GS.TSKH Nguyễn Huy Phan: Người lính cụ Hồ

  04:59 PM 19/08/2020
Nguyễn Huy Phan, Ông sinh ngày 14 tháng 7 năm 1928 trong một gia đình trí thức tại quê hương cách mạng Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ông vào tự vệ chiến đấu kiêm cứu thương đúng vào ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 khi đang là sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội năm thứ nhất. Năm 1947 theo trường sơ tán lên học tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang, năm 1948 Ông nhập ngũ, vừa học tập vừa phục vụ chiến đấu từ trung du đến chiến dịch Điện Biên Phủ

 

Ấn tượng sâu sắc và phấn khởi nhất với Ông thời đó là được tiếp cận bộ đội và nhân dân để phục vụ. Được bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y và ông Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (sau này là Tổng Cục Hậu cần) trực tiếp gặp gỡ truyền đạt đường lối y học cách mạng của Đảng, Bác thì lại càng có nhiều việc làm cụ thể hơn.

Ông luôn suy nghĩ thời gian là vàng ngọc, do đó ngoài công việc cấp cứu điều trị thương bệnh binh hàng ngày vốn đã bận rộn, vất vả nhưng vẫn phải quyết tâm phấn đấu học tập và làm nhiều hơn nữa cho thật tốt để trở thành người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, mà muốn được như vậythì trước hết phải tự học thêm cho thật giỏi tiếng Pháp để tiếp thu bài giảng của các thầy ở trên lớp (thời đó các thầy đều giảng các bài chuyên môn bằng tiếng Pháp) rồi sau đó là tự học thêm tiếng Anh, tiếng Nga để đọc các sách chuyên môn, các tạp chí chuyên khoa, tiếp thu những cái mới, hiện đại của y học tiên tiến, văn minh thế giới. Tác phong rất quý của ông là luôn luôn sâu sát thương bệnh binh và bệnh nhân, đó cũng là những người thầy gián tiếp giúp cho ông rút ra được những bài học kinh nghiệm về thành công và thất bại trong khi hành nghiệp. Ngoài ra Ông cũng gặp gỡ trao đổi thường xuyên với các bạn đồng nghiệp và các tổ chức khoa học quốc tế và trong nước giúp cho ông hiểu thêm về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về quy hoạch đào tạo cán bộ kế cận cho ngành nhất là chuyên ngành vi phẫu thuật tạo hình sau này ngày càng vững chắc làm nền móng cho phát triển vi phẫu thẩm mỹ ở nhiều chuyên khoa sâu.

Một đức tính quý báu nữa của Ông mà chúng tôi học tập được là trong khoa học phải kiên nhẫn, thật sự nghiêm túc, trung thực, chính xác, cụ thể và tỉ mỷ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tuyệt đối không được cấu thả nôn nóng và thiếu trung thực. Chúng tôi cũng nhớ trong một buổi lên lớp về công tác nghiên cứu khoa học ông dẫn chứng: “Người ta bịt mắt lại rồi thò tay vào hòm nhốt đàn chuột bạch bắt ra 10 con cho vào một hộp các tông để làm thí nghiệm rồi bắt 10 con nữa cho vào một hộp các tông khác để làm đối
chứng. Nếu chỉ nhìn qua việc làm trên thì ai cũng bảo là khoa học và chính xác chứ gì? Vậy mà không đâu, Ông cười nói tiếp: “Bởi chỉ có những con chuột ốm mới bắt được nó một cách dễ dàng ở lượt bắt đầu”. Cũng chính vì vậy nên các vị tiền bối đáng kính của chúng ta từ ngày xưa đã có lời khuyên thật chí lý: “Chỉ tin một nửa những gì chúng ta được nghe và nhìn thấy tận mắt mà thôi”. Cũng phải nói thêm rằng ngay từ khi mới bước vào trường y rồi hành nghề trải qua thời gian 9 năm chống Pháp, Ông đã có được bản luận án “Điều trị phẫu thuật u máu vùng cổ mặt” cùng với 200 trường hợp mổ thành công tạo vẻ đẹp cho bề mặt bệnh nhân. Thành công của người thầy thuốc trẻ Việt Nam thật xứng đáng như giáo sư Mi-Khen-Xôn (Liên Xô cũ) đã ghi tặng trên cuốn sách Phẫu thuật tạo hình: “Chuyển giao cho người học trò xuất sắc nhất của
tôi”. Khi đất nước còn chia cắt thì nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh với mục tiêu cứu sống là hàng đầu, sau đó cũng phải đảm bảo chức năng lao động bình thường cho họ.

