Kỷ niệm những ngày ở Bệnh viện Trung ương Yên Trạch

  02:17 PM 10/09/2020
Bác sĩ Phạm Gia Lăng giới thiệu tôi vào lớp học đoản kỳ hành chính lãnh đạo (lớp học ngắn ngày), nằm trên các đồi cọ thuộc Đồng Càng xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Lớp học gồm có các bác sỹ, dược sỹ, sinh viên y khoa, y sỹ, y tá trưởng kể cả y tá chọn lọc ở các đơn vị từ liên khu 4 trở ra do Cục trưởng Cục quân y Vũ Văn Cẩn chủ trì, có các cố vấn quân y Trung Quốc hướng dẫn. Lớp học chỉ còn 10 ngày nữa là bế mạc, Cục trưởng giới thiệu tôi về Phân viện 108 công tác chờ đợi các lớp sẽ mở sau. Tôi tìm hiểu được biết đây là một lớp học đặc biệt, chỉ 3 tháng thế mà có y tá, y tá trưởng học xong về làm nhiệm vụ quân y sĩ, trưởng ban quân y trung đoàn. Được học về tổ chức chiến thuật quân y, về quan điểm phục vụ thương binh bệnh binh, phục vụ bộ đội…Khi về Phân viện 108, Bác sỹ viện trưởng Trần Văn Bảo giao nhiệm vụ cho tôi làm hộ sỹ trưởng khoa nội. Đa số cán bộ nhân viên ở đây phục vụ thương binh bệnh binh chiến dịch biên giới từ bệnh viện Thủy Khẩu bên Trung Quốc về, bác sỹ Bảo, y sĩ Tự, Châu, Quang, Thụ, Chước…, y tá Hoàng, Thúy Nga, Thúy Liên, Tạ Lưu, dược sỹ Nguyễn Trọng Châu…(năm 1995 chúng tôi tập hợp lại được 20 người, có bác sỹ Trần Bảo đã gần 90 tuổi, lập ban liên lạc Phân viện 108 Yên Trạch gặp nhau hàng năm).

