Theo dòng lịch sử Bệnh viện TWQĐ 108: Những sự kiện lịch sử tháng 8

  12:42 PM 03/08/2022

Ngày 24/8/1969:

Bác Hồ bị viêm phổi nặng, bác sĩ Nhữ Thế Bảo đã chủ trì cuộc họp Ban Điều trị chăm sóc sức khỏe cho Bác gồm các chuyên gia Trung Quốc, các bác sĩ của Viện Quân y 108 và một số giáo sư, bác sĩ của các bệnh viện dân y.

Giai đoạn trước đó, Viện Quân y 108 đã vinh dự được tham gia phục vụ bảo vệ sức khỏe Bác Hồ, nhất là những ngày Bác ốm nặng trước khi qua đời. Hàng ngày, hàng tuần Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Khánh - Viện trưởng (sau này là Trung tướng GS.TS.TTND) cùng bác sĩ Nhữ Thế Bảo - người trực tiếp bảo vệ sức khỏe Bác Hồ, đến khám sức khỏe cho Bác. Tham gia điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Bác còn có bác sĩ Đào Xuân Trà (Khoa Mắt), bác sĩ Nguyễn Xuân Bích (Khoa B6), dược sĩ Hàn Thị Nguyệt, các y tá: Ngô Thị Oanh, Trần Thị Quý, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Láng và các đồng chí thuộc các khoa Hóa nghiệm, Vi sinh vật, Sinh hóa cũng được động viên phục vụ những lúc cần. Song vì tuổi cao, bệnh trọng, mọi cố gắng của các giáo sư, bác sĩ đều không cứu được Bác. Sau khi Bác từ trần, thi hài của Người được đưa đến “Buồng đặc biệt” trong công trình 75A (nay là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bệnh viện). Công trình này đã được chuẩn bị, tổ chức từ trước để đoàn chuyên gia Liên Xô và các bác sĩ Việt Nam tiến hành các biện pháp kỹ thuật về y tế nhằm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác (để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền - Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý cùng các bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô học về bảo quản thi hài từ tháng 9 năm 1967 đến tháng 3 năm 1968. Sau khi về nước, các đồng chí Điều, Mẫn được điều động vào quân đội tham gia tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế Viện Quân y 108, do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng).

Tháng 8 năm 1981:

Bệnh viện tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật 5 năm (1976-1981); có 15 báo cáo được trình bày (trong số 129 báo cáo). Hội đồng quyết định khen thưởng cấp Viện các sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiêu biểu, trong số được khen thưởng có 38 về kỹ thuật chẩn đoán và điều trị, 18 về dược, 6 về hậu cần, 2 về hộ lý, 1 về quản lý.

Ngày 29/8/1985:

Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho Bệnh viện do đạt được thành tích xuất sắc trong 10 năm đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất (1975-1985), đặc biệt là nguồn cơ sở vật chất kỹ thuật và những bước tiến vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật đã tạo tiền đề quan trọng cho Bệnh viện bước vào thời kỳ mới - thời kỳ cùng quân và dân ta thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng.

Tháng 8/1985:

Bệnh viện tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ 4 chuyên đề về ung thư gồm 25 báo cáo và có 4 bác sĩ trẻ tham gia. Từ năm 1980 Bệnh viện đã tham gia những chương trình, đề tài cấp Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng và Nhà nước quản lý.

Các đề tài do Nhà nước quản lý có:

- Vi phẫu thuật của Giáo sư Nguyễn Huy Phan.

- Đề tài ảnh hưởng của Dioxin tới ung thư gan và ung thư phần mềm của Giáo sư Nguyễn Thế Khánh, Phó giáo sư Hà Văn Mạo.

Những chương trình do Bộ Quốc phòng quản lý có:

- Dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể thay thế van tim nhân tạo của Giáo sư Nguyễn Văn Thọ.

- Ứng dụng siêu âm trong chẩn đoán bệnh tim mạch, của bác sĩ Trần Thị Kim.

- Dự phòng và điều trị K gan bằng dầu gấc của Giáo sư Nguyễn Thế Khánh, Phó giáo sư Hà Văn Mạo, Phó giáo sư Đinh Ngọc Lâm.

- Viêm loét dạ dày tá tràng của Giáo sư Tạ Long, chương trình đã có 6 đề tài cả đề tài Almaca.

- Bảo đảm máu phục vụ chiến đấu của Phó giáo sư Trương Xuân Đàn.

- Ứng dụng Laser heliumnéon có công suất thấp vào điều trị của Phó tiến sĩ Trần Công Duyệt.

- Ghép thận của Giáo sư Trần Mạnh Chu (nhưng chưa thông qua chương trình).

- Chế tạo các phương tiện từ và sử dụng từ trường vào chữa bệnh của bác sĩ Dương Xuân Đạm.

- Điều trị sốt rét do Plalciparum kháng Chloroquin bằng viên Artémisinin chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng của Giáo sư Bùi Đại, Phó tiến sĩ Vũ Bằng Đình.

