng ngàn trang sách, tổng kết kinh nghiệm, đảm bảo quân y nhiều chiến dịch tại chiến trường B1 để lớp trẻ học tập tham khảo. Như vậy chẳng là tuyệt vời sao?

Tôi nhất trí với kết luận của ông Châu bởi bề dày thành tích của ông thật đáng nể đúng như đánh giá của các tướng lĩnh chiến trường, của các bạn bè đồng nghiệp, cán bộ chiến sĩ và nhân dân QK5 coi ông như một người Anh hùng đích thực trong lòng họ. Xin dành tặng ông bà mấy câu thơ:

Đều là bác sĩ quân y

Bao năm phấn đấu kiên trì chẳng ngơi

Thảo Hiền góp ích cho đời

Nghĩa tình non  nước  sáng  ngời trong tâm.

 

Đại tá, BS Tạ Lưu

Nguyên Y tá trưởng Tổng khoa ngoại
Viện Quân y 108

 

Chia sẻ