Người Viện trưởng đầu tiên

  08:06 AM 20/08/2020
Ngày thứ tư, đúng hẹn, được Dược sĩ Nguyễn Trọng Châu phóng xe máy đưa tôi đến thăm Thủ trưởng cũ đã có một thời là Bác sĩ, Viện phó “Bệnh viện Thủy khẩu” trong chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950.

Tháng 4/1951 ông là Viện trưởng đầu tiên Viện Quân y 108 nổi tiếng của quân đội ta. Chúng tôi có cái may mắn được cùng công tác dưới quyền ông từ những ngày đó cho đến đầu năm 1955, cả hai chúng tôi đều được đi học dược sĩ và y sĩ. Năm 1965 gặp ông thật bất ngờ, đó là khi tôi về thực tập, thu thập tài liệu để làm luận án tốt nghiệp Đại học Y khoa ở Bệnh viện Saint Paul do ông làm Viện trưởng. Năm 2000, sau 35 năm gặp lại ông, tay bắt mặt mừng, vui thiệt là vui. Nay ông đã 80 tuổi, song còn khỏe, trí nhớ minh mẫn tuyệt vời. Chuyện trò sôi nổi, dí dỏm và hấp dẫn như xưa. Ông nhắc lại gần như khắp lượt số cán bộ nhân viên cũ thời ở Đồng Cang, Yên Trạch, thuộc tỉnh Thái Nguyên, thậm chí đến cả những đặc điểm cá tính của từng người. Một số thương binh, bệnh binh đặc biệt cách nay đã năm mươi năm ông cũng không quên. Chúng tôi ngồi cùng ôn lại, nào là chuyện máy bay địch thả bom đúng nhà tập thể nữ, may mà đang giờ làm việc nên chẳng ai việc gì, nào là chuyện sơ tán thương binh, bệnh binh nặng vào sâu mãi trong rừng để phòng tránh kế hoạch Nava, rồi chuyện những ngày tháng cơm độn toàn ngô khoai sắn mà mỗi bữa cũng chỉ được hai bát vơi vơi, còn thức ăn chỉ có rau rừng, măng tươi, cá khô, ruốc mắm, thi thoảng mới có tí thịt thì anh chị nuôi lại thái rất mỏng, gió có thể thổi bay. Được cái tất cả những thức ăn hổ lốn đó đều được đựng chung vào một cái máng xinh xinh tự tạo bằng ống bương, ống nứa chia theo khẩu phần nên rất hợp vệ sinh. Đều là những người trong cuộc mà nghe nhắc lại vẫn thấy hay, thấy thích, hấp dẫn lạ thường cứ y như những chuyện vừa mới xảy ra vậy

Chúng tôi không những phục ông vì đức độ, trọng ông vì tài, mà còn rất quý mến ông vì ông giản dị, thẳng thắn,
trung thực và rất quần chúng. Ông coi chúng tôi như những người em thực sự của mình. Phải nói rằng những năm đầu thời chống Pháp, số bác sĩ y khoa thật hiếm, nhất là bác sĩ mổ xẻ được thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, cứ chỗ nào khó khăn gay go nhất là Cục Quân y lại cử ông đi. Chiến dịch biên giới năm 1950, chiến dịch Hòa Bình thu đông năm1952 - 1953, điều trị đột kích các vết thương mạn tính ở các bệnh viện thuộc quân khu 4, chiến dịch Trung Lào chia lửa với chiến dịch Điện Biên lịch sử ông đều có mặt.