Ông thường suy nghĩ khôi phục cái đẹp không chỉ dừng lại ở từng khuôn mặt mà phải có nhiều công trình
nghiên cứu chuyên ngành ngoại khoa có sự kết hợp chặt chẽ của cả nội khoa, khối cận lâm sàng cùng nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. Ông cộng tác với nhà máy Z113 Bộ Quốc phòng sản xuất dụng cụ vi phẫu thuật tạo điều kiện để triển khai hàng loạt phẫu thuật tạo hình trên cơ thể con người.

Một trong những thành công nổi bật của Ông là “Tạo hình toàn bộ dương vật”, với 25 trường hợp đều đạt kết quả tốt cả về chức năng sinh lý và hình thức, được Giáo sư Tôn Thất Tùng nhà ngoại khoa nổi tiếng nhất Việt Nam đánh giá rất cao.

 Năm 1979, Ông được Giáo sư Vilain, Chủ tịch Hội nghị quốc tế phẫu thuật tạo hình tố chức tại Paris (Pháp) mời đặc cách “nhà phẫu thuật Việt Nam” trình bày báo cáo, phương pháp và kết quả phẫu thuật tạo hình của Ông được Hội nghị rất hoan nghênh.

Sau khi tập trung giải quyết hậu quả các vết thương chiến tranh chống Pháp về lĩnh vực chuyên khoa Mặt Hàm đạt nhiều kết quả tốt đẹp song chưa hết về số lượng thì Đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thế là đội ngũ chuyên khoa của Ông ở Bệnh viện 108 lại sẵn sàng chờ lệnh vào chiến trường phục vụ, riêng Ông đã xung phong nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội phẫu thuật lưu động vào chiến trường Liên khu 5 phục vụ, nơi Mỹ Nguỵ đánh phá huỷ diệt vô cùng khốc liệt với cái tên rất mỉa mai “Quảng Trị là cái cối xay thịt của Việt Công!”. Đội phẫu thuật do chính Ông, chuyên viên đầu ngành tài giỏi đã mang kỹ thuật cao, phương tiện hồi sức chống choáng hiện đại, tiên tiến nhất Việt Nam thời đó ra tiền tuyến, giải quyết được cơ bản các vết thương phức tạp trầm trọng nên đã cứu sống được nhiều thương binh nặng được cả mặt trận tin yêu.

Ông có dáng người cao to, khuôn mặt giống Tây nên ngay từ hồi còn là sinh viên mọi người đã quen gọi Ông là “Phan Tây” “Phan Lai”, giờ đây chiến đấu ở mặt trận, giữa ta và địch đan xen, với chiến thuật “thọc sâu, chia cắt”, “Bám thắt lưng Mỹ mà diệt” nên cấp trên cũng có kế hoạch bảo vệ an toàn cho ông “Phan Tây ” để tránh cái hoạ “quân ta hoá quân địch”. Chiến sự càng ác liệt thì tình cảm của bộ đội và nhân dân càng dành nhiều cho quân y và ông “Phan Tây”. Ông Phan kể lại với đồng nghiệp: Có một lần tại giữa mặt trận Ông nghe thấy tiếng xì xào “đúng là ông Phan Tây!”, lại cũng có mấy người cứ ghé sát vào ông đế nhìn rồi thốt lên: Đích thực rồi chúng mày ạ! Thế là cả toán oà lên cười thoả thích. Còn ông thì lại rất vui vì được mọi người xem mặt. Ông còn nói nếu cứ chiến đấu kiểu này thì các bạn phải tạo hình bộ mặt mới cho tôi như nhà tình báo Tư Mâu để tôi còn có thời “Phan Mâu” nữa thì tốt biết bao.

