Đồng hành cùng bệnh nhân suy tim trong đại dịch COVID – 19

  04:53 PM 14/09/2021

Điều gì dễ xảy ra với người bệnh suy tim thời Covid:

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của mọi người dân trong đó có các bệnh nhân mắc suy tim. Việc phải ở nhà do cách ly gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trình theo dõi, khám bệnh định kỳ, tỷ lệ ngưng thuốc cũng tăng lên do nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như tăng tỷ lệ tử vong do bệnh lý này gây ra.

Nguyên nhân của suy tim tiến triển trong đại dịch: Trong đợt dịch Covid-19, người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát các bệnh lý nền tại nhà như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim…

Đồng thời việc cách ly cũng làm hạn chế tiếp cận hệ thống y tế trực tiếp một cách nhanh chóng.

 

Triệu chứng của suy tim tiến triển (Đợt suy tim cấp):

- Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo sớm:

Khó thở hơn trong các hoạt động thường ngày, xuất hiện phù, tăng cân, nhịp tim nhanh hoặc chậm thường xuyên, huyết áp cao hoặc thấp không kiểm soát được…

 Nếu có các dấu hiệu trên cần tư vấn bác sỹ sớm để điều chỉnh thuốc và chế độ sinh hoạt tại nhà giúp hạn chế tiến triển nặng và nhập viện.

- Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo bệnh nặng:

 Khó thở ngay cả khi nghỉ, có cơn khó thở về đêm, phù chân tăng nhanh, chướng bụng, tăng cân nhanh, khó thở, không thể nằm lâu, đau ngực…

 Nếu gặp các dấu hiệu này thì phải đến khám tại bệnh viện ngay và nhập viện.

 

Ngăn ngừa tái nhập viện bằng cách:

- Người bệnh nên có sổ tay theo dõi điều trị suy tim tại nhà:

+ Theo dõi huyết áp để điều chỉnh, duy trì < 140/80 mmHg

+ Theo dõi tần số tim, lý tưởng là 60-70 lần/phút lúc nghỉ ngơi

+ Theo dõi cân nặng: Tối thiểu 2 lần/tuần, duy trì BMI < 23

+ Theo dõi lượng nước tiểu và nước uống hàng ngày để cân bằng hợp lý

- Thay đổi lối sống:

+ Bỏ thuốc lá, thuốc lào

+ Hạn chế bia rượu và sử dụng chất kích thích

+ Ngủ đủ giấc, khoảng 8 tiếng mỗi ngày

+ Tập thể dục: Khoảng 30 phút/ngày, và 5 ngày/1 tuần

+ Chế độ ăn có lợi cho tim mạch:

  . Ít muối: hạn chế nước chấm, đồ hộp, đồ muối, đồ chế biến sẵn…

  . Hạn chế mỡ và nội tạng động vật, đồ ăn nhanh.

  . Khẩu phần ăn tăng rau, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt...

 

- Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ về sử dụng thuốc.

- Tuân thủ điều trị các bệnh lý nền khác ngoài suy tim.

- Tiêm vaccine phòng cúm:

Những bệnh nhân suy tim là những người có nguy cơ cao mắc cúm. Các bệnh nhân này khi mắc cúm có nguy cơ cao biến chứng hoặc làm nặng thêm tình trạng suy tim. Điều này khiến bệnh nhân suy tim có thể phải nhập viện. Do vậy tiêm phòng cúm mùa giúp các bệnh nhân tránh được các đợt suy tim tiến triển sau nhiễm cúm.

- Tiêm vaccine COVID-19 sớm để được bảo vệ sớm nhất:

Suy tim là bệnh nền nặng, cần được bảo vệ sớm do có nguy cơ tử vong tăng nếu mắc COVID-19. Các bệnh nhân suy tim nếu đang ổn định nên được tiêm Vaccine sớm, các bệnh nhân nếu đang ở giai đoạn ổn định thì không có chống chỉ định tiêm Vaccine.

 

Bệnh suy tim làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được hiểu biết, quản lý và điều trị đúng cách, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu người bệnh có lối sống tích cực, lạc quan, chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức, biết cách tự chăm sóc bản thân và được điều trị một cách đúng đắn, người bệnh mắc suy tim hoàn toàn có thể có một cuộc sống có chất lượng lâu dài. Trong thời kỳ dịch bệnh, ngoài sự hỗ trợ của nhân viên y tế, vai trò chủ động của người bệnh là vô cùng quan trọng để giúp người bệnh có thể vượt qua những vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị của mình.

Chúng tôi sẽ luôn luôn đồng hành cùng quý bệnh nhân trong cuộc hành trình nhiểu thử thách đặc biệt này. Các vấn đề gặp phải có thể trao đổi trực tiếp hoặc đặt các câu hỏi qua Group Facebook:

 https://www.facebook.com/groups/241511244513026 để chúng có thể hỗ trợ được tốt nhất.

Thực hiện: Ths. ĐD Đỗ Thị Hiến; CN. Nguyễn Thanh Hải;

Ths. Phạm Thế Thọ, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