Bệnh viện có 1 khoa nội 30 - 40 giường,1 khoa ngoại 50 - 60 giường, 1 phòng mổ,1 ban dược có dược tá trưởng Nguyễn Thị Hằng, 1 hóa nghiệm viên tên là Cổn (lần đầu tiên có mặt trong bệnh viện), 1 ban cung cấp. Đồng chí Vũ Trọng Kính làm trưởng ban điều trị đang còn theo học bác sỹ, học xong anh Kính đi làm đội trưởng đội điều trị 2 mới thành lập. Có y tá trưởng Nguyễn Trọng Hiếu cùng quê Quảng Trị, cùng ở quân y trung đoàn 95, nay còn sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện triển khai tổ chức thực hiện các chế độ chuyên môn dựa theo sự hướng dẫn của các cố vấn Trung Quốc. Chức danh y tá hộ lý cho thương binh, cho uống thuốc, tiêm thuốc, thay băng, cho ăn cơm, bưng bô đổ vịt, nâng giấc thương binh…Không có người công vụ như trước đây, người hộ sỹ phải làm tất cả mọi việc, ngoài ra còn có phụ hộ sỹ (cứu thương). Bệnh viện được bổ sung dần thêm y sỹ, y tá nhân viên. Mỗi ban có 2-3 y sinh do các sinh viên lớp quân y sỹ khóa 1, khóa 2. Y sinh Dương Thụ làm trưởng ban nội. Tôi làm hộ sỹ trưởng ban hậu cần trang bị thuốc men, có thêm một tổ phẫu thuật của Đảng Cộng sản Nhật gửi sang giúp quân y Trung Quốc. Bệnh viện nằm sâu Thủy Khẩu nằm sát biên giới Việt Trung. Ta thực hiện các chế độ chuyên môn gần giống như một Bệnh viện quân giải phóng Trung Quốc. Nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc, trên các đồi cọ xung quanh là những làng bản người Tày. Cuộc sống hòa bình không có bom đạn, tối ngủ yên giấc, ăn uống đầy đủ hơn ở Bình Trị Thiên, thỉnh thoảng có thịt có trứng, có canh rau cải su hào, có cà chua, bắp cải, những thứ rau củ này ở Quảng Trị không trồng được. Canh đựng trong ống bương không có bát, âu, xoong. Cơm cho bệnh nhân, nhà bếp mang đến buồng bệnh, hộ sỹ nhận chia từng suất để bàn, mời bệnh nhân đến ăn, chỉ mang cơm đến cho bệnh nhân nặng. Lần đầu tiên tại đây tôi được ăn món canh cà chua nấu trứng. Đơn vị phát động và giao chỉ tiêu sản xuất rau hàng năm cho các ban, nếu thừa tiêu chuẩn, nhà bếp trả tiền theo giá đi mua. Tôi thấy ngoài này có chế độ cung cấp, có phụ cấp tháng, có quân trang đầy đủ hơn so với Bình Trị Thiên quá gian khổ, cơm không đủ ăn kể cả khoai sắn. Tôi được xếp cấp bậc trung đội trưởng, hưởng chế độ phụ cấp và quân trang như trung đội trưởng. Lúc ở Bình Trị Thiên ra tôi chỉ mang giấy giới thiệu là y tá trưởng ban quản trị hành chính quân y Mặt trận Bình Trị Thiên, quân y viện K42, không ghi cấp bậc tương đương cán bộ đại đội như tôi đã được hưởng. Tôi suy nghĩ rằng cấp bậc chưa quan trọng đối với tôi, muốn thế tôi đã tìm cách chuyển thành cán bộ quân sự chính trị rồi, các bạn cùng lứa với tôi nay kém nhất đã là đại đội trưởng, chính trị viên. Tôi được giao chức vụ chuyên môn là hộ sỹ trưởng, tôi chưa học qua một lớp y tá trưởng mà đã được giao. Tôi thấy Cục, đơn vị quan tâm đến tôi, tôi phải phấn đấu học tập và làm tròn chức trách mới. Chi bộ được thành lập, tôi được quyết định của Đảng ủy Cục quân y tham gia vào cấp ủy chi bộ, 5 chi ủy viên (có 3 nhân viên, 2 TBBB) tham gia với sự lãnh đạo của chi bộ. Số đông cán bộ nhân viên chưa là đảng viên, chỉ có bác sỹ Trần Bảo, hộ sỹ trưởng Nguyễn Soát Nguyễn Trọng Hiếu, tôi, 2 đồng chí ở ban cung cấp, trên 10 thương binh bệnh binh. Tôi tự xác định phải làm tròn chức trách nhiệm vụ, tranh thủ học tập chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu các chế độ công tác của bệnh viện, mượn các tài liệu của Viện, của các bạn để tự học. Trong khi thực hiện các chế độ chuyên môn, điều trị nào không rõ, tôi trực tiếp hỏi anh Bảo. Khó khăn nhất là lãnh đạo anh chị em trong ban thực hiện các chế độ chuyên môn. Buổi sáng giao ban chuyên môn đã nhắc nhở nhưng có đồng chí không thực hiện, chậm khắc phục những thói quen cũ như vào buồng bệnh không mang bịt miệng, đội mũ trắng không trùm kín hết tóc, ngại bưng bô đổ vịt…phải giáo dục và đấu tranh xây dựng thành các thói quen mới, nhưng không để chị em tự ái. Mặc dù trong giao ban hàng ngày, thấy gì thiếu sót nhắc nhở nhưng cô Thược, cô Nhữ hay có phản ứng (nay ở trong ban liên lạc mà tôi là trưởng ban). Tôi làm mọi việc, lúc xuống buồng bệnh, trực tiếp chăm sóc một bệnh nhân bị lao, cùng vào rừng chặt nứa về sửa chữa buồng bệnh, lấy củi nứa, lấy măng về nộp cho nhà bếp, trồng rau nộp đủ chỉ tiêu quy định hàng năm. Chúng tôi còn tự sản xuất thêm, bán cho nhà bếp lấy tiền mua các thứ lặt vặt. Những bệnh nhân nặng, đặc biệt với một số cán bộ tôi trực tiếp chăm sóc, trong số này, có anh Điệt quê ở Thừa Thiên, cán bộ Cục chính trị đi học trường Đảng ở Trung Quốc về, bị ốm nằm viện, tôi mượn tài liệu mà anh ghi chép.