- Dịch tễ học nhiễm khuẩn màng não cầu trong quân đội, của Giáo sư Bùi Đại, Phó tiến sĩ Ngô Vi Hùng.

- Tăng nhiệt độ cục bộ bằng các sóng điện từ để điều trị các khối u lành và ác, của Phó giáo sư Phan Chúc Lâm.

- Tác dụng giảm đau và gây ngủ bằng kích thích da bởi dòng điện tần số thấp của Phó tiến sĩ Phan Chúc Lâm.

- Những đề tài do Tổng cục Hậu cần quản lý có:

- Bệnh xơ mỡ động mạch, của Giáo sư Nguyễn Thế Khánh, Phó giáo sư Phạm Tử Dương; chương trình này đã có 18 đề tài.

- Cấp cứu và điều trị nhồi máu cơ tim, của Giáo sư Nguyễn Thế Khánh.

- Bệnh cao huyết áp, của Phó giáo sư Phạm Tử Dương; chương trình này đã có 5 đề tài.

- Nghiên cứu 1 phương pháp tập luyện dưỡng sinh cho cán bộ cao tuổi, của Phó giáo sư Dương Xuân Đạm (đã đề nghị Bộ quản lý đề tài).

- Điều trị chứng Parkinson bằng kích thích tuyến thượng thận tiết técholamin trong máu và kích thích hệ thống điều hòa thân nhiệt tiết Dopamin trong não, của Phó giáo sư Phan Chúc Lâm.

- Điều trị vẩy nến bằng nước sắc hạt đậu miêu hoặc viên PS1 chiết xuất từ hạt đậu miêu, của bác sĩ Nguyễn Thái Điềm.

Tháng 8/1998:

Ban giám đốc Bệnh viện được kiện toàn các vị trí chủ chốt Đại tá TS Đinh Ngọc Duy được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện thay Đại tá.PGS.TS Vũ Bằng Đình; Thượng tá BS Nguyễn Quang Phúc được bổ nhiệm Phó Giám đốc chính trị Bệnh viện thay Đại tá BS Lê Thi - Phó Giám đốc chính trị, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện nghỉ hưu; tháng 8/1999, Đại tá TS Hoàng Minh Châu được bổ nhiệm Phó Giám đốc chuyên môn, thay PGS.TS Lê Xuân Thục chuyển sang làm chuyên viên và các đồng chí Phó Giám đốc chuyên môn khác là PGS.TS Nguyễn Bắc Hùng, TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu.

Ngày 9/8/2000:

Đảng và Nhà nước quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Khoa Hồi sức cấp cứu (nay là Trung tâm Hồi sức tích cực) do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ngày 28/8/2004:

Thường vụ Đảng ủy Bệnh viện ban hành Nghị quyết chuyên đề số 495/NQ-CĐ về lãnh đạo diễn tập thu dung, cấp cứu, điều trị người bị thương hàng loạt do thảm họa. Nghị quyết nêu rõ: Diễn tập là một trong những nội dung huấn luyện của Bệnh viện để rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhân viên thích ứng với công tác thu dung, cấp cứu, điều trị một số lượng lớn người bị tai nạn trong một thời gian nhất định, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu hàng loạt do thảm họa tại Bệnh viện và địa bàn đóng quân khi được giao.

Ngày 26/8/2005:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 120/QĐ-QP về biểu tổ chức biên chế Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong 5 năm (2005-2010), trong đó quyết định thành lập một số đơn vị trực thuộc Bệnh viện, gồm 5 Viện chuyên khoa sâu: Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Viện Lâm sàng Nhiệt đới, Viện Tim mạch, Viện Huyết học - Truyền máu; 2 trung tâm: Trung tâm Đột quỵ não, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và 2 phòng: Khoa học - công nghệ và môi trường, Tài chính.

Ngày 12/8/2009:

Thủ tướng Chính phủ quyết định thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với một số cán bộ cao cấp của Bệnh viện gồm: Đại tá Nguyễn Trọng Chính - Chính ủy (nay là Trung tướng GS.TS.TTND, nguyên Chính ủy Học viện Quân y); Đại tá Phạm Hoà Bình - Phó Giám đốc Ngoại khoa; Đại tá Lê Thu Hà - Phó Giám đốc Nội khoa.

Ngày 5/8/2013:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 2843/QĐ-BQP về việc giải thể Khoa Nội nhân dân và Khoa Ngoại nhân dân, kết thúc thời kỳ tách riêng khu điều trị cho nhân dân trong các bệnh viện quân đội.

Ngày 29/8/2013:

QUTW, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Thu Hà, Phó Giám đốc Nội khoa giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện. Đến ngày 26/8/2014, Chủ tịch Nước ban hành Quyết định số 1991/QĐ-CTN thăng quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng đối với đồng chí Lê Thu Hà và trở thành nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 26/8/2014:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm: Đại tá, PGS.TS Lâm Khánh, Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán hình ảnh giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện; Đại tá, PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện.

 

 

Chia sẻ