Khoa Nội hô hấp, 65 năm xây dựng và phát triển (06/06/1956 – 06/06/2021)

  09:23 AM 07/06/2021

Ảnh: Tập thể cán bộ, nhân viên Khoa A5qua các thế hệ

       Khoa Nội Hô hấp (Khoa A5), tiền thân là Khoa Lao và Bệnh phổi – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập ngày 06/06/1956. Nhiệm vụ cao cả Khoa A5 được giao là thu dung, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp bao gồm tất cả các đối tượng bộ đội, bộ đội hưu và nhân dân; bên cạnh đó, Khoa còn có nhiệm vụ mở rộng hợp tác Quốc tế trong việc phát triển và hội nhập chuyên ngành Hô hấp. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Khoa A5 đã không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, Khoa A5 có 28 cán bộ nhân viên với 10 bác sĩ gồm: 1 PGS.TS, 1 TS, 3 Ths, 4 bác sĩ CK 1 và 1 bác sĩ, trong đó 3 bác sĩ đang làm nghiên cứu sinh); 18 điều dưỡng, trong đó có 1 Ths, 5 đại học, 8 cao đẳng, có 2 điều dưỡng đang học chuyên khoa cấp 1. Khoa được biên chế 24 phòng bệnh nhân với 83 giường bệnh, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Về nhiệm vụ thu dung và điều trị, Khoa luôn vượt các chỉ tiêu mà Bộ Quốc phòng và Bệnh viện giao, nhiều bệnh nhân nặng đã được chẩn đoán và điều trị thành công. Bên cạnh việc chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho người bệnh, tập thể khoa cũng triển khai các kỹ thuật mới, cập nhật kiến thức, tích cực trong nghiên cứu khoa học. Các bác sĩ trong khoa thường xuyên có bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và Quốc tế, tham gia báo cáo khoa học tại các Hội nghị chuyên ngành Hô hấp, Ung thư trong và ngoài nước. Trong 5 năm gần đây đã nghiệm thu 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bệnh viện, tham gia 1 đề tài Quốc tế đa trung tâm, đang triển khai 2 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và nhiều đề tài khác. Tham gia giảng dạy lý thuyết, hướng dẫn lâm sàng cho lớp BSCKI, BSCKII nội chung. Khoa cũng đã được phép đào tạo liên tục và tiến hành khai giảng lớp Nội soi phế quản ống mềm khoa I với 7 học viên tham gia. Cán bộ giảng viên trong khoa đã hướng dẫn và bảo vệ thành công luận án, luận văn cho 3 nghiên cứu sinh, 8 học viên cao học và nhiều bác sĩ CKII. Ngày 17/02/2016, Khoa A5 được giao đảm nhận thêm nhiệm vụ trở thành Bộ môn Nội Hô hấp thuộc Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 đào tạo đến bậc học tiến sĩ. Tính đến nay, Bộ môn đang có 5 nghiên cứu sinh theo học, nghiệm thu 1 giáo trình sau đại học. Vấn đề hợp tác phát triển chuyên ngành và hợp tác Quốc tế cũng được Khoa A5 hết sức coi trọng. Những năm qua các bác sĩ của Khoa A5 đều là thành viên của Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Phổi Việt Nam, Hội phổi Pháp – Việt, Hội Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương, mở rộng và duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với Khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện thuộc Trung tâm Quốc gia về sức khỏe và y tế toàn cầu (NCGM), Nhật Bản trong trao đổi kinh nghiệm, cử bác sĩ đi học tập nâng cao trình độ, cũng như phối hợp cùng bác sĩ của NCGM tiến hành các buổi Workshop về nội soi phế quản siêu âm tại Khoa A5.

Chủ nhiệm Khoa A5 qua các thời kỳ:

Đại tá, GS.TS Bùi Xuân Tám – từ 1957 đến tháng 06/1960.

Đại tá, GS.TS Đỗ Đình Luận – từ 1960 đến tháng 6/1978.

Đại tá, BSCK II Nguyễn Hồng Nhơn – từ 1978 đến tháng 7/1995.

Đại tá, BSCK II Vũ Đức Môn – từ 1995 đến tháng 7/1999.

Đại tá, BSCK II Phan Thanh Chương – từ 1999 đến tháng 6/2008

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Đình Tiến – từ 2008 đến nay.

Phó Chủ nhiệm Khoa A5 qua các thời kỳ:

Đại tá, BSCK II Vũ Đức Môn – từ năm 1978 đến tháng 7/1995.

Đại tá, BSCK II Phan Thanh Chương – từ năm 1995 đến tháng 7/1999.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Đình Tiến – từ năm 1999 đến tháng 6/2008.

Đại tá, TS Tống Hiếu Tâm – từ năm 2008 đến 2010.

Đại tá, TS Nguyễn Minh Hải – từ 2010 đến nay.

Ảnh: sinh thiết xuyên thành dưới hướng dẫn của Nội soi phế quản siêu âm (EBUS-TBNA)

Ảnh: Sinh thiết màng phổi qua nội soi màng phổi bằng ống bán cứng

Các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị đang triển khai tại Khoa A5:

- Nội soi phế quản ống mềm chẩn đoán, can thiệp và điều trị bệnh lý hô hấp.

- Nội soi màng phổi gây tê cục bộ bằng ống nội soi bán cứng chẩn đoán nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi.

- Nội soi phế quản siêu âm và sinh thiết xuyên thành phế quản dưới hướng dẫn của nội soi phế quản siêu âm ( EBUS và EBUS-TBNA) chẩn đoán hạch rốn phổi, trung thất, khối u cạnh phế quản.