Tôi say sưa tìm đọc ghi chép lại phần kinh nghiệm công tác chi bộ, công tác quần chúng của Đảng, đạo đức cách mạng, bài nói của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ trong một buổi nói chuyện với cán bộ Đảng… Có những chủ nhật rỗi rãi, tôi cùng một số anh em rủ nhau vào bản làng thăm, tìm hiểu phong tục tập quán, công việc làm ăn sinh sống của đồng bào, báo cho đồng bào biết nếu có ai ốm đau, cứ tìm đến phòng khám bệnh nhờ khám và xin thuốc. Có hôm đi sâu vào rừng hái dâu da, bưởi khế mang về cho anh em ăn. Cuối năm 1951 chưa có cán bộ chính trị, anh Bảo phân công tôi giúp anh làm công tác chính trị bệnh viện. Dịp chỉnh huấn về quân đội nhân dân, chi ủy phân công tôi và một đồng chí thương binh là chính trị viên tiểu đoàn tham gia báo cáo một vài bài. Tham gia vào câu lạc bộ quân nhân, cùng câu lạc bộ hoạt động vui sống trong bệnh viện, vào đội bóng chuyền luyện tập giao lưu với Xưởng bào chế Cục Quân y. Công việc và hoạt động câu lạc bộ quên đi nỗi nhớ quê nhớ nhà. Một vài lần tôi gửi thư về thăm cha mẹ và các anh chị nhưng không biết có nhận được không, tôi gửi thư cho anh Hoạt ở tỉnh đội Hà Đông. Ra Việt Bắc xem như không biết tin tức gì nữa về gia đình, về quê hương. Tôi và Hiếu hai thằng quê Quảng Trị những lúc nhớ quê cùng nhau tâm sự, gần cuối năm có Nguyễn Đăng Hàm quê ở Huế. Ba đứa đều đã công tác ở quân dân y Quảng Trị, ngày nay 3 chúng tôi còn sống, còn liên lạc còn thăm viếng nhau, Hiếu cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đăng Hàm ở Hà Nội.

Thời buổi kháng chiến thư từ gửi cho nhau rất khó nhận được. Sau 3 tháng công tác, thư đầu tiên tôi nhận được là thư của Thu Dung, người bạn đường cùng lên Việt Bắc. Dung gửi theo địa chỉ là cục quân y, thế mà tôi nhận được. Được một lá thư ở đây bất kỳ của ai gửi cũng quý lắm rồi, đây lại là của một bạn gái. Tôi đưa cho Hiếu cùng xem, nói cho Hiếu biết đây là bạn quen mới.

30 Tết đầu tiên ở Việt Bắc (26-1-1952) trời vẫn rét lạnh, đơn vị chuẩn bị Tết 20 tháng Chạp ta, chuẩn bị ăn, chuẩn bị vui chơi, làm lại bàn ăn, quét dọn vệ sinh sạch sẽ, viết khẩu hiệu, làm lồng đèn treo trong các buồng bệnh, ở các phòng học, giao ban. Ăn xong một bữa cơm tất niên, quản lý phát cho mỗi người một bánh chưng mang về (lần đầu tiên tôi được ăn bánh chưng) và chuẩn bị cho đêm lửa trại. Toàn viện vui chơi chờ đón giao thừa. Riêng tôi cảm thấy buồn, nhớ cha mẹ anh em. Không rõ gia đình sống trong vùng địch thế nào, anh Hoạt tôi ở Hà Đông, anh Trưng ở Thanh Hóa, em Hùng học ở Hà Tĩnh, còn anh cả công tác ở quê có điều kiện chăm sóc động viên cha mẹ. Chiến tranh làm cho gia đình chia ly, đau thương, chết chóc khó mà tránh khỏi, cầu mong cảnh ấy gia đình tôi không gặp phải. Ba thằng chúng tôi Hiếu, Hàm, Ích có duyên gặp nhau tại đây trong rừng Việt Bắc, ngồi lại trò chuyện tâm sự.

