Lan tỏa phong trào “Cho đi là còn mãi”

  10:41 AM 04/11/2019
Câu chuyện của bé Nguyễn Hải An (8 tuổi) ở TP Hà Nội hiến giác mạc để giúp 2 người tìm thấy ánh sáng, rồi đến câu chuyện của Thiếu tá Lê Hải Ninh (Ninh Bình), người lính hiến tạng để cứu 6 người đều khiến mọi người rất cảm động về nghĩa cử cao đẹp này...

Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Đối với thân nhân của họ, dù nỗi nhớ thương da diết, nỗi đau quặn thắt về sự mất mát, nhưng điều hạnh phúc và niềm tự hào nhất với họ là người thân của mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép. Sự hồi sinh của những cuộc đời bằng nghĩa cử đầy nhân văn, cao đẹp thật đáng trân trọng.

          Chia sẻ với chúng tôi, với chị Tạ Thị Kiều (người vợ của Thiếu tá Lê Hải Ninh, người đã hiến tạng để cứu 6 người) “ Nhiều ngày túc trực, chăm sóc chồng bị bạo bệnh, chị Kiều không ngừng mong mỏi chồng tai qua nạn khỏi. Đến khi biết chồng không qua khỏi, chị Kiều lại không ngừng tự tranh đấu với bản thân. Chị vừa mong anh ra đi thanh thản, nhưng lại muốn anh cứu sống nhiều người khác. “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai. Em không biết anh có giận em hay không, em muốn anh cứu được nhiều người khác. Em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở, đôi mắt vẫn sáng để dõi theo mẹ con em”, chị nghĩ lại những lời từ biệt của mình với anh.

          Rồi một lần nữa thật bình dị chị nói với tôi “Cho đi là còn mãi và nếu thật sự mà ghép được cho ai đó thì đâu đó anh nhà chị vẫn còn trên thế giới này để được thấy sự trưởng thành của các con em ạ”, tiếng khóc nấc nghẹn lẫn trong lời kể của chị Kiều.

Các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 tiến hành ghép tạng cho bệnh nhân

          …Và 6 người đã được cứu sống một cách kỳ diệu!  “Món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời này với nhiều ước nguyện được gửi gắm” từ sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh, của chị Kiều, của gia đình thiếu tá Ninh đã tạo nên “kỳ tích” cho y học Việt Nam.

          Giờ đây, quả thận của thiếu tá Ninh, vẫn đang hiện hữu trên cơ thể của đồng đội của mình Trung tá N.M.T, anh T được ghép tạng vào 2/2018 do bị suy thận mãn. Anh bị bệnh lâu năm khi đó may mắn được nhận tạng từ người hiến, anh cho đó là một món quà vô giá, một niềm hạnh phúc và may mắn đến với bản thân cũng như toàn thể gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Lúc đó anh T thấy như được ban tặng nguồn sinh lực mới để có động lực tiếp tục cho công việc phục vụ cộng đồng và xã hội cũng như cho gia đình.

          Hiện tại sức khoẻ anh T ổn định. Đảm nhiệm công việc hàng ngày tốt. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì nghiêm túc việc điều trị thuốc và chế độ ăn uống luyện tập nghỉ ngơi theo chỉ lệnh của chuyên môn để duy trì cho tạng ghép hoà nhập và hoạt động tốt.

          Trước đó, năm 2018, người dân ở khắp nơi trong cả nước đều không khỏi xúc động và cảm phục về câu chuyện của bé Nguyễn Hải An (8 tuổi) ở TP Hà Nội đã hiến tặng giác mạc của mình do không thể qua khỏi căn bệnh ung thư. Hành động đó đã giúp người khác có cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Đã có nhiều người chia sẻ mong muốn cũng được hiến tạng giống Hải An để có thể trao cơ hội được sống, được nhìn thấy ánh sáng cho những người không may gặp phải căn bệnh hiểm nghèo

          Tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Một số người thân của họ  còn lo lắng về tâm linh khi ra đi không trọn vẹn thân thể, một số mặc cảm và sợ mang tiếng. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.  Để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này. 

          Trong thời gian qua, tuy số người tự nguyện hiến tạng đã tăng nhưng vẫn ít so với nhu cầu thực tế. Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 nghìn người suy tạng (gan, thận) cần ghép; khoảng 300 nghìn người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế. Trong khi đó, cả nước đã có 18 trung tâm ghép tạng và trình độ ghép tạng ở nước ta được đánh giá ngang tầm với các trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Các bác sĩ tại một số Bệnh viện như: Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy,…đã thực hiện thành công việc ghép gan, tim, phổi, thận, tụy. Ðiều khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng để ghép, rất nhiều người bệnh đang phải đấu tranh duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi từng phút để được ghép. 

          Tại một số bệnh viện lớn, trung bình một ngày có hai đến bốn người bệnh bị chết não, thậm chí có ngày nhiều hơn vì chấn thương sọ não và đột quỵ, nhưng rất ít trường hợp tự nguyện hiến được mô, tạng. Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ cần 1% trong số người chết đó đăng ký hiến tạng thì có thể cứu sống được hàng ngàn người khác. Bởi 1 người chết não có thể hiến được toàn bộ nội tạng và có thể cứu được 8 người khác. Trên thế giới, có đến 90% số tạng được lấy từ người chết não, còn ở Việt Nam thì ngược lại - có đến 90% tạng được lấy từ người hiến sống. Vì khi một người chết não mà hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác Do vậy, việc vận động hiến tạng từ người cho chết não là một công việc vô cùng quan trọng.

          Trung tâm điều phối quốc gia về ghép mô Bộ phận cơ thể người đã có nhiều chương trình tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng nguồn hiến mô, tạng, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng,  mỗi người nhận thức được rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh Khi một người mất đi với ý định hiến tặng mô, tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương của mọi người. Câu chuyện hiến tạng của bé Nguyễn Hải An hay Thiếu tá Lê Hải Ninh sẽ là tấm gương để nhiều người học tập.

          Một mùa xuân mới nữa lại sắp về, cây lá đâm chồi nảy lộc. Những người hiến tạng đã ra đi, nhưng trái tim của họ vẫn đập, lá phổi vẫn thở, thận vẫn hoạt động, hai giác mạc của họ ngày ngày vẫn ngắm nhìn cuộc sống. Sự sống của họ đang hiện hữu trong những con người khác. Họ hiến tạng là làm cho những cuộc đời khác được “hồi sinh”.

          Đăng ký hiến tạng tại: Ban vận động hiến tạng

          Bệnh viện TWQĐ 108 – Số 1, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, HN

          Sđt liên hệ: 1900986869

Chia sẻ