Trong lúc chờ ông ra ngoài gặp người hàng xóm có việc, ông Châu cho biết: cách đây khoảng vài tháng em gái ông ở Mỹ về thăm. Bà em cứ tưởng ông anh mình đã từng là giám đốc Sở Y tế Hà Nội, rồi lại làm phó Vụ trưởng Vụ Điều trị dự phòng của Bộ Y tế thì chắc là giàu lắm. Chí ít cũng phải có nhà lầu, xe hơi riêng. Ai ngờ khi đến thăm, mới thấy ông anh mình nghèo quá. Tuy cũng ở nhà lầu,
song chỉ là một căn hộ tập thể có hai buồng thì một buồng đã dành riêng cho vợ chồng đứa con trai và đứa cháu nội.
Một buồng vừa là chỗ tiếp khách, vừa là chỗ ngủ, để xe đạp của ông. Căn hộ này nằm chung trong tòa nhà bốn tầng xây theo kiểu chuồng chim thời bao cấp ít ra cũng có tuổi đời trên dưới 40 năm. Đồ đạc trong nhà thì toàn những thứ đáng đưa vào nhà bảo tàng đồ cổ từ lâu rồi mới
phải. Duy nhất có cái giá sách cao xếp đầy những cuốn sách Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh dày cộp mà bà cho là vô giá mà thôi. Khi chia tay, bà ngỏ ý muốn biếu ông một số tiền để làm nhà. Ông bảo: Anh cần gì những thứ đó. Về Mỹ, cô chỉ gửi cho anh một tấm ảnh chụp toàn cảnh bức tường ghi danh sách những quân nhân Mỹ tử trận và mất tích ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ là quý nhất.

Vừa nhâm nhi cốc nước mát tôi vừa hỏi:

- Thủ trưởng từ ngày về hưu có làm gì thêm không ạ?

- Thủ gì? Thủ lợn, thủ trâu hay thủ bò? Chúng mày cứ gọi tao là Bảo, anh Bảo đen như ngày xưa ấy là được. Còn bây giờ tao làm bảo vệ!

Sợ tôi nghe nhầm, ông nhắc lại: Làm bảo vệ ở trường tiểu học Lê Ngọc Hân!

- Anh làm bảo vệ? Tôi hỏi lại.

- Chứ sao! Hàng ngày tao đưa đón cháu hai lượt đến trường. Khi người bảo vệ có việc đi đâu đó nhờ tao coi giúp. Lâu ngày, khách khứa tới trường và ngay cả các thầy cô giáo trẻ (trừ ban giám hiệu) cũng cứ tưởng nhà trường vừa tuyển thêm ông bảo vệ mới.

 Do vui vẻ, dễ tính lại có tài kể chuyện khôi hài, dí dỏm, vẽ đẹp, hát hay (tất nhiên là với giọng của một ông già trên
tám mươi tuổi) nhạc giỏi, nên các cháu học sinh rất quý ông bảo vệ mới. Giờ ra chơi các cháu xúm lại nghe ông kể chuyện hoặc xem ông vẽ. Chỉ vài nét là có ngay bức chân dung một cô bé hoặc một chú bé rất ngộ nghĩnh đáng yêu. Ông còn dạy các cháu hát do ông sáng tác về các cháu và trường Lê Ngọc Hân nên được cả các thầy cô đều quý mến.

- Ông ơi ông! Trước đây ông làm gì hả ông? - Một cháu gái hỏi.

- Đồ dùng của ông là cái cưa, cái đục, cái búa, cái khoan. Thế thì cháu bảo ông làm nghề gì nào?

- Ông phó mộc! - Một cháu trai đứng bên cạnh nhanh nhảu trả lời - đúng không ông?

- Thế thì ông đóng bàn, đóng ghế giỏi lắm ông nhỉ? - Lại một cháu khác hỏi.

- Ông làm thợ đục xương, gắn xương thôi! - Ông trả lời vui vẻ.

Trong nghề y người ta thường gọi đùa những ông bác sĩ chấn thương là ông phó mộc, còn những ông bác sĩ ngoại khoa chung là ông thợ may.

Tất cả các hộp các tông màu mè xanh, đỏ đựng bánh kẹo của cháu ông sau khi đã ăn hết, ông đều giữ lại làm thành các thứ đồ chơi rất đẹp cho đứa cháu yêu của ông và cả các bạn bè của nó mà không mất một xu nào. Mỗi lần thấy giở dao, kéo, bút chì, thước kẻ, hồ dán và chồng bìa các tông đủ màu sắc là thằng cháu nội ngồi chồm hổm bên cạnh ông lại giục:

- Ông làm cho cháu thật nhiều vào nhé!

- Thế cháu thích ông làm những thứ gì nào?

- Súng, xe tăng, tên lửa ông ạ!

- Những thứ đó bây giờ lạc hậu rồi.
Ông làm thứ khác nhé, nhưng phải đừng nghịch thì mới chóng có đồ chơi mà chơi cháu ạ.