- Sinh thiết phổi xuyên thành phế quản qua nội soi phế quản siêu âm ( EBUS-TBLB) chẩn đoán tổn thương phổi ngoại vi.

- Sinh thiết tổn thương phổi ngoại vi dưới hướng dẫn của nội soi phế quản ảo ( Virtual Bronchoscopy) và sử dụng màn huỳnh quang tăng sáng.

- Phối hợp với Khoa y học hạt nhân tiến hành đo xạ hình thông khí tưới máu phổi cho một số bệnh lý hô hấp.

- Gây dính màng phổi bằng bột Talc điều trị tràn dịch màng phổi ác tính.

- Đo chức năng hô hấp với test hồi phục phế quản trong chẩn đoán hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

- Sinh thiết hoặc chọc hút xuyên thành ngực (TTNB hoặc TTNA) dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính chẩn đoán nguyên nhân gây tổn thương phổi ở ngoại vi ( phối hợp cùng Khoa chẩn đoán hình ảnh).

- Thở máy xâm nhập và thở máy không xâm nhập điều trị các bệnh lý gây suy hô hấp như COPD, viêm phổi, giãn phế quản...

- Lựa chọn, điều trị trước ghép cũng như phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực chăm sóc sau ghép cho các bệnh nhân ghép phổi, góp phần mang lại thành công cho 3 trường hợp ghép 2 phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.

- Điều trị ung thư phổi tại Khoa A5 bao gồm: hóa chất, điều trị đích, điều trị miễn dịch. Kết hợp với Khoa Xạ tri-xạ phẫu điều trị xạ trị cho bệnh nhân ung thư bằng các kỹ thuật như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị lập thể định vị thân (SBRT), xạ phẫu hoặc xạ toàn não trong trường hợp có di căn não.

Các đề tài nghiên cứu khoa học trong 5 năm gần đây:

Nghiên cứu ứng dụng PET/CT và CyberKnife trong chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp và ung thư phổi – Đề tài nhánh cấp Nhà nước, nghiệm thu năm 2015 đạt loại xuất sắc, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Đình Tiến.

Nghiên cứu xây dựng quy trình tuyển chọn và điều trị bệnh nhân chờ ghép phổi – Đề tài nhánh cấp Nhà nước, nghiệm thu năm 2019 đạt loại xuất sắc, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Đình Tiến.

Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hình ảnh tổn thương nhu mô, động mạch phổi trên phim CT 320 lát cắt ở bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – Đề tài cấp Bệnh viện, nghiệm thu năm 2018 đạt loại A, Chủ nhiệm đề tài bác sĩ Phạm Văn Luận.

Ảnh: các bác sĩ Khoa A5 cùng tốp sinh viên Đại học Y tế Hải Dương thực tập năm cuối

Ảnh: Bác sĩ Khoa A5 tham gia báo cáo tại Hội nghị ESMO Asia

Các bài báo Quốc tế và báo cáo khoa học tiêu biểu tại Hội nghị khoa học Quốc tế:

- Real-world analysis of the effect of gefitinib as a first-line therapy in patients with advanced non-small cell lung cancer with EGFR mutations, Therapeutic Advance in Medical Oncology, 2021;13: 1 – 7. Tạp chí nằm trong Hệ thống ISI – Q1 với IF 6.8.

- Treatment for early stage non-small cell lung cancer by Stereotactic body radiation therapy and the role of PET/CT, Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 24, Hội Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra từ 14 – 17 tháng 11, năm 2019.

- Metastese in non-small cell lung cancer, Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 24, Hội Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra từ 14 – 17 tháng 11, năm 2019.

- Stereotactic body radiation therapy for early stage non-small cell lung cancer, Báo cáo tại chương trình tiền Hội nghị - Hội nghị ung thư Châu Âu trong khu vực Châu Á (ESMO Asia) năm 2019.

Phương hướng trong tương lai:

Đoàn kết, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp đảm bảo an toàn, hiệu quả, vượt các chỉ tiêu chuyên môn được giao.

Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về các vấn đề mới trong chuyên ngành Hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi, COPD, viêm phổi. Có nhiều bài báo chất lượng được đăng in trên các Tạp chí y học uy tín trong nước và đăng trên Tạp chí y học Quốc tế nằm trong hệ thống ISI, Scopus.

Duy trì và mở rộng quan hệ tốt đẹp với các Trung tâm Hô hấp trong nước và trên Thế giới, tiếp tục cử các bác sĩ đi học nâng cao trình độ.

Duy trì, thực hiện có hiệu quả, an toàn các kỹ thuật chuyên ngành Hô hấp, phát triển các kỹ thuật mới như nội soi phế quản can thiệp bằng ống cứng; đo thể tích khí thân thăm dò, đánh giá chức năng hô hấp; đo đa ký hô hấp trong đánh giá các rối loạn về hô hấp ở bệnh nhân có Hội chứng ngừng thở khi ngủ…

Tích cực tham gia tuyển chọn và ngày càng hoàn thiện quy trình chăm sóc trước mổ ở bệnh nhân ghép phổi.

Với sự lãnh đạo, giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện, với tinh thần đoàn kết, ham học hỏi, bằng sự kết hợp giữa lý thuyết, thực tiễn và nghiên cứu khoa học, tập thể Khoa - Bộ môn Nội Hô hấp tin tưởng sẽ tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, không ngừng phát triển cùng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đạt được nhiều thành công mới.

 

Người viết bài

Bác sĩ Phạm Văn Luận

Khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