Theranostic: cá thể hóa trong điều trị ung thư

  07:43 AM 16/01/2020
Khoa học công nghệ có sự ảnh hưởng sâu, rộng đến toàn bộ các ngành nghề trong đó có ngành y tế. Trong chẩn đoán bệnh ung thư, chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh siêu âm, CT, MRI, tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ đã cho chúng ta thấy được hình ảnh ở mức phân tử (molecular imaging) như SPECT/CT, PET/CT sử dụng nhiều dược chất phóng xạ khác nhau. Đối với điều trị ung thư, điều trị đa mô thức đã trở thành xu hướng phổ biến trên tất cả các ung thư lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Điều trị đích, điều trị ở mức phân tử đang là chủ đề nóng hổi trên các tạp chí và hội nghị chuyên ngành trên thế giới trong những thập kỷ đầu tiên của thể kỷ 21.

Theranostic bắt đầu được đề cập đến nhiều hơn kể từ 2010, là khái niệm mới kết hợp giữa cả chẩn đoán và điều trị trong cùng một đợt sử dụng nguyên liệu được sản xuất bởi công nghệ nano. Sử dụng các marker sinh học đặc hiệu cho từng loại ung thư, gắn với dược chất phóng xạ phát ra tia gama để chẩn đoán và dược chất phóng xạ khác phát tia beta hoặc anpha để điều trị, theranostic được coi như là phương pháp điều trị ung thư đa mô thức thế hệ mới. Theranostic sử dụng dược chất phóng xạ phát tia beta hoặc anpha có độ đâm xuyên trong mô với bán kính 1mm, tạo ra hiệu ứng ‘’cross fire’’ giống như một thứ vũ khí hủy diệt đối với tế bào ung thư. Do vậy theranostic mang lại hiệu quả cao trong điều trị, kéo dài thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân.

  Hiện nay trên thế giới theranostic được ứng dụng phổ biến nhất trong chẩn đoán và điều trị ung thư thần kinh nội tiết (UTTKNT) và ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT). Thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine của Stroberg và cộng sự năm 2017 thấy rằng điều trị 177Lu-DOTA-Tyr3 Octreotate ở bệnh nhân ung thư thần kinh nội tiết (NET) cho tỷ lệ đáp ứng là 18 % trong khi đó tỷ lệ đáp ứng với điều trị thông thường chỉ là 3 %. Tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 20 tháng sau điều trị 177Lu-DOTA-Tyr3 Octreotate là 65,2% cao hơn rất nhiều so với 10,3% ở những bệnh nhân UTTKNT điều trị thông thường (hình 1). Điều trị ung thư tiền liệt tuyến kháng với các phương pháp điều trị truyền thống cũng đang là vấn đề nhức nhối đối với các bác sĩ ung thư. Thử nghiệm lâm sàng pha II của Hofman và cộng sự đăng trên The Lancet Oncology năm 2018 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến kháng điều trị có đáp ứng với 177Lu-PSMA-617 là 82% (hình 2).

 Khoa y học hạt nhân, bệnh viện TƯQĐ 108 là một trong những trung tâm ung thư lớn của cả nước. Để triển khai theranostic trong ung thư thần kinh nội tiết và ung thư tiền liệt tuyến trong tương lai gần, chúng tôi đã mời giáo sư Michael Hofman, một trong những chuyên gia hàng đầu về theranostic trên thế giới tới việc tại Việt Nam (Hình 4, 5). Buổi làm việc của giáo sư Hofman hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công trong trong hợp tác thực hành và nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Hình 1. Đáp ứng sau điều trị ung thư thần kinh nội tiết với 177Lu-DOTA-Tyr3.

 A: hình ảnh 68GaTate- PET/CT trước điều trị của bệnh nhân UTTKNT phát hiện thấy di căn gan đa ổ. B: sau điều trị hóa chất hình ảnh 68GaTate- PET/CT phát hiện thấy tổn thương di căn gan đa ổ tiến triển so với trước điều trị. C: sau đó bệnh nhân được điều trị 4 chu kỳ 177Lu-DOTA-Tyr3, tỷ lệ khối u giảm 95% so với ban đầu, trên hình ảnh 68GaTate- PET/CT không còn phát hiện thấy tổn thương di căn gan (hình ảnh thuộc bản quyền của trung tâm Ung Thư Petermac).

Hình 2. Đáp ứng điều trị 177Lu-PSMA-617 ở bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến kháng với điều trị hormone và hóa chất. A: hình ảnh 68Ga-PSMA-617 PET/CT trước điều trị của bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến di căn xương lan tỏa (bôi màu đỏ), PSA: 198 ng/ml. B: sau điều trị hình ảnh 68Ga-PSMA-617 PET/CT không còn tổn thương xương, PSA: 0,4 ng/ml, đáp ứng hoàn toàn sau điều trị. C: hình ảnh 68Ga-PSMA-617 PET/CT trước điều trị của bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến di căn hạch ổ bụng, trung thất và cổ (bôi màu đỏ), PSA: 94 ng/ml. D: sau điều trị hình ảnh 68Ga-PSMA-617 PET/CT cho thấy chỉ còn một vài hạch ổ bụng, PSA: 0,1 ng/ml, đáp ứng một phần sau điều trị (hình ảnh thuộc bản quyền của trung tâm Ung Thư Petermac).

Hình 3. Giáo sư Michael Hofman thuyết trình về theranostic tại bệnh viện TƯQĐ 108

Hình 4. Các bác sĩ y học hạt nhân, ung thư tham dự buổi thuyết trình về theranostic

Thực hiện: Mai Hồng Sơn, Lê Ngọc Hà, Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