Đấy là chuyện ông bảo vệ ở trường Lê Ngọc Hân…

Còn ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, nơi ông cư trú thì ông lại là người “thầy thuốc nhân dân” đích thực. Ông hướng dẫn cho các ông già, bà cả (phần lớn là các cán bộ công nhân viên nhà nước nghỉ hưu) cách giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh theo mùa, cách ăn uống và tập luyện,
dưỡng sinh. Ai ốm đau nhờ thì ông khám bệnh kê đơn thuốc hoặc khuyên nên đi viện hay chữa chạy tại nhà. Nếu bệnh nhẹ chữa được thì ông bấm huyệt, day, nắn hoặc dùng mẹo…có khi chỉ là một cái tát nảy đom đóm mắt hoặc một cái lắc tưởng như gảy cổ. Thế mà chỉ sau đó
có ít phút bệnh đỡ liền và khỏi hẳn. Ai gửi tiền bồi dưỡng thì ông thừ chối khéo,mà rằng: Nhà nước đã bồi dưỡng đủ cho tới khi tôi đi nghỉ dài hạn ở Câu lạc bộ Hội Nhà văn rồi (ý nói là nghĩa trang Văn Điển).Có lần một ông y tá già quen ông từ thuở còn ở Thành Nam lên chơi. Ông hỏi
thăm bà hàng xóm là nhà Bảo đen ở đâu? Khi biết là ông đi vắng, ông khách dặn: Nếu anh ấy về bà nói giúp là có ông X đến thăm. Khi ông về bà hàng xóm nói lại, ông vui vẻ bảo: Đó là thủ trưởng cũ đến thăm tôi đấy. Bà hàng xóm ớ ra. Hèn chi mà ông ấy hách thế! Về hưu rồi mà
còn vậy, chắc khi ông ấy đang chức đang quyền thì khối đứa chết!

Chính cách đối đáp và ứng xử mau lẹ khôi hài và dí dỏm như vậy mà cách đây hơn 50 năm ông đã cưa đổ một hoa khôi của lớp Dược tá trưởng, xuân xanh mới độ mười chín đôi mươi…

…Buổi lên lớp về dụng cụ mổ xẻ hôm nay do Bác sĩ Trần Bảo, Viện trưởng Viện Quân y 108 trực tiếp giảng dạy. Tôi xin trân trọng giới thiệu với các đồng chí!”. Sau lời giới thiệu của đồng chí Hiệu trưởng Nhà trường. Bác sĩ Bảo vốn là một phẫu thuật viên nên nắm rất chắc tên gọi từng dụng cụ, tính năng tác dụng, cách tiệt trùng, cách bảo quản của từng thứ, từng loại bày la liệt ở trên bàn. Đến cái mỏ vịt, ông giơ cao lên và hỏi: Các đồng chí nhìn xem nó giống cái gì? Có phải nó giống cái mỏ của con vịt, đúng không nào? vì thế người đời mới gọi nôm na là cái “Mỏ

vịt”! Tác dụng của nó dùng để làm gì? chính là thứ dùng để “ chiêm ngưỡng nơi chôn rau cắt rốn của loài người”. Cả lớp cười ồ lên. Phái nữ thì đỏ mặt. Tay cô nọ cứ đấm vào lưng cô kia thùm thụp.Sau khi lớp học kết thúc được vài tháng thì đám cưới của cặp uyên ương đó được tổ chức trọng thể theo nghi thức thời chiến tại hội trường Viện Quân y 108. Viện đã dựng một ngôi nhà nhỏ xinh xinh
ở lưng chừng một quả đồi đầy thơ mộng chở che hai trái tim vàng. Một anh chàng nào đó đã làm mấy câu thơ để tặng:

Ba gian nhà nhỏ giữa lưng đồi
Dưới ánh trăng vàng mộng lứa đôi
Anh Bảo vừa tài vừa hóm hỉnh
Chị Hằng đẹp nết lại xinh người…

