Thay khớp háng cho trường hợp tiêu cổ chỏm xương đùi do u tương bào: bài học kinh nghiệm

  05:04 PM 11/09/2020
U tương bào xương đơn độc (Plasmacytoma) là một khối u ác tính của tế bào dòng tương bào. Tổn thương chủ yếu ở các đốt sống, xương sườn hay khung chậu. Khoảng 50% các trường hợp tiến triển thành bệnh lý đa u tuỷ (Multiple myeloma) trong vòng 4 – 5 năm. Triệu chứng chính của bệnh là biểu hiện đau nhức xương, tính chất thường đau từng cơn trong thời gian ngắn tuỳ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Trên X-quang, hình ảnh u tương bào đơn độc thường biểu hiện bằng các ổ tổn thương xương khá thuần nhất, có ranh giới rõ ràng và thường không có phản ứng thành xương. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm miễn dịch huyết thanh, chụp X-quang xương, cộng hưởng từ, xạ hình xương, sinh thiết tuỷ xương và mô tổn thương. Phương pháp điều trị chính là hoá trị liệu. Điều trị bệnh lý xương vẫn còn là vấn đề khó khăn, thường là cắt lấy bỏ khối u và tăng cường bằng kết xương bên trong hoặc xem xét thay khớp trong một số trường hợp cụ thể.Sau đây chúng tôi giới thiệu ca bệnh:

Bệnh nhân nữ 53 tuổi, không có tiền sử chấn thương, đầu tháng 1 năm 2020 bệnh tự nhiên xuất hiện với triệu chứng đau vùng mông và háng bên trái, đau tăng dần khiến bệnh nhân đi lại ngày càng khó khăn và phải đi bằng xe lăn. Giữa tháng 4 năm 2020 bệnh nhân được điều trị nội khoa tại khoa A6 – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau hơn 10 ngày làm các xét nghiệm chẩn đoán và kết luận: U tương bào vùng cổ chỏm xương đùi trái.

Bệnh nhân được chuyển đến chúng tôi với cảm giác đau âm ỉ liên tục ở vùng khớp háng, thường xuyên đau ở vùng nếp bẹn, đau lan dọc theo mặt ngoài đùi cả khi không vận động. Khả năng đi lại khó khăn hơn ngày càng tăng. Bệnh nhân than phiền về tình trạng sưng nề nhiều ở phần trên của đùi, đi lại cảm giác căng, đau, hạn chế vận động khớp háng trái nhiều.

Thăm khám lâm sàng: Bệnh nhân có thể trạng gầy, cao 152 cm, nặng 44 kg, da và niêm mạc không nhợt, trạng thái tinh thần lo lắng. Da vùng khớp háng không tấy đỏ nhưng nề nhẹ, bề mặt da căng phẳng. Ấn phần mềm xung quanh vùng khớp thấy căng chắc và người bệnh có cảm giác đau tức liên tục, đau tăng lên khi ấn sâu. Đo ở vị trí dưới mấu chuyển lớn 5 cm thấy chu vi lớn hơn đùi bên phải 4 cm. Biên độ vận động khớp háng trái hạn chế nhiều. Trên phim chụp X-quang thấy rõ hình ảnh khối u cổ chỏm và liên mấu chuyển xương đùi, đã có phá huỷ cấu trúc vỏ xương cứng ở vùng cổ. Độ cản quang của tổ chức u tương tự như phần mềm, tương đối thuần nhất, ranh giới khá rõ (Hình 1,2,3).

Hình ảnh X-quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cho thấy độ cản quang của tổ chức u tương tự như phần mềm, tương đối thuần nhất, ranh giới khá rõ

Chẩn đoán của chúng tôi là: Tiêu cổ chỏm xương đùi trái do u tương bào.

Sau khi hội chẩn, kế hoạch điều trị của chúng tôi là sẽ phẫu thuật một thì bao gồm lấy bỏ tổ chức u làm chẩn đoán mô bệnh học và thay khớp háng hybrid ổ cối không xi măng, chuôi khớp cán dài có xi măng. Cuộc mổ tiến hành trong 80 phút. Phần khối u được gửi để làm chẩn đoán giải phẫu bệnh (Hình 4,5). Kết quả vẫn là u tương bào.

 

Hình 4,5. Hình ảnh chỏm xương đùi sau cắt cổ xương đùi, đại thể nhiều tổ chức u gây tiêu toàn bộ chỏm

 

Diễn biến sau mổ ổn định, không có sốt, sức khoẻ toàn trạng của bệnh nhân hồi phục nhanh. Vết mổ liền sẹo kỳ đầu, cắt chỉ sau mổ 14 ngày. Kiểm tra chức năng khớp háng sau mổ kết quả tốt. Hiện tại bệnh nhân không còn đau, khả năng đi lại vận động tốt.

Hình 6. Hình ảnh X – quang sau mổ thay khớp háng cán dài

Hình 7. Bệnh nhân phục hồi nhanh, tập vận động sớm sau phẫu thuật (ngày thứ 1)

U tương bào là u có khả năng tái cao. Chỉ định cắt bỏ triệt để toàn bộ đầu trên xương đùi và thay khớp háng cán dài là phù hợp. Khớp háng cán dài cho phép phục hồi chức phận của khớp háng, vừa bù đắp được khuyết hổng xương lớn. Tuy nhiên cần đánh giá những yếu tố nguy cơ trong mổ, thận trọng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động kiểm soát tình trạng mạch máu tăng sinh xung quanh khối u.

Vì đặc điểm u có nguy cơ tái phát, nhất thiết phải theo dõi chặt chẽ, bảo đảm định kỳ để phát hiện kịp thời khi có diễn biến bất thường.

Nguyễn Anh Tuấn, Mai Đắc Việt – Khoa Phẫu thuật khớp

Chia sẻ