Điều trị sỏi ống mật chủ qua nội soi mật tụy ngược dòng

  03:36 PM 09/03/2020
Trước đây, bệnh lý sỏi ống mật chủ (OMC) đều phải can thiệp bằng ngoại khoa. Từ khi kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (NSMTND) ra đời, người ta đã có thể điều trị lấy sỏi OMC qua nội soi. Phương pháp này dần dần thay thế phẫu thuật và thể hiện tính ưu việt của nó như: kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, ít ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn, thời gian phục hồi sức khỏe nhanh, ít biến chứng, chi phí thấp. Do vậy phương pháp này điều trị khá hữu hiệu và đã khắc phục được phần lớn nhược điểm của phương pháp phẫu thuật ở những bệnh nhân sỏi OMC.

Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó có một số biến chứng nặng. Do vậy cần phải có đội ngũ bác sỹ có kinh nghiệm và tay nghề tốt, đòi hỏi phải thực hành và rèn luyện một cách thành thạo các kỹ năng nội soi tiêu hóa chung trước khi thực hiện NSMTND. Kỹ thuật này chỉ được thực hiện ở một số bệnh viện lớn có cả chuyên ngành nội Tiêu hóa và ngoại Tiêu hóa phát triển.

Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện kỹ thuật này từ những năm 90 của thế kỷ trước; với đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng chuyên ngành Nội tiêu hóa giàu kinh nghiệm đã thực hiện hàng nghìn ca lấy sỏi OMC qua NSMTND thành công, trả lại sức khỏe và niềm vui hạnh phúc cho người bệnh.

Kíp thực hiện kỹ thuật tại Viện điều trị các bệnh Tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108.

CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ VÀ TIẾN HÀNH:

* Thế nào là nội soi mật tụy ngược dòng

Là kỹ thuật chuyên biệt dùng để quan sát ống dẫn mật, ống tụy và túi mật. Qua đó có thể chẩn đoán chính xác, đồng thời có thể can thiệp điều trị một số bệnh lý thuộc đường mật - tụy như: viêm tắc đường mật do sỏi mật, giun chui ống mật, chít hẹp đường mật gây tắc mật, u đường mật…

Lấy sỏi trong đường mật bằng rọ và bóng kéo sỏi qua ERCP

* Chuẩn bị bệnh nhân trước thủ thuật

Bệnh nhân được chẩn đoán hoặc nghi ngờ sỏi OMC bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, trước khi thực hiện thủ thuật cần:

Phải nhịn ăn uống ít nhất 6h trước khi nội soi.

Nếu đang dùng thuốc tim mạch hoặc thuốc chống co giật thì dùng nó như bình thường vào ngày chỉ định.

Nếu bị tiểu đường: không uống thuốc buổi sáng cho đến sau khi làm ERCP.

Liên hệ với bác sĩ ít nhất 10 ngày trước khi làm thủ thuật nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang uống chống đông như: Aspirin, Warfarin, Enosaparin (clexane), Plavix (clopidogrel). Mang theo danh sách của các loại thuốc và liều dùng thuốc của bạn.

Bệnh nhân và gia đình đồng ý thực hiện thủ thuật sau khi được bác sỹ giải thích kỹ lưỡng.

* Cách thức tiến hành NSMTND lấy sỏi OMC

Bệnh nhân nằm nghiêng trái trên bàn thủ thuật. Bác sĩ dùng ống nội soi nhìn bên nhỏ (to bằng thân bút máy), mềm, phía đầu bẻ cong được các hướng, đầu chóp được gắn đèn ánh sáng lạnh kèm camera thu hình ảnh truyền ra màn hình. Ống soi được đưa từ từ qua miệng bệnh nhân xuống thực quản, dạ dày và phần giữa của tá tràng, nơi có lỗ của đường mật - tụy (núm Vater) chảy xuống ruột. Thông qua lỗ này bác sĩ đưa các dụng cụ chuyên dụng vào đường mật và bơm thuốc cản quang, chụp hình đường mật - tụy bằng một máy x-quang cơ động (C-arm). Hình ảnh x-quang được truyền ra màn hình tăng sáng giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vị trí, kích thước, số lượng và tính chất sỏi mật. Qua đó bác sỹ còn đưa một số dụng cụ (dao cắt cơ thắt lỗ đường mật (cơ oddi), bóng nong đường mật, rọ gắp sỏi, tán sỏi; bóng kéo sỏi) tiến hành cắt cơ oddi, nong rộng đường mật, tán sỏi và lấy sỏi ra khỏi đường mật. Thủ thuật có thể kéo dài từ 15 - 60 phút tùy thuộc mức độ khó dễ của kỹ thuật. Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể cần nằm viện để theo dõi và dùng thuốc khoảng từ 1-5 ngày tùy từng trường hợp.

Hình ảnh sỏi trong ống mật chủ

Sỏi đường mật được lấy ra tá tràng

* Những tai biến, biến chứng của thủ thuật

Nói chung ERCP là một phương pháp khá an toàn và tối ưu nếu bác sĩ nội soi có trình độ và nhiều kinh nghiệm.

Sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu nhẹ bao gồm buồn nôn, trướng bụng, đau nhẹ tại chỗ vùng cổ họng hoặc thượng vị khoảng vài giờ đầu và cũng có thể gặp một số biến chứng: chảy máu đường mật (1%), viêm đường mật kéo dài (3%), viêm tụy cấp (5%), nhiễm khuẩn huyết (2%), thủng tá tràng (1%).

Vì thế, người bệnh cần phải nhập viện hoặc báo ngay cho bác sĩ biết khi thấy có những triệu chứng sau xuất hiện: Đau bụng dữ dội, đầy trướng, nôn mửa, sốt hoặc ớn lạnh, đại tiện phân máu hoặc màu đen, choáng váng, đau họng khó nuốt…

* Nơi thực hiện thủ thuật: Viện điều trị các bệnh Tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108.

   Thực hiện: PGS.TS. Nguyễn Cảnh Bình – PT Chủ nhiệm khoa Điều trị bệnh Ống tiêu hóa.

Chia sẻ