Tình trạng “hậu COVID-19” và cách xử trí một số triệu chứng phổ biến

  09:06 AM 12/04/2022
Hậu COVID-19 là một tình trạng phổ biến, nhưng những gì chúng ta biết về tình trạng này vẫn còn hạn chế. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cập nhật về các triệu chứng phổ biến cũng như các biện pháp sử dụng thuốc hoặc không dùng thuốc để xử trí chúng.

1. Định nghĩa tình trạng “hậu COVID-19”

Tình trạng hậu COVID-19 là một tình trạng phổ biến, một số tổ chức về y tế và sức khỏe trên thế giới đã đưa ra các định nghĩa khác nhau về tình trạng này. Các định nghĩa đa phần đều mô tả về những triệu chứng gặp phải sau khi khởi phát bệnh, không giải thích được bằng một chẩn đoán bệnh nào khác và kéo dài trong một khoảng thời gian, sự khác biệt nhỏ giữa các định nghĩa đưa ra bởi các tổ chức khác nhau chủ yếu nằm ở khoảng thời gian kéo dài này. Các định nghĩa về tình trạng “hậu COVID-19” được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1. Các định nghĩa tình trạng “hậu COVID-19” [3]

Tổ chức

Định nghĩa

Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nghi ngờ/xác định đã nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi khởi phát bệnh, với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng bất kỳ chẩn đoán nào khác.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)

Thuật ngữ hậu COVID bao trùm một loạt các hậu quả sức khỏe kéo dài từ 4 tuần trở lên sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm các bệnh nhân có triệu chứng cấp tính ban đầu nhẹ hoặc không triệu chứng.

Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị, Vương quốc Anh (NICE)

Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau đợt nhiễm COVID-19, tiếp tục kéo dài hơn 12 tuần và không thể giải thích bằng bất kỳ chẩn đoán nào khác.

Hội Đồng Y Tế Cấp Cao, Pháp (HAS)

Ba tiêu chí: Có triệu chứng COVID-19; Có một hoặc nhiều triệu chứng ban đầu sau 4 tuần kể từ khi khởi phát bệnh; và Không có triệu chứng nào có thể được giải thích bằng một chẩn đoán khác

2. Các triệu chứng “hậu COVID-19” thường gặp

Bất kỳ ai mắc COVID-19 đều có thể gặp tình trạng “hậu COVID-19”. Tình trạng này đang được nhiều chuyên gia trên khắp thế giới nghiên cứu nhưng dường như không có mối quan hệ giữa mức độ nghiêm trọng ban đầu của nhiễm COVID-19 và khả năng xuất hiện tình trạng hậu COVID-19 [4]. Trên một phần ba số bệnh nhân có nhiều hơn một triệu chứng COVID-19 kéo dài [2]. Tỷ lệ mắc và thời gian hồi phục của một số triệu chứng “hậu COVID-19” phổ biến được trình bày trong hình 1.

3. Cách xử trí một số triệu chứng phổ biến

3.1 Mệt mỏi

Hiện chưa có bằng chứng về việc sử dụng một thuốc nào cụ thể để điều trị hay bất kỳ một thực phẩm bổ sung nào để hỗ trợ mệt mỏi do COVID-19. Để giảm mệt mỏi ở người bệnh, nên áp dụng chế độ ngủ nghỉ đầy đủ, ăn uống lành mạnh và uống đủ nước.

Ở người bệnh gặp phải tình trạng suy nhược sau gắng sức, bắt đầu luyện tập một cách từ từ theo khả năng của cơ thể.

3.2 Khó thở

Khó thở do viêm phổi liên quan đến COVID-19 thường sẽ cải thiện chậm, đặc biệt ở những người bệnh tổn thương phổi nặng hoặc suy nhược thần kinh cơ (lên đến 6 – 12 tháng).

Cần tìm lý do nền gây khó thở, như viêm phổi, suy nhược thần kinh cơ, suy tim,… Nếu có, sử dụng thuốc điều trị bệnh nền tim mạch hoặc hô hấp của người bệnh.

Với người bệnh khó thở nhẹ không rõ nguyên nhân, không cần bổ sung oxy, có thể tập các bài tập thở theo hướng dẫn. Với người bệnh khó thở nặng, cần thở oxy kéo dài hoặc có các triệu chứng khác về hô hấp, cần đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để thăm khám chuyên sâu hơn.

3.3 Đau ngực

Đau ngực dai dẳng hậu COVID-19 thường không cần điều trị trừ khi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong trường hợp đau ngực nặng và kéo dài, có thể sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), sử dụng mức liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Nếu bệnh nhân tức ngực do co thắt phế quản, có thể điều trị bằng các thuốc giãn phế quản dạng hít.

Nếu bệnh nhân đau ngực do tổn thương cơ tim hoặc viêm cơ tim bởi COVID-19, bệnh nhân cần được thăm khám chuyên gia tim mạch để đánh giá thêm.

3.4 Ho

Có thể sử dụng các thuốc ho không kê đơn theo nhu cầu của người bệnh (ví dụ như benzonatat, guaifenesin, dextromethorphan).

Không nên kê đơn thường quy các thuốc hô hấp dạng hít (ví dụ như thuốc giãn phế quản hoặc glucocorticoid dạng hít), mặc dù các thuốc này có thể có lợi trong một số trường hợp.

3.5 Các di chứng về thần kinh và tâm thần

Nhiều bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh đã gặp phải các triệu chứng rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung (hay còn được gọi là hội chứng “sương mù não”). Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này.

Với các triệu chứng khác như đau đầu, mất ngủ, lo âu,… người bệnh có thể sử dụng các thuốc không kê đơn, bổ sung vitamin hoặc điện giải đã được cấp phép lưu hành.

4. Kết luận

Hầu hết những người mắc COVID-19 sẽ khỏi hoàn toàn, chỉ có một số ít gặp phải tình trạng “hậu COVID-19” nhưng thường sẽ hồi phục theo thời gian. Điều quan trọng cần nhớ là kiến thức của chúng ta về “hậu COVID-19” cũng như bệnh COVID-19 vẫn đang được bổ sung thêm hàng ngày. Các nhân viên y tế cùng người bệnh, người nhà cần quan tâm thường xuyên đến sức khỏe của người bệnh và liên tục cập nhật khi có các thông tin mới xuất hiện.

Biên soạn: DS. Lê Minh Hồng

Hiệu đính: DS. Lê Thị Mỹ

 

Tài liệu tham khảo

1. CDC Hoa Kỳ, Evaluating and Caring for Patients with Post-COVID Conditions: Interim Guidance, www.cdc.gov

2. Mark E Mikkelsen, Benjamin Abramoff, (2022), COVID-19: Evaluation and management of adults following acute viral illness, www.uptodate.com

3. WHO (2021), A clinical case definition of post COVID-19 condition by a Delphi consensus

4. WHO (2021), Q&A, Coronavirus disease (COVID-19): Post COVID-19 condition, www.who.int

Chia sẻ