Sáng mồng 1 Tết chúng tôi kéo nhau đi chúc Tết thương binh bệnh binh, chúc Tết viện trưởng, các ban trong viện. Mồng 2 Tết, đội bóng chuyền của viện (tôi tham gia) đến xưởng bào chế quân dược, chị em đến xem, cổ vũ khá đông. Bạn Hàm đi phục vụ ở hội nghị du kích chiến tranh toàn quốc, anh Hoạt tôi từ Hà Đông về họp, được biết Hàm sẽ về viện 108, đã gửi thư cho tôi và một chiếc nhẫn vàng một chỉ, nói rằng đây là tiền tiêu vặt tiết kiệm được, cần tiền tiêu lúc ốm đau thì bán đi. Hàm bảo vô ý đã đánh mất ở suối không tìm lại được, Tôi cảm ơn anh tôi đã quan tâm đến đứa em xa nhà.

Bệnh viện còn là nơi Cục quân y dự trữ cán bộ, nhiều bác sỹ, sinh viên y khoa, y sỹ kể cả y tá về đây một vài tháng rồi đi nhận công tác nơi khác, bạn Hàm chỉ ở đây mấy tháng. Phong trào thi đua trong viện khá sôi nổi, là đơn vị đầu tiên thực hiện các chế độ công tác chuyên môn như bệnh viện quân giải phóng Trung Quốc đặc biệt là chế độ hộ lý để Cục chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc Cục. Cuối năm 1952, các ban toàn viện họp kiểm điểm phong trào, chọn chiến sỹ thi đua, tôi và đồng chí Hào quản lý bếp thương binh bệnh binh được anh em tín nhiệm bầu 100%. Ngày 10-4-1953 tôi được cử đi dự hội nghị chiến sỹ thi đua cục quân y, được bồi dưỡng thêm về động cơ thi đua, những gương tốt việc tốt. Dự hội nghị này có chị Giao Tiên dược tá sau này là CSTĐ toàn quốc, anh Hà Nguyên Thị hộ lý sau này được công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi còn giữ lại được bằng khen của Cục trưởng cục quân y khen tặng đồng chí Nguyễn Văn Ích chiến sĩ thi đua phân viện 108 năm 1952, do Phó Cục trưởng Vũ Công Thuyết ký ngày 12-4-1953.

Chúng tôi sống, công tác với nhau đều là những thanh niên lứa tuổi 20, xa gia đình để đi chiến đấu phục vụ cách mạng, mỗi người mỗi tính nết nhưng cũng hòa hợp nhau, thương yêu nhau. Anh Bảo bác sỹ là viện trưởng rất nghiêm khắc trong công tác nhưng rất vui vẻ trong vui chơi sinh hoạt, cùng hát cùng nhảy van với anh em, sống bình đẳng chan hòa. Tôi cùng bạn Châu nay ở khu tập thể quân đội Nam Đồng đã tổ chức ban liên lạc bệnh viện 108 năm 1951-1952, hàng năm gặp nhau 1-2 lần, thăm nhau lúc ốm đau, tiễn đưa nhau lúc qua đời. Hầu hết anh chị em đã cao tuổi, anh Bảo 88 tuổi, người vẫn khỏe mạnh vui tính, chúng tôi tập hợp được 20 người vào thời kỳ đầu tham gia xây dựng viện 108. Hầu hết mọi người trở thành bác sỹ, tôi làm trưởng ban liên lạc. Ban nội tôi công tác có bác sỹ Nguyễn Thanh Nhàn, bác sỹ Phi Văn Nghĩa, bác sỹ Đỗ Ngọc Huỳnh, bác sỹ Lê Thị Thược, bác sỹ Lê Hoàng, bác sỹ Lê Thúy Nga. Còn có dược sỹ Nguyễn Trọng Châu, bác sỹ Tạ Lưu, bác sỹ Nguyễn Tự…Về nghỉ hưu, chúng tôi đã làm một việc có ý nghĩa, động viên nhau sống có tình nghĩa. Thường mỗi cựu chiến binh có nhiều ban liên lạc và đã công tác qua nhiều đơn vị.

Tác giả: Nguyễn Văn Ích, Nguyên Y tá trưởng Bệnh viện TW Yên Trạch

Chia sẻ