ICF, cách tiếp cận mới trong phân loại sức khỏe, chức năng và khuyết tật của tổ chức y tế thế giới

  04:44 PM 16/06/2020
Bệnh là do quá trình bệnh lý tác động vào tế bào, cơ quan, hệ thống cơ thể ảnh đến chức năng cụ thể của cơ quan, hệ thống cơ thể người bệnh, có khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của người bệnh. Hậu quả của bệnh là khiếm khuyết, giảm khả năng hoặc tàn tật.

Theo phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 1980, hầu hết các chuyên ngành điều trị trong đó có Phục hồi chức năng (PHCN) mới chỉ chú trọng đến các vấn đề về khiếm khuyết, giảm chức năng, tàn tật của người bệnh. Chính vì lẽ đó người bệnh chưa được quan tâm một cách toàn diện về các khía cạnh khác trong cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống xã hội của họ trong và sau thời gian bị bệnh. Vì vậy,  năm 2001 WHO đã có sự điều chỉnh và thay đổi trong cách phân loại về sức khỏe, chức năng và khuyết tật được khái quát bằng mô hình ICF (International Classification of Functioning, Disability and Health).

Mô hình ICF đưa ra khái niệm rằng mức độ chức năng của một người là một mối quan hệ tương tác, tác động giữa tình trạng sức khỏe của người đó với các yếu tố môi trường và các yếu tố cá nhân. Đây là một mô hình sinh lý-tâm lý-xã hội, dựa trên sự kết hợp các mô hình xã hội và can thiệp.

Mô hình phân loại sức khỏe, chức năng và khuyết tật ICF của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2001

          Tại Khoa Phục hồi chức năng- Bệnh viện TƯQĐ 108 chúng tôi đã áp dụng khung ICF trong thăm khám, lượng giá bệnh nhân khi đến điều trị tại khoa. Người bệnh và gia đình họ chính là trung tâm của quá trình điều trị. Người bệnh sẽ được lượng giá chức năng hiện tại của mình, các vấn đề liên quan đến thể chất, đến sự tham gia vào các công việc trong gia đình, các hoạt động trong xã hội như vui chơi, thể thao, giải trí,...Bên cạnh đó họ sẽ được tư vấn về những yếu tố môi trường như bệnh viện, gia đình, cộng đồng, nơi làm việc,... có ảnh hưởng tới các hoạt động của họ trong lúc điều trị và khi hòa nhập cộng đồng ra sao. Ngoài ra việc khai thác các yếu tố cá nhân như giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, cảm nhận về bản thân cũng quyết định tới hiệu quả điều trị và quá trình hòa nhập của người bệnh sau này. Người bệnh và gia đình có thể quyết định sau khi đã am hiểu mọi thông tin về quá trình chăm sóc và điều trị của họ.

         

 

 ICF giúp cho các bác sĩ và kỹ thuật viên Phục hồi chức năng có cái nhìn tổng quan nhất về người bệnh của mình, giúp họ đề ra mục tiêu điều trị cụ thể, đồng thời xây dựng được các phương pháp luyện tập phù hợp nhất với mong muốn của người bệnh dựa trên những khả năng của họ, giúp họ hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả và luôn có ích cho xã hội.

Thực hiện: CN Dương Thùy Dung

Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