Kết thúc chiến tranh, đất nước thu về một mối, Ông càng dốc sức cho công việc mà Ông hằng ấp ủ từ lâu. Do đónhiều công trình khoa học được lần lượt công bố trên các tạp chí Y học chuyên ngành được các nước châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ La Tinh đánh giá cao. Năm 1988, Ông được mời làm hội viên danh dự Hội Phẫu thuật tạo hình Cu Ba. Năm 1993 được bầu làm Viện sĩ hàn lâm chính thức thế giới thứ 3 ở Trung Phi. Khi Việt Nam chủ trương mở cửa với khát vọng hoà bình, hữu nghị, làm bạn với các nước, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhất là với Mỹ thì Ông được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Y học New York (1995), tham gia giảng dạy ở Học viện
Quân y Hoa Kỳ. Do Ông thông thạo cả 3 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp nên được trên trao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ, một cơ hội mỗi khi lên diễn đàn khoa học về ngành y ở thế giới là một dịp tốt để Ông giới thiệu về lịch sử nguồn cội Việt Nam, chuyện về Bác Hồ và Đại
tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà mọi người từng ngưỡng mộ, nhân dịp này Ông giới thiệu khi viết tuyên ngôn độc lập cho Việt Nam, Bác Hồ của chúng tôi đã trích một số đoạn trong bản tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và của Pháp. Ông cũng giới thiệu tập thơ “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, những bài thơ chúc Tết của Bác mỗi độ xuân về, đặc biệt là bài
thơ chúc Tết năm 1969 có câu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào...” thể hiện lòng nhân ái vị tha đối với con người kể cả những người ở chiến tuyến bên kia.

Từ đó tiếng tăm của Ông cứ lan toả rộng cả đến Hội cựu chiến binh Mỹ, những người lính Mỹ từng bị thương được Quân y Việt Nam cứu chữa, những tù binh từng được đối xử nhân đạo trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn của chiến tranh khốc liệt. Vì vậy rất nhiều Cựu chiến binh Mỹ muốn trở lại Việt Nam để hối lỗi và cũng là để chữa căn bệnh trầm cảm mà trước đó không có thuốc nào chữa được. Họ tin tưởng rằng mỗi lần gặp Ông Phan là bệnh được thuyên giảm nhiều hơn. Cuộc sống đời thường của Ông rất bình dị, cởi mở, tôn trọng, gần gũi tất cả mọi người, cũng như đối với những thương bệnh binh Ông luôn động viên khuyến khích, chia sẻ nỗi đau, mất mát đồng thời cũng cảm ơn họ rất nhiều vì chính nhờ có họ mà Ông có được những công trình khoa học có giá trị và đạo đức “Lương y như từ mẫu”. Ông rất vui và phấn khởi là các công trình nghiên cứu khoa học đã được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước, nhiều bệnh nhân được thụ hưởng kỹ thuật tiên tiến của chuyên ngành mà ông đứng đầu và khởi xướng. Điều đáng tự hào và quý giá hơn cả, tâmhuyết hơn cả là Ông đã lựa chọn và đào tạo được một lớp cán bộ trẻ kế tiếp có đầy đủ đức độ và tài năng cho chuyên ngành vi phẫu thuật không những cho quân y và cho cả dân y.

Với ý chí tiến thủ và mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của ngành vi phẫu thuật tạo hình Việt Nam, nhưng thật bất ngờ, Ông đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Mọi người quen biết và gia đình đều lo lắng, nhưng với Ông thì ngược lại, coi đây là
quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử”, ai cũng phải đối mặt cả nên Ông càng cố gắng tranh thủ thời gian gấp rút hoàn thành những công việc còn dở dang để khỏi ân hận
khi phải đi xa...