Cô hoa khôi Ngô Thị Bích Hằng ngày ấy, bây giờ đã là cán bộ cao cấp của quân đội. Bà nghỉ hưu cùng ông chăm sóc những đứa cháu yêu quý của mình. Cả con trai và con dâu bà hiện nay đều là cán bộ chủ chốt của Quân y Viện Trung ương 108 nổi tiếng của quân đội ta. Người già thường hay nhớ chuyện cũ. Thời kinh tế thị trường khác rất xa với thời bao cấp hồi chống Pháp và chống Mỹ. Song, dù có thay đổi đến đâu chăng nữa tôi vẫn có thể đoán chắc với quý bạn rằng: Ông Trần Bảo và bà Bích Hằng thì không bao giờ có thể quên “cái chuyện tình“ thời xuân rực rỡ tràn đầy hạnh phúc ấy ở Đồng Càng, Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên hơn năm mươi năm về trước…

Sẽ không trọn vẹn khi viết về người Viện trưởng đầu tiên của Quân y viện 108 mà lại quên mất một chi tiết khá quan trọng mang tính lịch sử của viện về một giai thoại khá đặc biệt, rất vui nhưng cũng không kém phần day dứt với ông. Số là từ sau khi Cục Quân y mở các lớp đoản kỳ để bồi dưỡng về công tác tổ chức quản lý quân y cho các cán bộ chủ chốt trong ngành vào nề nếp. Các bệnh viện cố định đều gọi là phân viện, được đánh số thứ tự từ Phân viện 1 đến Phân viện 9. Đồng thời lúc này Cục cũng thành lập các bệnh viện lưu động với biên chế tổ chức, trang thiết bị máy móc dụng cụ ít hơn, cũng được đánh số thứ tự gọi tắt là ĐT 1, ĐT 2 đến ĐT 10, 11, 12…

Lúc này địch đã oanh tạc vào một vài cơ sở quân y, quân dược. Vì lo máy bay “bà già” nó lần theo thứ tự này để tìm đánh phá thì có ngày hết sạch các bệnh viện. Cũng phải nói thêm rằng lúc này bọn Việt gian thường trà trộn giả dạng là người đi mua lông gà lông vịt, bán kẹo kéo, bán thuốc ê, đồng bào đi tản cư, v.v… len lỏi vào các vùng rừng núi, làng bản hẻo lánh để phát hiện các cơ quan nhà nước hoặc các đơn vị bộ đội đóng quân rồi dung gương soi phản chiếu ánh sáng chỉ điểm cho máy bay đến đánh phá thả bom.

Chính Phân viện 8 cũng bị đánh bom cuối thu năm 1952. Do đó ông Trần Bảo đã tự động quyết định cộng “100” vào, thành Viện Quân y 108. Sau khi đổi tên được ba tháng thì cục Quân Y cho cán bộ xuống kiểm điểm ông khá “gay gắt” và yêu cầu phải gọi trở lại tên cũ. Song, các Tổng cục, các Đại đoàn (lúc này chưa gọi là Sư đoàn) trong các công văn gửi về Cục Quân y đều gọi là Viện Quân y 108. Thành ra mặc nhiên tên đó không bỏ đi được nữa. Cũng chưa hết, hòa bình năm 1954 lập lại, các Phân viện đều được đổi tên thành Quân y viện trùng tên, xảy ra nhiều rắc rối do” râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cụ thể là có hai Quân y viện 5. Một Quân y viện 5 đóng ở Ninh Bình, một Quân y viện 5 đóng ở Sơn Tây. Dụng cụ máy móc, tiền bạc, sổ sách chuyên môn… theo tiêu chuẩn của Quân y viện 5 Ninh Bình thì Cục Quân y lại gửi cho Quân Y viện 5 Sơn Tây, ngược lại Quân y viện 5 Sơn Tây làm sai thì Cục lại gửi công văn phê bình Quân y viện Ninh Bình… Để
chấm đứt tình trạng “ kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Tên các Quân Y viện thuộc cục Quân y đều được cộng thêm “100” do ông đề xuất trước đó thì sau này được “ thực hiện
có tổ chức” và cũng từ đó trên miền Bắc có các Quân y Viện 103, 105, 108, 109, và 110, 121, 175 tồn tại cho đến ngày nay./.

Tác giả: Đại tá Bs Tạ Lưu

Nguyên Y tá trưởng, Tổng khoa Ngoại, Viện Quân Y 108

Chia sẻ