Một số điều cần biết về phẫu thuật trồng lại chi thể bị đứt rời

  03:46 PM 27/07/2015
Để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt được chức năng thì yêu cầu của cuộc phẫu thuật là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: kết xương, khâu nối gân cơ, và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh.

Trước kia một số cơ sở y tế cũng có thông báo trồng lại được cánh tay và cẳng tay bị đứt rời là những vị trí có mạch máu lớn có thể khâu nối bằng phương pháp thông thường, chi có thể sống được nhưng khả năng phục hồi về chức năng còn hạn chế do không khâu nối chính xác được các bó sợi thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu.
Tại Bệnh viện TƯQĐ 108 nhờ ứng dụng kỹ thuật vi phẫu, dưới kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần, cùng với các trang thiết bị chuyên dụng và đội ngũ phẫu thuật viên vi phẫu chuyên nghiệp cho phép khâu nối được các mạch máu có đường kính trên dưới 1mm và khâu nối chính xác được các bó sợi thần kinh. Do vậy, có thể trồng lại được các trường hợp bị đứt rời ở vị trí bàn tay và các ngón tay với tỷ lệ thành công rất cao và chức năng của chi thể sau nối được phục hồi tốt.
Để đạt được kết quả đó, một số điểm cần biết như sau:
- Bảo quản phần chi bị đứt rời: Tốt nhất được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4° - 5°C, để kéo dài được thời gian sống của tế bào. Cách bảo quản như sau: rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước máy sau đó bọc trong một, hai lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi nylon, thổi phồng, buộc kín và cho vào trong xô nước đá. Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh.
- Thời gian tối đa của chi bị đứt rời còn có thể cứu sống được (là thời gian kể từ khi chi bị đứt rời cho đển khi phần chi được cấp máu – không phải là thời gian từ khi bị thương đến khi đến bệnh viện): Thời gian này phụ thuộc nhiều vào vị trí bị đứt và cách bảo quản. Nếu chi thể được bảo quản tốt, theo nhiều nghiên cứu: đối với cánh tay là 14 đến 15 giờ, đối với bàn tay là 15 đến 20 giờ, đối với ngón tay có thể lên tới 24 đến 48 giờ, thậm chí đã có trường hợp khâu nối thành công những ngón tay bị đứt rời được bảo quản tốt sau 92 giờ.
- Phẫu thuật trồng lại: Phục hồi lại tất cả các thành phần bị đứt theo thứ tự là: kết hợp xương, khâu nối gân- cơ, khâu nối mạch máu (cả động mạch và tĩnh mạch), thần kinh, khâu da.
- Thời gian phẫu thuật: Phụ thuộc nhiều vào vị trí và tính chất của tổn thương (sắc gọn hay dập nát) và số lượng chi bị đứt mà thời gian của cuộc phẫu thuật dài hay ngắn. Thông thường để trồng lại 1 chi thể bị đứt rời thì ít nhất cũng phải mất 5- 6 giờ. Trường hợp bị đứt nhiều ngón (nhiều chi thể) thì thời gian tăng lên theo số lượng chi bị đứt.

- Sau mổ:

+ Trong thời gian nằm viện: Chi thể được bất động bằng nẹp bột, sưởi ấm và dùng thuốc. Ngoài các thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, bệnh nhân còn được dùng thêm các thuốc chống tắc mạch, đặc biệt là đối với các trường hợp nối các mạch máu nhỏ ở như ở bàn tay, ngón tay. Thuốc thường dùng là: Dextran trọng lượng phân tử thấp, Lovenox, Persantin, Aspirin…
+ Sau khi ra viện: Thời gian giữ cố định và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng theo chỉ định của thầy thuốc. Ngoài ra, dùng thêm các thuốc nhằm tăng cường dẫn truyền thần kinh như: Nivalin, Methylcoban, Vitamin nhóm B…Khám lại định kỳ theo hẹn 6 đến 8 tuần/lần để có hướng dẫn tập luyện và phát hiện kịp thời các biến chứng cần can thiệp sửa chữa bổ sung nếu có.

Dưới đây là một số hình ảnh các bệnh nhân đã được trồng lại chi thể đứt rời tại Viện Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện TƯQĐ 108: (ảnh trước mổ và sau mổ)

Từ năm 1994 đến năm 2014, tại Bệnh viện TƯQĐ 108, chúng tôi đã trồng nối được trên 1000 chi thể bị đứt rời, ở các vị trí và do các nguyên nhân khác nhau. Tỷ lệ chi sống sau mổ đạt trên 90%. Khả năng phục hồi tốt chức năng sau mổ đạt trên 80%.

 
PGS.TS. Lê Văn Đoàn
Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện TWQĐ 108.

 

Chia sẻ