 Tôi (Lê Đính) đã nghỉ hưu nên thường đến thăm ông chuyện trò tâm sự. Ông chủ động trao đổi với tôi những suy nghĩ về tương lai của Bệnh viện 108 cũng như chuyên ngành của Ông với mong muốn các thế hệ trẻ sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống của Bệnh viện Anh hùng. Những lời Ông tâm sự, tôi thấy rất thực dụng và đúng sự thật của người sắp phải đi xa. Ngay hôm sau tôi lại vào thăm, lần này thấy Ông vui hẳn lên khi trông thấy tôi bước vào phòng và hỏi: “Thằng cháu con của một anh thuộc dòng tộc Bác Hồ, được giao nhiệm vụ trông nom thờ cúng Bác ở Kim Liên mà anh giới thiệu vào viện để chữa cho
cháu bị dị tật bẩm sinh bộ phận sinh dục, nay cháu thế nào, bộ phận sinh dục có bình thường không, cháu học đến lớp mấy rồi?” Tôi ngạc nhiên sao Anh lại nhớ kỹ về bệnh nhân này thế. Liền kể để Anh nghe. Năm 1990, nhân chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, đường Trường Sơn
huyền thoại, chúng tôi vào viếng Bác ở Kim Liên, bố cháu biết tôi ở Viện 108 nên muốn xin cho cháu ra chữa vào dịp nghỉ hè này vì ở đó có Giáo sư Phan giỏi bệnh này lắm. Khi về, tôi trao đổi với Anh và Chủ nhiệm khoa, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bắc Hùng đều nhất trí và thông cảm với gia đình nên nhắn tin gia đình đưa cháu ra ngay. Bố mẹ cháu mừng lắm, coi đây là một may mắn lớn “Gặp thầy, gặp thuốc rồi”. Khi cháu vào viện, với phương pháp mổ cải tiến rút từ mổ 2 lần như trước đây xuống chỉ phải mổ 1 lần nên rút ngắn được thời gian nằm viện mà vẫn bảo đảm được chức năng sinh lý và thẩm mỹ giúp cháu hết mặc cảm về căn bệnh “kỳ quặc” này. Tôi trả lời Anh là
cháu vẫn liên tục là học sinh giỏi và biết ơn khoa Hàm - Mặt Viện 108 và nhớ lời khuyên của Giáo sư Phan là phải học giỏi, chăm làm xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Kể đến đây, tôi thấy Anh vui hẳn lên. Nhân đà này, tôi chia tay ra về, Anh nhắc: Chiều mai Đính lại vào chơi với tôi nhé! Chỉ sau một ngày gặp lại, thấy Anh đau đớn nhiều lên chắc vì các khối u phát triển. Tôi như nặng trĩu cả người, kéo ghế để ngồi gần Anh hơn. Anh nói luôn, hôm

qua, sau khi Đính về, có bác sĩ Tâm ở B3 (Khoa phẫu thuật bụng Viện 108), lớp bác sĩ đi công tác ở đảo Sinh Tồn về vào thăm tôi kể lại chuyện các cậu ấy phục vụ ở đảo rất tốt. Bác sĩ Tâm nhắc lại chuyện khi được Bí thư Đảng ủy Lê Văn Đính giao nhiệm vụ, rồi chuyện y tá Lê Khắc Lự (đồng môn) sau này xung phong ra đảo Cô Tô công tác, ở đây Lự vinh dự được gặp Bác Hồ ra thăm đảo đã được nghe Bác dặn dò về xây dựng và bảo vệ đảo quê hương. Sau đó Lự đã định cư tại đảo Cô Tô đến bây giờ là đời thứ 3 phục vụ ở đảo này rồi. Các đảo của cả nước đều học tập tấm gương Anh hùng của đảo Cô Tô và Viện 108 được cử cán bộ luân phiên ra phục vụ ở đảo Sinh Tồn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhìn thấy thái độ vui vẻ của anh tôi vô cùng xúc động và cũng vui lây. Khi ra về, tôi nhớ như in vào lòng những điều mà Anh mong muốn cháy bỏng cho đến tận cuối đời về tương lai tươi sáng của Viện 108 chúng ta;để kể lại cho mọi người cùng nghe, nhất là đối với lớp trẻ mà Anh tin tưởng. Với công lao phục vụ Cách mạng, phục vụ Nhân dân và Quân đội, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phan đã được phong quân hàm Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp y tế, Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều Huân chương cao quý khác. Còn thương bệnh binh và nhân dân thì khen Ông có bàn tay vàng và tấm lòng Bồ Tát, NgườiThầy thuốc Cụ Hồ. Các nước mà Ông có dịp đi dự Hội nghị khoa học và thao diễn
kỹ thuật thực hành đều hết lời khen: “Việt Nam là một nước nghèo, chiến tranh liên miên mà lại có được người thầy thuốc tài giỏi như Ông thật là hiếm”.

 Xin kính tặng Ông, một người thầy, người Anh kính mến bài thơ nhỏ với tấm lòng yêu quý và trân trọng.

Một trái tim nhân hậu Với tấm lòng vị tha

Cùng cái tâm thiện nguyện Và đôi bàn tay vàng

Chắt từng tia nắng ấm
Cho bao người xuân sang.

Tác giả bài viết :

Đại tá, Bác sĩ Lê Văn Đính - Nguyên Phó Giám đốc Chính trị, Bí thư Đảng ủy Viện Quân y 108

Đại tá, Bác sĩ Tạ Lưu - Nguyên Y tá trưởng Tổng khoa Ngoại - Viện Quân y 108

Chia sẻ